Thứ ba, 26/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

G7 cam kết hợp tác đa dạng hóa chuỗi cung ứng

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Khối cường quốc G7 gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Canada và Nhật Bản cam kết hợp tác để đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu. Đó là một trong những nội dung đáng chú ý của tuyên bố chung được đưa ra hôm 13-5 sau 3 ngày họp của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương G7 (G7 FMCBG) tại thành phố Niigata của Nhật Bản.

Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương G7 tại hội nghị G7 FMCBG ở thành phố Niigata, Nhật Bản hôm 13-5. Ảnh: AP

Tuyên bố chung của G7 FMCBG cảnh báo tình trạng bất ổn của nền kinh tế toàn cầu đang dâng cao dù đã chừng tỏ khả năng chống chịu tốt trước nhiều cú sốc trong những năm qua.

“Nền kinh tế toàn cầu đã cho thấy khả năng phục hồi trước nhiều cú sốc gồm đại dịch Covid-19, cuộc xung đột Nga-Ukraine và áp lực lạm phát liên quan. Tuy nhiên, chúng ta cần duy trì sự cảnh giác và linh hoạt về chính sách kinh tế vĩ mô trong bối cảnh tình hình kinh tế toàn cầu ngày càng không chắc chắn”, tuyên bố chung cho hay.

Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương G7 cũng cam kết chống lạm phát cao dai dẳng và bảo đảm các kỳ vọng chắc chắn về chuyển động của giá cả trong tương lai.

Một nội dung quan trọng của tuyên bố chung là G7 sẽ ra mắt chương trình hợp tác với Ngân hàng Thế giới (WB) để đa dạng hóa chuỗi cung ứng sớm nhất là vào cuối năm nay. Chương trình này, có tên gọi Nâng cao chuỗi cung ứng toàn diện và đàn hồi (RISE), sẽ cung cấp “tài chính, kiến thức và quan hệ đối tác” cho các nước đang phát triển được quan tâm.

Tuyên bố chung nhấn mạnh nâng cao khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng sẽ giúp duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô và giúp các nền kinh tế toàn cầu bền vững hơn. Ví dụ, đa dạng hóa chuỗi cung ứng các sản phẩm quan trọng cho năng lượng sạch có thể góp phần bảo vệ an ninh năng lượng, cũng như hỗ trợ nỗ lực toàn cầu nhằm giữ nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Tuyên bố chung không trực tiếp đề cập đến nhu cầu giảm sự phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc hoặc Nga như là động cơ thúc đẩy chương trình RISE.

Tuy nhiên, phát biểu với báo chí sau hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho hay: “Tác động lây lan từ cuộc chiến Nga-Ukraine và tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19 cho thấy tầm quan trọng của các chuỗi cung ứng có sức chống chịu tốt và đa dạng hóa”.

Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki dường như ám chỉ đến Trung Quốc khi nói rằng đại dịch Covid-19 đã bộc lộ mặt trái của các chuỗi cung ứng là “quá tập trung vào một nơi”.

Để trấn an các nhà đầu tư sau hàng loạt cú sụp đổ ngân hàng khu vực gần đây của Mỹ, tuyên bố chung của G7 FMCBG cam kết giải quyết các lỗ hổng về dữ liệu, giám sát và quản lý trong hệ thống ngân hàng. Bất ổn trong ngành ngân hàng Mỹ vẫn chưa kết thúc sau khi Silicon Valley Bank và Signature Bank sụp đổ trong tháng 3 và the First Republic Bank gục ngã đầu tháng 5

G7 FMCBG diễn ra trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu trở nên bất ổn hơn khi tình trạng bế tắc trong đàm phán nâng trần nợ công làm dấy lêm lo ngại về nguy cơ vỡ nợ của Mỹ. Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản, Shunichi Suzuki cho hay hội nghị G7 FMCBG đã thảo luận vấn đề bế tắc trần nợ công của Mỹ. Tuy nhiên, tuyên bố chung hội nghị không đề cập đến sự kiện này.

Bộ trưởng Tài chính Anh, Jeremy Hunt cảnh báo cuộc đối đầu căng thẳng về trần nợ công giữa Tổng thống Joe Biden và hạ viện Mỹ, nơi đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát đang khiến nước Mỹ đối mặt nguy cơ vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử. Ông cho rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ bị đe dọa nghiêm trọng nếu điều này xảy ra.

Hôm 12-5, Ủy ban ngân sách quốc hội Mỹ cho biết chính phủ Mỹ có thể không còn tiền để thanh toán các nghĩa vụ tài chính vào ngày 15-6 tới nếu các nhà lập pháp không đạt được thỏa thuận nâng trần nợ công. Bộ Tài chính Mỹ cũng thông báo tính đến ngày 10-5, bộ này chỉ còn 88 tỉ đô la để thanh toán các hóa đơn của chính phủ.

Tuyên bố chung của G7 FMCBG không đề cập đến một ý tưởng do Mỹ thúc đẩy để xem xét áp đặt các hạn chế có mục tiêu đối với đầu tư vào Trung Quốc nhằm chống lại việc Bắc Kinh sử dụng "sự cưỡng ép kinh tế" đối với các nước khác. Tuy nhiên, tuyên bố chung cho hay các nước G7 sẽ làm việc để đảm bảo đầu tư nước ngoài vào các cơ sở hạ tầng quan trọng “không làm suy yếu chủ quyền kinh tế của nước chủ nhà”.

Theo Reuters, AFP, Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới