G20 lo ngại Mỹ thắt chặt tài chính quá mạnh
Trúc Như
![]() |
G20 lo ngại Mỹ thắt chặt tài chính quá mạnh. Ảnh: TL |
(TBKTSG Online) – Bộ trưởng tài chính các nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) ngày 5-11 cảnh báo sự chậm trễ trong kế hoạch chống khủng hoảng của Liên minh châu Âu (EU) và thắt chặt tài chính mạnh mẽ của Mỹ trong năm 2013 sẽ đe dọa tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Đó cũng là hai chủ đề chính trong chương trình nghị sự G20 kéo dài 2 ngày 5-11 và 6-11 tại Mexico.
Các bộ trưởng tài chính trong nhóm G20 cho biết Mỹ sẽ phải đối mặt với kế hoạch thắt chặt tài chính mạnh mẽ trong năm 2013. Mỹ cần điều chỉnh cẩn thận tốc độ thắt chặt tài chính để đảm bảo tài chính công đi trên con đường lâu dài bền vững, đồng thời tránh thắt chặt tài chính quá mạnh mẽ.
Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), bà Christine Lagarde, nói: “Ai được bầu làm tổng thống Mỹ sẽ phải đối mặt với thách thức đó. Điều đầu tiên và quan trọng nhất đối với tân tổng thống Mỹ là phải giải quyết nhanh chóng vấn đề tài chính và trần nợ công – hai rủi ro không chỉ gây bất ổn đối với nền kinh tế Mỹ mà còn đối với nền kinh tế toàn cầu”.
Bên cạnh đó, nhiều sự chú ý tại cuộc họp tập trung vào cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu. Ủy viên tài chính và tiền tệ của Liên minh châu Âu (EU), ông Olli Rehn, cho biết những rủi ro đã giảm đáng kể trong khu vực châu Âu. Tuy nhiên, một thỏa thuận về việc giải quyết cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro (eurozone) không đủ để thúc đẩy nền kinh tế thế giới tăng trưởng cao hơn… và rủi ro cũng xuất phát từ các vấn đề tài chính của Mỹ, lạm phát và suy giảm kinh tế tại các nền kinh tế mới nổi.
Mặc dù phải đối mặt nhiều thách thức, các bộ trưởng tài chính G20 tuyên bố: “Chúng tôi cam kết mở cửa thương mại, đầu tư, mở rộng thị trường và chống lại chủ nghĩa bảo hộ dưới mọi hình thức”.
Các bộ trưởng tài chính G20 cũng bày tỏ lo ngại Trung Quốc hoặc các nước khác có thể tìm cách chống lại suy giảm tăng trưởng bằng cách thao túng tiền tệ. Các bộ trưởng cam kết hành động nhanh hơn để giữ hệ thống tỷ giá hối đoái linh hoạt theo thị trường, tránh cạnh tranh phá giá tiền tệ.
(Theo AP)