Chủ Nhật, 6/04/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Gánh gồng giữa phố

Trần Thanh Bình

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Tháng Ba phương Nam. Nắng tràn lên những con phố. Người ngược kẻ xuôi với toan tính việc đời. Quãng 9 giờ sáng trở đi, ánh nắng xuyên qua ngọn lá bắt đầu gay gắt, của một ngày tất bật…

Gánh gồng giữa phố. Ảnh: H.P

Tôi bắt gặp người đàn ông ngồi bán đồ ăn sáng trên đường Hồ Văn Huê (quận Phú Nhuận, TPHCM). Ông lúi húi giở phía bên này rồi phía bên kia của hai đầu chiếc đòn gánh tre lên nước bóng loáng. Từng gặp nhiều mẹ nhiều chị oằn vai gồng gánh khắp phố phường với chè với bún với xôi, nhưng hình ảnh người đàn ông gợi một cảm xúc hơi lạ. Đó là một sự cần mẫn tảo tần đặc biệt từ đôi tay thô ráp, mưu sinh giữa chốn nhân gian quá nhiều bận rộn. Người qua kẻ lại hững hờ, thảng hoặc vài người đi đường ghé lại, mua vội một vài hộp rồi đi…

Trên những nẻo đường Sài Gòn, một quần thể cư dân khổng lồ tụ hội kiếm tìm cơ hội sinh nhai, tôi tự hỏi bao con người đã gặp được may mắn và có bao kẻ vẫn phải lận đận lang thang đây đó, để mong có ngày vực dậy đời sống của gia đình mình, bớt đi nỗi lo cơm áo vẫn luôn vướng bận tâm khảm mỗi lúc ánh ngày lên?

Thì hôm qua, cô học trò tôi từng dạy ở Đồng Nai 30 năm trước, bây giờ sống ở huyện Nhà Bè, chợt gửi một bài viết kể câu chuyện về người phụ nữ quê ở Trà Vinh, tôi đọc mà lòng ngổn ngang xúc động. Ấy là một buổi sáng, cô đi lấy hàng về để bán kiếm thêm thu nhập ngoài đồng lương của một cô giáo dạy trẻ mầm non. Cột chiếc điện thoại và xấp tiền bằng chiếc dây thun, cô chạy qua cầu Hiệp Phước, dè đâu lúc xuống dốc cầu, chiếc túi tiền và điện thoại bị rớt mà không biết. Người phụ nữ buôn bán ven đường ấy đã kêu với theo và nhặt chiếc túi đưa lại cho cô.

Cô mừng rỡ cảm ơn vội đi, lúc trở về ghé thăm cảm ơn ân nhân và mua vài thứ “ủng hộ”. Hỏi han một hồi, mới biết chị ở Trà Vinh lên đây ở trọ đã mấy năm. Hai vợ chồng với chiếc xe bán bắp luộc, khoai lang, đậu phộng cũng đắp đổi qua ngày, thuốc thang cho chồng, trả tiền thuê nhà trọ, nuôi con ăn học. Và câu trả lời của người phụ nữ Trà Vinh 38 tuổi ở cuối cùng bài viết, khi được cô học trò hỏi vì sao lúc nhặt được túi tiền, chị không giữ lại để chi dùng, khiến tôi bần thần cảm động một lúc: “Trời ơi, đâu được chị, không phải của mình làm ra thì phải trả lại chị ơi, tội lỗi chết luôn, em không làm vậy được”.

Câu trả lời đoạn kết của bài viết ấy, trong cuộc đời lang bạt đây đó của mình, tôi đã từng nghe được thốt ra từ tấm lòng của những người làm việc tốt đó đây, có phần na ná giống nhau, tuy rằng mỗi người mỗi cách tỏ bày, thể hiện. Song, tôi vẫn muốn được nghe nhiều hơn và biết nhiều hơn từ miệng của những con người cần lao giữa dòng đời này, vì luôn nghĩ rằng đó là ý nghĩa lớn lao nhất của sự cưu mang, đùm bọc.

Đã từng lận đận kiếm kế mưu sinh, nên nhiều lúc tôi miên man thiển nghĩ chuyện này chuyện nọ. Cũng như những ngày hàn vi của mình, tôi đã từng đạp chiếc xe đạp xọc xạch gần chục cây số qua bao đèo dốc từ 3 giờ sáng ra chợ Long Khánh (Đồng Nai), ngồi chờ rạng sáng và chờ từng đoàn xe tải nhỏ chở trái cây từ miền Tây lên, đổ xuống con đường đi vào chợ, để mua về bán lẻ ở các ngôi quán trước cổng các trường học. Nhiều người phụ nữ từ các vùng ven như Bảo Vinh, Bảo Chánh, Xuân Định, Bảo Hòa… mỗi sớm cũng về đây mua sỉ trái cây đem về bán lại.

Tôi được các chị các mẹ chỉ cho cách lựa quýt sao cho ngọt, lựa cam sao cho mỏng vỏ và dưa hấu được nhiều nước, như những bài học nhập môn, vì họ thấy có lẽ chỉ tôi là số ít đàn ông giữa xôn xao chợ búa. Khoảng vài tháng sau, tự dưng thuần thục dần. Mỗi khi ra khỏi cổng chợ, vài chị bảo giở các túi nylon ra để xem lại giùm, họ cười khen rằng “chú đã học nghề được rồi đó”. Quả nhiên, mớ trái cây mỗi sáng tôi lựa, dần dần tươi lâu và ngon hơn hẳn. Nhờ vậy, cũng đắp đổi được qua ngày của những tháng năm tự nhận là… một thuở long đong!

Vì thế, chiếc đòn gánh bóng loáng và đôi quang trĩu nặng lúc bình minh lên của người đàn ông ngồi bên vỉa hè nhẫn nại tôi gặp mỗi sáng, có lẽ có một dấu nối cảm thông và chia sẻ về cuộc mưu sinh, khi tôi ngồi tĩnh tâm viết những dòng này!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới