Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Gánh nặng từ sự lạc hậu của thuế thu nhập cá nhân

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Quy định về thang bậc tính thuế và điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh tại Luật Thuế thu nhập cá nhân không theo kịp những thay đổi của cuộc sống, ảnh hưởng không nhỏ tới người dân trong bối cảnh thu nhập giảm, các khoản chi tăng đều hàng năm.

Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN) hiện hành được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 20-11-2007, tại kỳ họp thứ 2, thay thế Pháp lệnh thuế thu nhập với người có thu nhập cao.

Sau khi chính thức có hiệu lực thi hành vào ngày 1-1-2009, số thu từ thuế TNCN đã đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước, theo hướng năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể, số thu thuế thu nhập cá nhân tăng từ mức gần 38.500 tỉ đồng năm 2011 lên trên 127.600 tỉ đồng năm sau 2021.

Gánh nặng nộp thuế thu nhập cá nhân vẫn hiện hữu với người lao động trong bối cảnh việc làm và thu nhập giảm sút. Ảnh minh hoạ: THÀNH HOA

Tuy nhiên, thu nhập thực tế của phần lớn người dân giảm sút do chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19, hoặc tăng quá thấp so với mức tăng giá cả hàng hóa khiến những quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân dần không phù hợp với những thay đổi của bối cảnh cuộc sống. Theo đó, những đối tượng có mức thu nhập không cao (hiện nộp thuế ở bậc một và bậc hai – PV) sẽ phải chờ ít nhất 3 năm nữa mới được giảm mức đóng thuế hoặc không phải đóng thuế, khi việc sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) dự kiến được tiến hành cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Mức giảm trừ không theo kịp chi tiêu của người dân

Yêu cầu sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân tiếp tục được đặt ra tại nghị trường Quốc hội những ngày gần đây khi một số Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng nhiều ít điểm trong luật này đã lạc hậu, không phù hợp với thực tiễn, đặc biệt quy định về mức giảm trừ gia cảnh.

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (đoàn Hưng Yên) cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh là 11 triệu đồng một tháng với một người lao động và 4,4 triệu đồng một tháng với một người phụ thuộc, được duy trì từ tháng 7-2020 tới nay, là không còn phù hợp với biến động liên tục mặt bằng giá chung, tạo sự thiếu công bằng giữa các đối tượng nộp thuế.

Lý giải thêm, đại biểu Mai hầu hết các loại hàng hoá tiêu dùng, dịch vụ đều tăng giá sau dịch Covid-19 khiến chi phí sinh hoạt của người dân ước tăng 20-30%. Điều này khiến chi phí cho cuộc sống của đối tượng sinh sống tại các khu đô thị gia tăng do giá thuê nhà, phòng trọ, giá điện và nước, hàng hoá, dịch vụ đều tăng. Với đối tượng có con nhỏ đang đi học, chi phí sẽ cao hơn.

Ngược lại, thu nhập của nhiều người lao động không tăng, thậm chí giảm trong thời gian qua do doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh, thiếu đơn hàng, thiếu và khó tiếp cận vốn.

“Với nhiều gia đình, nhất là tại các thành phố lớn thì mức giảm trừ gia cảnh hiện nay không đủ để đáp ứng chi tiêu cơ bản”, đại biểu Mai nói.

Trước đó, tại cuộc họp báo dự kiến chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV sáng 19-5, đại biểu Trần Văn Lâm, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, cho biết Luật Thuế TNCN đã được xây dựng, áp dụng trong thời gian dài.

Trong đó, mức giảm trừ gia cảnh quy định tại luật là mức tuyệt đối. Song thực tế, kinh tế – xã hội phát triển, thu nhập người dân tăng lên, tăng trưởng kinh tế được chia cho từng người dân dẫn đến con số tuyệt đối giảm trừ gia cảnh tính thuế lạc hậu.

“Đây là một trong số những vấn đề căn bản đặt ra cần xem xét sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, việc sửa đổi này cần được đánh giá toàn diện và cân đối hài hòa trong điều chỉnh luật pháp có liên quan”, đại biểu Lâm nói.

Còn đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng trong giai đoạn nền kinh tế chịu ảnh hưởng mạnh từ dịch bệnh, thu nhập của người dân không cao, cần duy trì một mức giảm trừ gia cảnh để đảm bảo công bằng xã hội. Nhưng khi điều kiện kinh tế tốt hơn, thu nhập của người dân tăng lên, cần xem xét tăng mức giảm trừ gia cảnh với người phụ thuộc, hiện là 4,4 triệu đồng một tháng.

Còn mức giảm trừ với cá nhân đóng thuế là 11 triệu đồng một thán thì có thể chấp nhận, vì nhiều người lao động hiện đã mất việc hoặc giảm việc làm, thu nhập khó đạt đến mức đóng thuế.

Đồng quan điểm với các vị đại biểu, ông Nguyễn Văn Được, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín, cho rằng cơ quan quản lý thuế căn cứ vào biến động của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) để điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh là đúng luật, nhưng chưa phù hợp và chưa sát với thực tế cuộc sống.

“Luật quy định khi CPI tăng 20% so với thời điểm Luật Thuế TNCN có hiệu lực thi hành, hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét điều chỉnh. Nhưng chờ được lạm phát thay đổi được đến mốc ấy thì thời gian quá dài. Chưa kể mỗi năm đời sống của người dân lại thay đổi nên áp dụng mức tính giảm trừ gia cảnh như hiện nay gây thiệt cho người lao động”, ông Được nói với KTSG Online.

Cũng theo ông Được, việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng một tháng mất khoảng 7 năm. Do đó, quy định này, nếu không sửa sẽ thiệt thòi cho người nộp thuế vì tỷ lệ lạm phát những năm gần đây không cao – chỉ 2-4% một năm, nên thời gian điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh sẽ là 5-7 năm.

Về thang bậc tính thuế, chuyên gia này đánh giá biểu thuế với người làm công ăn lương hiện hành với 7 bậc là quá nhiều. Ngoài ra, khoảng cách thu nhập tính thuế ở các bậc sau quá rộng so với các bậc thấp.

Cụ thể, thu nhập tính thuế của bậc thứ nhất từ 0 đến 5 triệu đồng trong khi chênh lệch ở thu nhập tính thuế từ bậc thứ 4 lên tới hàng chục triệu điều (bậc 4 từ 18-32 triệu, bậc 5 từ 32-52, bậc 6 từ 52-80 – PV) là bất cập, khiến áp lực thuế vô tình dồn vào nhóm thu nhập phía dưới.

Tương tự, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai cho rằng quy định 7 bậc thuế hiện chưa đảm bảo phù hợp thực tế.

Theo đại biểu Mai, thuế TNCN, về bản chất, là công cụ giúp điều tiết vĩ mô, góp phần tăng phúc lợi xã hội qua điều tiết giảm bớt thu nhập của những đối tượng có thu nhập cao và phân phối lại cho những đối tượng thu nhập thấp hơn.

Do đó, việc giảm bớt số bậc thuế sẽ giúp việc kê khai, thu nộp và quản lý thuế dễ dàng hơn. Đồng thời, đảm bảo tính công bằng trong điều tiết thu nhập nhờ việc việc giãn khoảng cách thu nhập giữa các bậc.

Sửa luật để giảm gánh nặng cho người dân

Thực tế, Bộ Tài chính từng thừa nhận bất cập của Luật Thuế TNCN từ năm 2018, tức là cách đây khoảng 5 năm. Gần đây, ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Tài chính, cho biết Chính phủ sẽ trình sửa 6 luật về thuế trong nhiệm kỳ này, gồm Luật Thuế TNCN. Theo đó, Chính phủ đề xuất xây dựng Luật Thuế TNCN sửa đổi và đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 vào tháng 10-2025, thông qua tại kỳ họp thứ 11 vào tháng 5-2026.

Với vai trò cơ quan quản lý, Bộ Tài chính đang tiến hành rà soát để sửa luật. “Chúng tôi sẽ nghiên cứu, lấy ý kiến các đối tượng tác động, giai tầng xã hội việc sửa luật phù hợp thực tế thu nhập người dân, tạo động lực phát triển”, ông Phớc nói bên hành lang Quốc hội.

Góp ý, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng cần cân nhắc thay đổi cơ cấu điều tiết giữa các bậc đóng thuế theo hướng bậc càng cao thì tỷ trọng đóng thuế càng lớn. Trước đó, cần đánh giá lại với cơ cấu 7 bậc thuế hiện hành thì phân bố thu nhập đang nộp thuế thế nào, tập trung tại nhóm đối tượng nào.

Việc này, theo ông Cường, nhằm xây dựng một chính sách mang lại tác động tích cực, tức vừa tăng nguồn thu, vừa khuyến khích các đối tượng thu nhập cao đóng thuế.

“Nếu chỉ nhìn đơn thuần các bậc để điều chỉnh, thì đối tượng tác động ít, nguồn thu không tăng lại gây ra yếu tố tâm lý không tốt cho những người phấn đấu đóng ở mức cao hơn”, ông Cường lưu ý.

Còn ông Nguyễn Văn Được đề xuất việc thiết kế bậc thuế mới cần thực hiện theo hướng nới rộng khoảng cách giữa các bậc thấp và thu hẹp khoảng cách ở các bậc cao. Chẳng hạn, thu hẹp khoảng cách ở bậc về sau, giúp số người có thu nhập cao “nhảy bậc” sẽ nhiều hơn, qua đó tăng số đóng góp vào ngân sách. Đồng thời, bỏ bớt hai bậc thuế đầu hoặc gộp ba bậc thuế đầu tiên làm một.

Vị chuyên gia này cho rằng giải pháp nêu trên sẽ có lợi cho phần lớn người có thu nhập trung bình khá và giúp điều tiết lại thu nhập giữa các nhóm đối tượng.

Với quy định điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, chuyên gia này cho rằng có thể điều chỉnh theo hướng giao  Chính phủ được quyền quyết định thay đổi mức giảm trừ gia cảnh khi chỉ số giá tiêu dùng chạm tới một giới hạn nào đó như tăng 5% hoặc 10%. Điều này sẽ bảo đảm chính sách bám sát thực tế và linh hoạt hơn, mà vẫn đảm bảo tổng hòa các mối quan hệ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới