Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Freelancer từ góc nhìn pháp lý

Lại Thị Diệu Thùy - Phan Huy Quyền(*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Người làm việc tự do (freelancer) như viết lách, dạy học, dịch thuật, công nghệ thông tin, tiếp thị trực tuyến, hay trợ lý… rất phổ biến hiện nay. Nhưng từ trước đến nay, cả freelancer và người sử dụng nguồn nhân lực này đều không cho rằng mối quan hệ giữa họ là mối quan hệ lao động. Vậy dưới góc độ pháp lý, những người làm việc tự do được pháp luật điều chỉnh như thế nào?

Freelancer hiện được biết đến khá rộng rãi và trên nhiều lĩnh vực, nhất là với những nghề như viết lách, dạy học, dịch thuật, công nghệ thông tin, tiếp thị trực tuyến, hay trợ lý. Họ được trả thù lao để thực hiện công việc theo thỏa thuận và theo khả năng làm việc cũng như ý muốn của họ.

Khác với hình thức làm việc toàn thời gian cho một doanh nghiệp thông qua giao kết hợp đồng lao động (HĐLĐ) truyền thống, hình thức làm việc tự do cho phép các cá nhân tự lựa chọn thời gian, địa điểm, hình thức làm việc thích hợp. Điều này giúp các freelancer có thể đảm bảo nhiều nguồn thu nhập nhưng không cần phải lệ thuộc vào một tổ chức hay doanh nghiệp nào.

Ở khía cạnh khác, doanh nghiệp thường tìm đến các freelancer nhằm đáp ứng những nhu cầu công việc có tính chất thời vụ của doanh nghiệp hoặc do sự thiếu hụt nguồn nhân lực có chất lượng vào một khoảng thời gian cao điểm nào đó. Việc này giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí và gia tăng năng suất.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đơn giản hóa quy trình tuyển dụng và không phải thực hiện việc giao kết HĐLĐ, không mất các chi phí phúc lợi và chi trả thêm các khoản bảo hiểm bắt buộc theo luật định như đối với phần lớn người lao động trong doanh nghiệp.

Một thực tế là từ trước đến nay, cả freelancer và doanh nghiệp đều không cho rằng mối quan hệ giữa họ là mối quan hệ lao động. Vậy dưới góc độ pháp lý, những người làm việc tự do được pháp luật điều chỉnh như thế nào?

Giao kết hợp đồng

Vì pháp luật Việt Nam không quy định hình thức làm việc tự do, nhiều người theo quan điểm cho rằng mối quan hệ giữa doanh nghiệp và freelancer được điều chỉnh bởi Bộ luật Dân sự và các văn bản hướng dẫn liên quan.

Trên thực tế, doanh nghiệp và freelancer thường giao kết hợp đồng với nhau dưới nhiều hình thức khác nhau, như hợp đồng cộng tác viên, hợp đồng công việc, hay hợp đồng cung ứng dịch vụ, cùng những điều khoản có liên quan đến phạm vi công việc, tiền dịch vụ, quyền và nghĩa vụ của các bên.

Nhưng nhìn chung, các loại hợp đồng này đều mang tính chất hợp đồng dịch vụ, bởi theo pháp luật dân sự hiện hành, không có khái niệm pháp lý nào có liên quan đến hợp đồng cộng tác viên hay công việc tự do.

Những người muốn phát triển cá nhân theo khuynh hướng hoàn toàn làm việc tự do có thể cân nhắc việc thành lập hộ kinh doanh cá thể hay thành lập doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp, để cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp và có thể xuất hóa đơn giá trị gia tăng một cách hợp pháp khi doanh nghiệp có yêu cầu.

Có một thực tế là khá nhiều doanh nghiệp sử dụng các loại hợp đồng dịch vụ, hợp đồng cộng tác viên… để ký kết với các freelancer nhằm mục đích né tránh các nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong quan hệ lao động.

Theo quy định của pháp luật lao động hiện hành, nếu doanh nghiệp sử dụng các loại hợp đồng đáp ứng điều kiện để có thể được xác định là HĐLĐ, như (i) có sự thỏa thuận giữa các bên; (ii) có nội dung thỏa thuận về trả tiền lương, tiền công; và (iii) có sự quản lý, điều hành, giám sát của doanh nghiệp, thì mối quan hệ giữa doanh nghiệp và freelancer vẫn được xem là mối quan hệ lao động và chịu sự điều chỉnh của pháp luật lao động.

Do vậy, trước khi giao kết hợp đồng cộng tác viên hay hợp đồng dịch vụ, freelancer cần lưu ý các nội dung trong hợp đồng để xác định đúng mối quan hệ pháp lý với doanh nghiệp và đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Bảo hiểm và thuế

Nếu xem xét freelancer là người làm việc không nằm trong cơ cấu bộ máy tổ chức của bất kỳ một doanh nghiệp nào thì họ không được hưởng các chế độ bảo hiểm bắt buộc như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Tuy nhiên, họ vẫn có thể lựa chọn tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, hoặc các chương trình bảo hiểm nhân thọ khác tùy thuộc vào thu nhập, nhu cầu và khả năng của mình.

Và như đã phân tích, trong mối quan hệ với doanh nghiệp, freelancer là bên cung ứng dịch vụ và được trả thù lao dịch vụ theo thỏa thuận giữa hai bên. Như vậy, thu nhập của freelancer thuộc đối tượng chịu thuế thu nhập cá nhân từ kinh doanh theo Luật Thuế thu nhập cá nhân, với tỷ lệ phần trăm trên doanh thu đối với từng lĩnh vực, ngành nghề(1).

Bên cạnh đó, theo Luật Thuế giá trị gia tăng, khi freelancer cung cấp dịch vụ cho các tổ chức, doanh nghiệp, họ phải nộp thuế giá trị gia tăng với tỷ lệ thuế tính trên doanh thu đối với từng ngành, nghề, trừ trường hợp chuyển giao công nghệ theo Luật Chuyển giao công nghệ; chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ theo Luật Sở hữu trí tuệ; phần mềm máy tính.

Tùy theo thỏa thuận với doanh nghiệp, freelancer hoặc tự kê khai và nộp thuế với cơ quan quản lý thuế, hoặc doanh nghiệp hỗ trợ thực hiện các thủ tục về thuế theo sự ủy quyền của freelancer.

Đối với freelancer có thu nhập từ nước ngoài, họ phải tự mình nộp thuế thu nhập cá nhân theo từng lần phát sinh và tự khai thuế theo quí(2), và cần lưu ý chính sách khấu trừ thuế tại nguồn theo quy định ở các nước mà tổ chức, doanh nghiệp chi trả thu nhập, để tránh bị đánh thuế hai lần (nếu có).

Tuy nhiên, việc kiểm tra, quản lý thu nhập của các freelancer thường gặp rất nhiều khó khăn, do họ làm việc tự do, có thu nhập ở nhiều nơi khác nhau và thu nhập cũng không ổn định, chưa kể những trường hợp có thu nhập từ nước ngoài.

Vì vậy, giải pháp duy nhất của cơ quan thuế địa phương là kiểm soát thu nhập của freelancer thông qua tài khoản ngân hàng. Điều này đã được luật hóa trong Nghị định 126/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 5-12-2020.

Theo đó, khi được yêu cầu của cơ quan quản lý thuế, ngân hàng thương mại phải cung cấp thông tin tài khoản thanh toán của người nộp thuế, thông tin giao dịch, số dư tài khoản…Nếu cơ quan thuế phát hiện freelancer có hành vi chậm khai thuế, chậm nộp thuế, hoặc trốn thuế, gian lận thuế, thì freelancer có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 125/2020/NĐ-CP.

Một lưu ý nữa là những người muốn phát triển cá nhân theo khuynh hướng làm việc tự do trong toàn bộ quỹ thời gian của mình thì có thể cân nhắc việc thành lập hộ kinh doanh cá thể hay thành lập doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp, để cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp và có thể xuất hóa đơn giá trị gia tăng một cách hợp pháp khi doanh nghiệp có yêu cầu.

Bộ luật Lao động 2019 và quy định bỏ ngỏ

Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực từ ngày 1-1-2021 đã mở rộng thêm đối tượng áp dụng là “người làm việc không có mối quan hệ lao động”, được định nghĩa là người làm việc không trên cơ sở thuê mướn bằng hợp đồng lao động(3).

Bộ luật này cũng quy định việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người làm việc không có mối quan hệ lao động, cũng như việc áp dụng một số quy định của Bộ luật Lao động đối với đối tượng lao động này, tuy nhiên, chưa có hướng dẫn cụ thể.

Vấn đề đặt ra là dưới góc độ pháp lý, liệu rằng freelancer có được xem là “người làm việc không có mối quan hệ lao động” như quy định? Nếu có thì mức độ điều chỉnh của Bộ luật Lao động đến đâu? Liệu có sự chồng chéo, mâu thuẫn nào giữa Bộ luật Lao động và Bộ luật Dân sự khi cả hai đều điều chỉnh quan hệ giữa freelancer và doanh nghiệp?

Các câu hỏi này hiện vẫn còn bỏ ngỏ và cần có câu trả lời ở những văn bản pháp luật hướng dẫn trong thời gian tới.

————-

(*) Công ty Luật Phuoc & Partners

(1) Mục 1.1 Công văn 17526/BTC-TCT năm 2014 của Bộ Tài chính

(2) Điều 7.4 của Thông tư 92/2015/TT-BTC

(3) Điều 3.6 BLLĐ 2019

1 BÌNH LUẬN

  1. Bài báo nói chính xác về trường hợp hướng dẫn viên tự do ký hợp đồng hướng dẫn, (hợp đồng thời vụ, hợp đồng khoán việc, hợp đồng cung cấp dịch vụ…) với công ty lữ hành. Tuy Luật Du lịch đưa tên hợp đồng hướng dẫn vào điều 58 khoản 3 điểm c, nhưng chưa cơ quan nào, kể cả Tổng Cục Du lịch có thể xác nhận hợp đồng hướng dẫn thuộc Luật Lao Động 2019 (hay Luật Lao Động 2012) hoặc Luật Dân sự. Còn trên thực tế các cơ quan quản lý luôn luôn bắt doanh nghiệp lữ hành phải giám sát mọi hoạt động của hướng dẫn viên kể từ khi ký hợp đồng giao tour dẫn khách, có nghĩa đây là mối quan hệ theo Luật Lao động. Không cơ quan nào cho phép hướng dẫn viên tự do được cung cấp trực tiếp với khách du lịch hợp đồng dịch vụ hướng dẫn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới