Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

G20 bàn cách thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

G20 bàn cách thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu

Phúc Minh

G20 bàn cách thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu
Hội nghị thượng đỉnh G20, dự kiến diễn ra ngày 15-11 và 16-11 tại thành phố Antalya (Thổ Nhĩ Kỳ), sẽ bàn biện pháp để kinh tế toàn cầu tăng trưởng bền vững và cân bằng cùng các biện pháp chống khủng bố, di cư trái phép. Ảnh: Reuters

(TBKTSG Online) – Hội nghị thượng đỉnh G20, dự kiến diễn ra ngày 15-11 và 16-11 tại thành phố Antalya (Thổ Nhĩ Kỳ), sẽ bàn biện pháp để kinh tế toàn cầu tăng trưởng bền vững và cân bằng cùng các biện pháp chống khủng bố, di cư trái phép.

Tại hội nghị này, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ nêu các sáng kiến cải cách, chiến lược kinh tế của Nhật Bản, qua đó góp phần thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu. Thủ tướng Abe cũng sẽ công bố các khoản viện trợ kinh tế, kế hoạch hỗ trợ đào tạo nhân lực nhằm góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng di dân đang tác động đến châu Âu.

Hội nghị thượng đỉnh G20 quy tụ các nhà lãnh đạo 20 nền kinh tế phát triển nhất thế giới gồm: Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Anh, Ý, Canada, Nga, Argentina, Úc, Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Mexico, Ả-rập Saudi, Hàn Quốc, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh châu Âu (EU). Văn phòng Tổng thống Pháp cho biết, Tổng thống Francois Hollande sẽ không tham dự hội nghị do bận chỉ đạo đối phó với hậu quả vụ khủng bố ở Paris hôm 13-11.

Tăng trưởng quí 3-2015 của eurozone chỉ đạt 0,3%

Ngày 13-11, Cơ quan thống kê EU công bố số liệu cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quí 3-2015 của khu vực đồng euro (eurozone) chỉ tăng 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái, tốc độ phục hồi còn yếu.

Trong quí 3-2015, GDP của Pháp tăng 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái – tránh được thời gian dài tăng trưởng thấp. Tuy nhiên, nền kinh tế Ý lại không đạt được mục tiêu tăng trưởng 0,3%, với GDP chỉ tăng 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, GDP của Hy Lạp suy giảm 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, chỉ tăng trưởng 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái, bất chấp tiêu dùng và chi tiêu chính phủ tăng.

Trước đó, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã cam kết bơm hơn 1.000 tỉ euro vào nền kinh tế khu vực đến tháng 9-2016 để thúc đẩy nhu cầu và tín dụng. Mặc dù vậy, tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp tại eurozone vẫn chưa thay đổi nhiều, tỷ lệ lạm phát tháng 7-2015 vẫn là 0,2% – cách xa mục tiêu 2% mà ECB đặt ra.

Lệnh trừng phạt khiến kinh tế Nga suy giảm 4,1% trong quí 3-2015

Theo số liệu công bố ngày 12-11 của Cơ quan thống kê quốc gia Nga (Rosstat), nền kinh tế Nga đã suy giảm 4,1% trong quí 3-2015. Nguyên nhân chủ yếu do giá dầu thế giới giảm và tác động của lệnh trừng phạt mà các nước phương Tây áp đặt lên Nga.

Số liệu trên cho thấy nền kinh tế Nga đang chìm sâu vào khó khăn. Chính phủ Nga dự báo nền kinh tế Nga có thể suy giảm khoảng 3,9% trong cả năm 2015, trước khi phục hồi nhẹ vào năm 2016.

Vào tháng 9-2015, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo nền kinh tế Nga có thể suy giảm 3,8% trong năm 2015 – cao hơn nhiều so với dự báo suy giảm 2,7% mà WB đưa ra trước đó. Theo WB, nếu giá dầu còn tiếp tục giảm và đứng ở mức trung bình khoảng 50 đô la Mỹ/thùng, nền kinh tế Nga thậm chí có thể giảm đến 4,3% trong năm nay.

Trong dự báo mới nhất, WB ước tính nền kinh tế Nga suy giảm 0,6% trong năm 2016 và chỉ có thể phục hồi vào năm 2017 với mức tăng trưởng 1,5%. Trước đó, WB dự báo nền kinh tế Nga có thể tăng nhẹ ở mức 0,7%. trong năm 2016.

Hiện, tỷ lệ đói nghèo tại Nga đã tăng lên 15,1%, tức là có 21,7 triệu người dân Nga đang sống ở mức đói nghèo, do giá lương thực và thực phẩm tăng cao. Thậm chí, tại một số khu vực của Nga, có hơn 35% dân số đang sống trong đói nghèo.

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây ước tính các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Nga có thể khiến nước này bị thiệt hại khoảng 9% GDP trong trung hạn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới