Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Gắn con người với xây dựng thương hiệu quốc gia

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Gắn con người với xây dựng thương hiệu quốc gia

Thái Hằng thực hiện

Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan-Ảnh: Thái Hằng

(TBKTSG Online) – Xây dựng thương hiệu quốc gia có một ý nghĩa quan trọng khi tiến sâu hơn trong hội nhập quốc tế. Việt Nam cũng có ý thức về vấn đề này và đã có một số chương trình hành động trong những năm gần đây nhằm đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới.

Bên lề cuộc thảo luận về Xây dựng thương hiệu quốc gia tổ chức ngày 30-6 tại TPHCM, Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã trao đổi với bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cao cấp, xung quanh vấn đề này.

TBKTSG Online: Bà đánh giá như thế nào về quá trình xây dựng thương hiệu quốc gia của Việt Nam?

– Bà Phạm Chi Lan : Việc xây dựng thương hiệu quốc gia của Việt Nam trong những năm gần đây đã được chú ý nhiều, như Bộ Thương mại cũ, nay là Bộ Công Thương, cũng có những chương trình xúc tiến xây dựng thương hiệu cho Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn chung thì vẫn tập trung mảng phát triển thương hiệu của một số sản phẩm hơn là đưa hình ảnh chung của Việt Nam ra thế giới.

Do vậy, về mặt quản lý nhà nước, theo tôi, một mặt cần phải tập trung nhiều hơn vào những khía cạnh chung để đưa ra hình ảnh mà khi nhắc đến thì người ta biết là của Việt Nam; mặt khác đòi hỏi nhà nước hỗ trợ có chọn lọc để các doanh nghiệp phát triển thế mạnh của mình, làm phong phú và nổi bật thương hiệu Việt Nam trên thế giới.

Các nước đều đang hướng tới việc tập trung phát triển những sản phẩm có chất lượng, có độ tin cậy cao và nhắm đến người tiêu dùng. Nên nhớ rằng không thể xây dựng thương hiệu quốc gia nếu không gắn với yếu tố con người.

Theo bà, xây dựng thương hiệu quốc gia có gần với xây dựng thương hiệu doanh nghiệp?

– Nhiều người hiện nay vẫn nhầm lẫn giữa xây dựng thương hiệu quốc gia với xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, trong khi thương hiệu doanh nghiệp gắn với sản phẩm nhất định, doanh nghiệp nhất định thì thương hiệu quốc gia đòi hỏi sự kết hợp về nhiều khía cạnh.

Thương hiệu quốc gia nằm trong một bối cảnh chung rộng lớn hơn, là sự kết hợp của các yếu tố chính trị, văn hóa, xã hội, kinh tế, con người, thiên nhiên nên cần phải xây dựng trên tiêu chí tổng thể và hài hòa các yếu tố trên. Có một thực tế là do về vị trí địa lý Việt Nam nằm gần với Trung Quốc, thì hình ảnh cũng như sản phẩm của Việt Nam, cũng như các quốc gia Đông Nam Á khác, đều ít nhiều chịu ảnh hưởng của Trung Quốc trong mắt cộng đồng quốc tế. Do vậy, cần phải làm nổi bật những nét độc đáo hơn, khác biệt với Trung Quốc.

Một số quan chức nhà nước của Bỉ khi sang thăm Việt Nam vào năm 2004 đã ghé thăm và uống cà phê phin theo kiểu của Việt Nam tại một quán cà phê Trung Nguyên- Ảnh: Hồng Văn

Hiện nay có rất nhiều cách để Việt Nam củng cố thương hiệu quốc gia. Hạ Long chẳng hạn, là nơi có cảnh quan đẹp nổi tiếng trên thế giới nhưng hiện nay cũng là nơi đang phát triển một số ngành kinh tế và gây ô nhiễm môi trường. Cần phải có sự chọn lựa, làm sao cho thế giới thấy Việt Nam đặt sự phát triển kinh tế trong mối tương quan với môi trường và coi phát triển môi trường bền vững quan trọng hơn các chỉ tiêu phát triển kinh tế.

Có thể chọn những nhóm ngành kinh tế hay sản phẩm nào để làm phương tiện xây dựng thương hiệu quốc gia, như Việt Nam hiện đang có thế mạnh về xuất khẩu nông sản chẳng hạn?

– Có nhiều nhóm ngành kinh tế khác nhau, nhưng tôi nghĩ chúng ta nên định hướng một vài nhóm sản phẩm, không quá nhiều nhưng cũng không quá ít, vì quá ít sẽ tạo nên sự hạn chế về quảng bá hình ảnh.

Việt Nam có thế mạnh về xuất khẩu, nhất là hàng nông sản, nhưng chủ yếu là nông sản thô. Cà phê chẳng hạn, hiện nay Việt Nam đang xuất khẩu chủ yếu cà phê nhân nhưng xuất khẩu mà có gia công và tiếp thị hình ảnh, thương hiệu như cà phê Trung Nguyên thì mới đáng đưa ra thế giới.

Từ sản phẩm cơ bản ta thêm giá trị, vừa làm giá trị gia tăng, vừa tăng giá trị của sản phẩm do được chế biến ở trình độ cao hơn, thì chắc chắn về lâu về dài sẽ có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng thế giới.

Xin cám ơn bà!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới