Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

G7 nhất trí hợp tác chống ‘o ép kinh tế’

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Nhóm cường quốc công nghiệp G7 nhất trí các biện pháp mới nhằm tăng cường an ninh kinh tế và củng cố chuỗi cung ứng khi họ hướng tới cách tiếp cận chung để giảm thiểu rủi ro trong mối quan hệ kinh tế với Bắc Kinh và Moscow. Các biện pháp này gồm một nền tảng điều phối mới nhằm chống lại sự o ép kinh tế cũng như một loạt bước đi để chống lại các hành vi bóp méo thị trường, bảo vệ công nghệ trong các lĩnh vực quan trọng và đảm bảo nguồn cung hàng hóa quan trọng như khoáng sản, chip bán dẫn và pin.

Các lãnh đạo G7, Ủy ban châu Âu và Hội đồng châu Âu tại một buổi họp của hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima, Nhật Bản hôm 19-5. Ảnh: Reuters

Đó là nội dung cốt lõi của tuyên bố chung được các nhà lãnh đạo G7 gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Canada và Nhật Bản đưa ra hôm 20-5 sau hội nghị thượng đỉnh của họ tại thành phố Hiroshima của Nhật Bản.

Theo tuyên bố chung, G7 nhất trí hợp tác để bảo đảm an ninh kinh tế dựa trên các nỗ lực đa dạng hóa, đào sâu hợp tác và giảm rủi ro, chứ không phải tách rời kinh tế. Các nhà lãnh đạo G7 nhấn mạnh sự cần thiết phải đẩy mạnh hợp tác giữa G7 với các nền kinh tế mới nổi trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, số hóa và thương mại như một phần trong nỗ lực chung nhằm tìm kiếm thị trường và nguồn đầu tư mới.

Trong tuyên bố chung, lần đầu tiên các nhà lãnh đạo G7 nêu ra vấn về o ép kinh tế. Họ cho biết thế giới đang đối mặt với sự gia tăng đáng lo ngại của các trường hợp o ép kinh tế nhằm lợi dụng các điểm tổn thương và sự phụ thuộc về kinh tế. Họ cảnh báo các hành động như vậy “sẽ thất bại và đối mặt với hậu quả”. Họ nhất trí thành lập một nền tảng điều phối mới để cảnh báo sớm và chia sẻ thông tin nhanh chóng nhằm đưa ra phản ứng phối hợp, giúp ngăn chặn và chống lại sự o ép kinh tế.

Tuy nhiên, họ tránh đề cập đến Trung Quốc hoặc Nga, dù hầu hết các biện pháp được công bố dường như nhằm mục đích đối phó với các hành động bị cáo buộc là “cưỡng ép kinh tế” của hai quốc gia này.

“Rút ra bài học từ các sự cố gần đây về vũ khí hóa năng lượng và các sự phụ thuộc kinh tế khác, chúng tôi kiên quyết phản đối hành vi đó (o ép kinh tế)”, các nhà lãnh đạo G7 cho biết trong tuyên bố chung.

Tuyên bố chung không định nghĩa “o ép kinh tế” có nghĩa là gì trong thực tế. Tuy nhiên, trước thềm hội nghị thượng đỉnh G7, Thủ tướng Anh Rishi Sunak nói rằng sáng kiến hợp tác mới của G7 sẽ giúp giải quyết tình trạng sử dụng ngày càng nhiều “các biện pháp o ép kinh tế để can thiệp vào các vấn đề chủ quyền của các quốc gia khác”.

“Ví dụ, Trung Quốc gần đây đã sử dụng sức mạnh kinh tế của mình để o ép các nước bao gồm Úc và Litva trong các bất đồng chính trị”, ông nói.

Trước khi G7 ra tuyên bố chung, đại sứ quán Trung Quốc ở Anh nói rằng chính Trung Quốc mới là nạn nhân từ chính sách o ép kinh tế của Mỹ bao gồm các hạn chế xuất khẩu và phân biệt đối xử đối với một số công ty nhà nước Trung Quốc.

Gần đây, Washington và các đồng minh đã thực hiện các biện pháp chưa có tiền lệ để hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc đối với các công nghệ phương Tây. Chẳng hạn, họ đã áp dụng các hạn chế xuất khẩu chip bán dẫn và các công nghệ quan trọng khác.

Hôm 20-5, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Ursula von der Leyen cho biết Liên minh châu Âu (EU) sẽ công bố chiến lược an ninh kinh tế vào tháng tới. Dù không đưa thông tin chi tiết nhưng bà Ursula von der Leyen nhấn mạnh “phản ứng chung của EU là giảm thiểu rủi ro, chứ không nhằm tách rời kinh tế”. Bà lưu ý sự phân mảnh kinh tế toàn cầu sẽ gây tốn kém hơn cho giới doanh nghiệp.

Trong khi đó, Mỹ theo đuổi cách tiếp cận cứng rắn hơn và có các hành động mà giới chuyên gia mô tả là phát động chiến tranh kinh tế với Trung Quốc trong những năm gần đây.

Điều này khiến Trung Quốc lập luận rằng việc Washington ủng hộ thuật ngữ “giảm rủi ro” của châu Âu chủ yếu nhằm xoa dịu các đồng minh ở khu vực.

“Bằng cách sử dụng giọng điệu mềm mỏng này, Washington cho rằng đây là cách tinh vi hơn để thuyết phục các nước này (châu Âu) tiếp tục các hành động mà trên thực tế nhằm ‘tách rời’ với Bắc Kinh trong các lĩnh vực quan trọng”, tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc nhận định trong một bài xã luận gần đây.

Mỹ đang xem xét luật mới để hỗ trợ cho các đối tác thương mại bị ảnh hưởng bởi hành vi o ép kinh tế cũng như trừng phạt các đối thủ thương mại nước ngoài.

Tuy nhiên, liệu các đồng minh của Washington có cân nhắc các luật tương tự hay không vẫn chưa rõ.

“Mức độ mà châu Âu và Nhật Bản ủng hộ quan điểm của Mỹ về vấn đề o ép kinh tế có thể phụ thuộc vào mức độ họ cần để bảo vệ nền kinh tế của mình khỏi áp lực của Trung Quốc”, Ian Chong, giáo sư và chuyên gia về quan hệ quốc tế của Đại học Quốc gia Singapore, nhận định.

Trong tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo G7 cũng cam kết xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số linh hoạt, bao gồm cả lĩnh vực mạng cốt lõi, mạng di động và vệ tinh. Họ nhất trí chống lại “các hành vi có hại” trong lĩnh vực kỹ thuật số, đặc biệt là liên quan đến dữ liệu nhạy cảm.

Ngoài ra, G7 đồng ý tăng cường đầu tư vào các nền kinh tế thị trường mới nổi thông qua đối tác về đầu tư cở sở hạ tầng toàn cầu (PGII). Sáng kiến PGII đặt ra khuôn khổ pháp lý để tài trợ cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển. G7 nhất trí đến năm 2027, huy động 600 tỉ đô la để hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng trong sáng kiến PGII.

Theo Japan Times, SCMP

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới