(KTSG) - Thông tin từ dữ liệu của Cục Sở hữu trí tuệ Úc (IP Úc), ba nhãn hiệu GẠO ÔNG CUA ST24, ST25 của kỹ sư Hồ Quang Cua (Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí) đăng ký cho nhóm 30 là gạo đã chính thức được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tại Úc.
Và công ty Ausviet Food PTY LTD đã chính thức nhập khẩu gạo ông Cua ST25 và ST24 vào thị trường Úc. Đây là một tin vui cho kỹ sư Hồ Quang Cua và doanh nghiệp của ông cũng như cho làng nhãn hiệu còn khiêm tốn của Việt Nam. Bài viết của tác giả Ngân Trần(*) từ Úc chia sẻ những bài học kinh nghiệm sau vụ việc đăng ký lùm xùm này cũng như những lưu ý khi doanh nghiệp Việt Nam đăng ký nhãn hiệu tại Úc.
- Ba nhãn hiệu gạo ST24 và ST25 của kỹ sư Hồ Quang Cua được bảo vệ tại Úc
- Sau thành công đưa gạo ST25 vào Nhật, Tân Long sẽ ‘chinh phục’ châu Âu
Theo quy định của luật nhãn hiệu Úc, ba nhãn hiệu GẠO ÔNG CUA VIỆT NAM&logo, GẠO ÔNG CUA VIỆT NAM ST24&logo, GẠO CÔNG CUA VIỆT NAM ST25&logo của kỹ sư Hồ Quang Cua (Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí) sẽ chính thức có hiệu lực 10 năm tính từ ngày nộp đơn, tức từ ngày 7-6-2021 đến 7-6-2031. Sau đó chủ đơn nếu có nhu cầu sử dụng có thể gia hơn thêm 10 năm nữa mà không giới hạn số lần gia hạn.
Đối với các hồ sơ nhãn hiệu chữ ST25 và ST24 của doanh nghiệp T&L Global Foods Supply PTY LTD (1) đã nộp trước ông Cua đã bị hủy do không đáp ứng được yêu cầu bảo hộ về tính phân biệt tự thân của nhãn hiệu. Do ST24 và ST25 chỉ là tên của giống lúa sản xuất gạo ST24 và ST25 nên ai cũng có thể sử dụng tên những giống lúa này để mô tả cho loại gạo đang bán được trồng từ hai giống lúa này.
Vụ đăng ký nhãn hiệu thành công sau những lùm xùm hồi năm ngoái này thật đáng được chúc mừng và nhìn ở góc độ quản trị nhãn hiệu của doanh nghiệp, vụ việc cũng giúp mang lại những bài học quý giá và những lưu ý mà doanh nghiệp cần biết khi đăng ký nhãn hiệu tại Úc.
Thứ nhất, tương tự Việt Nam cũng như các nước, pháp luật nhãn hiệu của Úc cũng quy định những dấu hiệu có chức năng là nhãn hiệu chỉ được bảo hộ khi có đáp ứng yêu cầu có tính phân biệt tự thân. Tức dấu hiệu đăng ký làm nhãn hiệu không được chỉ là từ ngữ mô tả đặc điểm, thành phần, tính chất… làm nên sản phẩm, dịch vụ(2). Trong trường hợp này, như đã phân tích ST25 và ST24 chỉ là tên giống lúa nên không được bảo hộ riêng các dấu hiệu này.
Do đó, doanh nghiệp nào bán gạo từ giống lúa ST25 và ST24 đều có thể sử dụng nó trong nhãn hiệu và bao bì của mình. Tuy nhiên, để đáp ứng tính phân biệt của nhãn hiệu để được bảo hộ, cũng như thực hiện được mục tiêu tiêu tạo ấn tượng liên kế sâu đậm trong tâm trí của người tiêu dùng, doanh nghiệp nên kết hợp với một dấu hiệu có tính phân biệt mạnh hơn để tiến hành đăng ký và sử dụng.
Đó chính là lý do có rất nhiều loại gạo ST25 được bày bán với nhiều nhãn hiệu khác nhau, thông thường gồm: [một dấu hiệu có tính phân biệt mạnh] + [dấu hiệu mô tả] (ST25). Một số ví dụ như Gạo Bảo Minh ST25 hay Gạo Cát Tường ST25. Chi tiết tại hình bên dưới.
Thứ hai, áp dụng nội dung như lưu ý số một, doanh nghiệp Hồ Quang Trí đã biết lựa chọn kết hợp thêm dấu hiệu phân biệt rất mạnh bên cạnh tên giống lúa ST24 và ST25. Cụ thể là việc sử dụng hình ảnh chân dung của chính ông Cua, kết hợp với màu sắc, thiết kế, bố cục… làm thành một tổng thể rất phân biệt. Điều này giúp các nhãn hiệu nhanh chóng được bảo hộ tại Úc.
Lưu ý là tại Úc thông thường nếu mẫu nhãn hiệu nộp hồ sơ để đăng ký có hình ảnh của một người cụ thể, Cục SHTT Úc sẽ yêu cầu cung cấp giấy xác nhận của chủ nhân hình ảnh đó trong việc cho phép sử dụng hình ảnh dùng làm nhãn hiệu. Do đó, nếu doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng hình ảnh, chân dung của một ai đó cụ thể khi tiến hành nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tại Úc thì cần cân nhắc liệu mình có chính là nhân vật hình ảnh hoặc mình có thể xin phép về việc sử dụng hình ảnh đó hay không. Từ đó, hạn chế việc tốn thời gian, tài chính… nhưng nhãn hiệu không được bảo hộ, do không xin được sự chấp nhận cho việc sử dụng hình ảnh.
Thứ ba, liên quan đến việc chọn màu sắc để đăng ký nhãn hiệu. Nếu khả năng tài chính của doanh nghiệp cho phép, nên tiến hành đăng ký nhãn hiệu ở dạng logo của mình cả ở dạng đen trắng và cả dạng màu như ông Cua đã tiến hành. Điều này giúp doanh nghiệp linh động nếu có sự chuyển đổi màu sắc. Ngược lại, bước đầu tiên và cơ bản là nên đăng ký nhãn hiệu dưới dạng màu đen trắng. Sau đó, tùy tình hình sử dụng màu sắc có thể đăng ký thêm nhãn hiệu có màu (nếu nó là đặc tính phân biệt của nhãn hiệu) hoặc không.
Thứ tư, pháp luật nhãn hiệu Úc (cũng như Mỹ) theo nguyên tắc “first to use” tức ưu tiên những người sử dụng nhãn hiệu trước. Điều này, khác với Việt Nam hay Trung Quốc theo nguyên tắc “first to file” tức ưu tiên chủ thể đăng ký nhãn hiệu trước. Do đó, tại Úc việc sử dụng nhãn hiệu trên thực tế rất quan trọng.
Nắm được điều này, những doanh nghiệp đang có kế hoạch xuất khẩu sang Úc cần lưu ý trong việc tiến hành đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại nước này. Nếu không, chỉ cần một chủ thể khác tại Úc tiến hành đăng ký nhãn hiệu, thật khó để doanh nghiệp Việt Nam có thể thực hiện việc phản đối đơn nếu như chưa có bất kỳ hoạt động kinh doanh nào tại Úc.
Thứ năm, sau khi nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Úc, chủ doanh nghiệp nên tiến hành sử dụng nhãn hiệu trong hoạt động kinh doanh của mình tại nước này. Bởi theo quy định của luật Nhãn hiệu Úc, nếu trong vòng ba năm một tháng tính từ ngày nộp đơn đối với nhãn hiệu đã được bảo hộ mà chủ nhãn hiệu không sử dụng thì vẫn có nguy cơ bị một bên khác nộp đơn đến Cục SHTT Úc yêu cầu hủy bỏ do việc không sử dụng(3).
Điều này đã được doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí thực hiện rất nhanh chóng, khi tháng 9 vừa qua Công ty Ausviet Food PTY LTD đã chính thức nhập khẩu gạo ông Cua ST25 và ST24 vào thị trường Úc.
Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp sở hữu các nhãn hiệu đã có tiếng tại Việt Nam, tuy nhiên nếu không đủ nội lực về tài chính hay việc triển khai, cũng có thể cân nhắc việc đăng ký nhãn hiệu tại Úc. Sau đó, doanh nghiệp có thể cân nhắc việc chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu (cấp li-xăng nhãn hiệu) cho các chủ thể có nhu cầu tại Úc.
Điều này giúp doanh nghiệp tận dụng được những giá trị đã được bồi tụ của nhãn hiệu. Tuy nhiên, doanh nghiệp nên liên hệ các công ty tư vấn chuyên nghiệp để có thể nhận được sự tư vấn chi tiết và thấu đáo về vấn đề này.
Trường hợp, nếu vô tình hay cố ý mà nhãn hiệu đã có tiếng của doanh nghiệp bị chủ thể khác đăng ký ở nước khác, rõ ràng điều này là rất đáng tiếc. Tuy nhiên, ở góc độ truyền thông, ít nhiều nó cũng đã bồi tụ thêm những giá trị cho nhãn hiệu của doanh nghiệp tại nước sở tại. Ví dụ: Hiện tại nhãn hiệu “banh mi huynh hoa” đã thuộc sở hữu của Công ty POSH tại Úc. Điều này cũng sẽ là một lợi thế (tuy không phải trong tất cả các trường hợp) để doanh nghiệp có thể triển khai việc mở rộng ở các nước khác, ngoài những nước mà nhãn hiệu đã bị chủ thể khác đăng ký trước như Mỹ hay châu Âu.
Tóm lại, trong thời đại cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, có một sản phẩm, dịch vụ chất lượng đã khó, việc nhãn hiệu của doanh nghiệp đã tạo được ấn tượng liên kết của người tiêu dùng với sản phẩm, dịch vụ của mình lại càng khó hơn. Đặc biệt, mạng xã hội, Internet đã xóa nhòa khoảng cách địa lý.
Do đó, doanh nghiệp cần lưu ý hơn trong việc quản trị và khai thác các tài sản trí tuệ của doanh nghiệp nói chung, trong đó có nhãn hiệu. Bởi một đặc điểm quan trọng của nhãn hiệu là cùng một lúc doanh nghiệp có thể sử dụng và khai thác tại nhiều nước, nhiều khu vực, cho nhiều chủ thể, không bị giới hạn về thời gian. Miễn nhãn hiệu vẫn còn được người tiêu dùng yêu thích, doanh nghiệp vẫn có thể kiếm tiền từ nó như Cola Cola đã tồn tại hơn cả một thế kỷ qua.
(*) CEO - Maygust Trademark Attorneys, Úc.
(1) https://thesaigontimes.vn/sau-my-thuong-hieu-st24-va-st25-cua-viet-nam-da-duoc-dang-ky-tai-uc/
(2) Điều 41, Luật Nhãn hiệu Úc.
(3) Điều 92 (4), Luật nhãn hiệu Úc.