Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Gần một nửa công ty chứng khoán lỗ quí 3

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Gần một nửa công ty chứng khoán lỗ quí 3

Thanh Thương

Gần một nửa công ty chứng khoán lỗ quí 3
Công ty chứng khoán không đủ chỉ tiêu an toàn tài chính sẽ bị kiểm soát gắt gao. Ảnh: TL.

(TBKTSG Online) – Theo báo cáo kết quả kinh doanh quí 3 của các công ty chứng khoán, đã có gần 50% công ty thua lỗ trong quí này, trong bối cảnh thị trường chứng khoán tiếp tục đi xuống.

Trong quí 3, VN-Index đã mất 7% số điểm, giảm từ mức 422,3 điểm xuống còn 392,6 điểm vào cuối tháng 9. Trong khi đó, HNX-Index mất 22% so với quí 2.

Thanh khoản đã sụt giảm rất mạnh trong quí này trên cả 2 sàn. Cụ thể sàn TPHCM chỉ còn giao dịch hơn 41.000 tỉ đồng, trong khi quí 2 là hơn 82.000 tỉ đồng, và sàn Hà Nội, giá trị giao dịch của quí vừa qua cũng chỉ còn 21.000 tỉ đồng, giảm một nửa so với quí trước.

Các chỉ số mất điểm, trong khi thanh khoản sụt giảm rất mạnh đã khiến nhiều công ty chứng khoán vừa thoát lỗ trong quí trước đã rơi vào vòng khó khăn trong quí 3 do doanh thu từ môi giới, tư vấn, tự doanh đều đi xuống. Theo thống kê đến thời điểm này, trong số khoảng 62 báo cáo tài chính đã nộp cho 2 sở giao dịch thì có khoảng 30 công ty lỗ quí 3.

Trong số những công ty thua lỗ, đã có những công ty lỗ kéo dài, mất khả năng thanh toán và bị đình chỉ hoạt động. Cụ thể như Công ty Chứng khoán Cao su (RUBSE) lỗ 2,24 tỉ đồng dẫn đến lỗ lũy kế 42,18 tỉ đồng, lỗ vượt luôn vốn chủ sở hữu là 40 tỉ đồng.

Trong báo cáo tài chính RUBSE, doanh thu đạt 1,2 tỉ đồng, nhưng chi phí hoạt động kinh doanh lên tới 2,6 tỉ đồng. Đến hết quí 3, tiền và các khoản tương đương tiền của RUBSE chỉ còn 683 triệu đồng, giảm hơn 2,1 tỉ đồng so với kỳ trước.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng vừa đình chỉ hoạt động của công ty này trong 6 tháng, từ 29-10-2012 đến 29-4-2013 do không đảm bảo tỷ lệ an toàn tài chính. Trước đó, 2 công ty khác là Chứng khoán Trường Sơn và Chứng khoán Hà Nội cũng đã bị đình chỉ hoạt động vì lý do như trên.

Công ty chứng khoán có khoản lỗ lớn nhất tính về giá trị tuyệt đối là Công ty chứng khoán Kim Long (KLS). Trong quí 3, KLS lỗ sau thuế hơn 91,5 tỉ đồng. Trong khi tính đến hết 6 tháng đầu năm KLS vẫn lãi 50 tỉ đồng. Việc lỗ trong quí 3, theo số liệu của báo cáo tài chính KLS là do công ty phải trích lập dự phòng đến gần 120 tỉ đồng do cổ phiếu mà công ty tự doanh bị xuống giá.

Một công ty cũng gánh khoản lỗ lớn là Công ty chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS), khi hết quí 3, doanh thu của công ty chỉ đạt 16,3 tỉ đồng, giảm hơn 70% so với cùng kỳ, trong khi chi phí cho hoạt động kinh doanh lên đến 67 tỉ đồng nên SHS đã lỗ sau thuế đến 59 tỉ đồng trong quí 3. Như vậy, lỗ luỹ kế của công ty này đến hết 9 tháng đã là 400 tỉ đồng.

Trong khi đó, ở chiều có lãi, Chứng khoán Sacombank-SBS, đã lỗ liên tục trong nhiều quí liền đã có lợi nhuận sau thuế dương vào quí 3 năm nay với 9,07 tỉ đồng. Nếu tính trong 9 tháng SBS vẫn lỗ hơn 129 tỉ đồng. Việc có lãi trở lại theo một đại diện của SBS là do công ty đã thu hẹp hoạt động kinh doanh, cắt giảm nhân sự nên chi phí giảm xuống đáng kể, đồng thời hoạt động tự doanh cũng đã giảm nhiều nên công ty không phải trích lập dự phòng nhiều như các quí trước.

SBS hiện đang nằm trong diện kiểm soát đặc biệt do không đáp ứng được các chỉ tiêu an toàn tài chính và công ty này cũng đang xin ý kiến uỷ ban về việc giảm vốn điều lệ để tiếp tục tồn tại.

Ngoài ra, những công ty có lãi lớn ngoài gương mặt cũ là Công ty chứng khoán TPHCM (HCM) và SSI, cũng có một số công ty mới như Chứng khoán FPT (FPTS), Chứng khoán Ngân hàng Công thương (CTS).

Theo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, việc tái cấu trúc công ty chứng khoán đang được tiến hành sát sao. Theo đó sẽ tiến tới giảm số lượng công ty chứng khoán, theo hướng siết chặt các quy định về an toàn vốn và minh bạch hoạt động qua việc phải nộp báo cáo tài chính theo quí, năm.

Hiện tại Việt Nam có 99 công ty chứng khoán, trong đó 7 công ty nằm vào dạng kiểm soát đặc biệt, do tỷ lệ vốn khả dụng/tổng rủi ro nhỏ hơn 120%. Thời gian bị kiểm soát đặc biệt là trong vòng 4 tháng, nếu không cải thiện được, công ty sẽ bị đình chỉ hoạt động. Đối với 3 trường hợp là Công ty chứng khoán Cao su, Trường Sơn, và Hà Nội, do không khắc phục được tỷ lệ an toàn vốn sau khi bị đưa vào diện này từ 23-4 nên đã bị đình chỉ hoạt động trong 6 tháng tới.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới