Thứ sáu, 3/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Gạo Thái Lan gặp bất lợi lớn khi các đối thủ châu Á được mùa

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Giá gạo xuất khẩu của Thái Lan đang ở mức cao nhất so với giá gạo ở nhiều nước châu Á. Các nước trong khu vực đang lao vào cuộc chiến giá gạo khốc liệt khi họ tìm kiếm người mua cho các kho trữ gạo ngày càng tăng lên của họ.

Với giá bán cao, gao Thái Lan khó cạnh tranh nổi với gạo giá rẻ từ các đối thủ ở châu Á như Ấn Độ, Pakistan. Ảnh: Laitimes.com

Sức ép từ gạo giá rẻ của Ấn Độ và Pakistan

Thái Lan đang là nước gặp bất lợi nhất trong số các nước bất ngờ đối mặt với lượng gạo dư thừa nhờ thời tiết thuận lợi ở các khu vực trồng lúa khắp châu Á. Sản lượng gạo của Pakistan trong niên vụ kinh doanh 2021-2022 đạt mức cao kỷ lục, 9,32 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu gạo của Pakistan trong năm tài khóa 2021-2022 (kết thúc vào cuối tháng 6-2022) tăng 23%, lên mức 2,51 tỉ đô la.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), với độ ẩm đất đai được cải thiện vào cuối tháng 6 và trong tháng 7, thuận lợi cho việc gieo trồng vụ lúa mới, sản lượng gạo của Ấn Độ dự kiến đạt 130,5 triệu tấn trong niên vụ 2022-2023 sau khi đạt mức kỷ lục 129,66 triệu tấn trong niên vụ trước. USDA dự báo xuất khẩu gạo của Ấn Độ trong niên vụ mới sẽ đạt 22 triệu tấn, cao hơn mức kỷ lục 21,5 triệu tấn trong niên vụ 2021-2022.

Giờ đây, các nước trong khu vực đang lao vào cuộc chiến giá gạo khốc liệt khi họ tìm kiếm người mua cho các kho trữ gạo ngày càng tăng lên của họ.

Charoen Laothamatas, Chủ tịch tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA), nói với Nikkei Asia: “Vụ mùa lúa bội thu ở một số nước châu Á, cho phép các nhà xuất khẩu chủ chốt, đặc biệt là Ấn Độ và Pakistan, cạnh tranh bằng cách chào bán với giá thấp”.

Diễn biến giá mặt hàng lương thực chính của châu Á không giống như các mặt hàng lương thực chủ chốt khác. Ở mức giá 420 đô la/tấn, gạo Thái Lan loại 5% tấm chỉ cao hơn khoảng vài điểm phần trăm so với mức giá của nó vào đầu năm 2021.

Tình hình cạnh tranh gay gắt về giá có nghĩa là người mua có thể chọn gạo của nước khác, thay vì gạo của Thái Lan. Cả giá lúa mì và bắp đã tăng hơn 40% do xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng của Ukraine bị chặn đứng sau khi chiến trang Nga-Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2 và Ấn Độ hạn chế xuất khẩu lúa mì để ưu tiên thị trường nội địa.

Các cuộc đàm phán về việc thiết lập hàng lang an toàn,cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen và các vụ mùa bội thu ở những nơi khác đã khiến giá lúa mì giảm mạnh những tuần gần đây nhưng vẫn đang cao hơn 15% so với một năm trước.

Trái ngược với lệnh hạn chế xuất khẩu lúa mì, Ấn Độ đang cố gắng bán nhiều gạo hơn ra thị trường quốc tế. Nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới đã bán trung bình 22 triệu tấn gạo mỗi năm trong vài năm qua, gần bằng một nửa lượng gạo thương mại của thế giới.

Theo các thương nhân, Ấn Độ có thể chào bán gạo với giá thấp đến mức 343 đô la/tấn, thấp hơn 388 đô la/tấn của Pakistan và 418 đô la/tấn của Việt Nam. Các nhà xuất khẩu Thái Lan đang bán gạo với giá 420 đô la/tần do chi phí sản xuất lúa tăng cao, đặc biệt là chi phí phân bón.

Lo ngại giá gạo tiếp tục giảm

Ông Charoen cho biết: “Giá gạo Thái Lan cao hơn 80 đô la/tấn so với Ấn Độ và các đối thủ khác. Điều đó khiến gạo Thái Lan khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế”. Ông nói giá gạo thế giới sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm. Thái Lan sẽ thu hoạch vụ mùa chính vào tháng 10, với khoảng 24 triệu tấn lúa sẽ được thu hoạch.

Một nhà xuất khẩu của Thái Lan bày tỏ lo ngại: “Sẽ là một năm thảm họa nữa vì chúng tôi không biết giá gạo trên thị trường quốc tế sẽ giảm sâu đến mức nào. Nếu giá gạo giảm, chính phủ Thái Lan buộc triển khai kế hoạch can thiệp giá để hỗ trợ giá mua lúa cho nông dân”.

Khi cuộc tổng tuyển cử sẽ tiến hành vào năm tới, đối với chính phủ Thái Lan, điều quan trọng là phải duy trì sự ủng hộ của nhóm cử tri nông dân, bao gồm 4 triệu gia đình trồng lúa. Hậu quả là các nhà xuất khẩu của Thái Lan khó có thể bán gạo với giá thế giới thấp hơn khi giá lúa ở trong nước được duy trì ở mức cao. Điều này sẽ làm giảm thị phần xuất khẩu gạo của họ trên thị trường toàn cầu.

Lượng gạo tồn kho trên toàn cầu vào khoảng thời gian này cao hơn cùng kỳ trong vài năm qua. Đà giảm giá của lúa mì và bắp trong những tuần gần đây đã làm tan biến kỳ vọng gạo có thể là sự lựa chọn thay thế, giúp giảm lượng tồn kho ở mức cao.

Nhưng không phải tất cả mọi người đều đồng ý rằng giá gạo sẽ ở mức thấp. Tình trạng thiếu bón là một lý do để kỳ vọng gạo tăng giá theo thời gian.

Nga là nước xuất khẩu nitơ lớn nhất thế giới, lớn thứ hai về kali và thứ ba về phốt pho, thành phần chính của phân bón, hiện khó kiếm hơn và giá chúng đã đắt hơn do các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moscow.

Akio Shibata, Chủ tịch Viện Nghiên cứu tài nguyên thiên nhiên (Nhật Bản), cảnh báo châu Á không thể tiếp tục lạc quan về nguồn cung gạo. Shibata nói với Nikkei Asia: “Nếu giá phân bón tiếp tục tăng và nguồn cung bị gián đoạn, giá gạo có thể sẽ tăng theo giá lúa mì và bắp”.

Thái Lan, một lần nữa, có thể đặc biệt dễ bị tổn thương. Nông dân trồng lúa Thái Lan thường sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học đắt tiền. Nước này nhập khẩu khoảng bốn triệu tấn phân bón hàng năm. Đó là điểm khác biệt so với các đối thủ như Việt Nam và Ấn Độ. Việt Nam đã dành nhiều năm để phát triển các giống lúa mới và kỹ thuật trồng lúa, giúp cắt giảm chi phí sản xuất. Trong khi đó, Ấn Độ và Pakistan trồng lúa ở những khu vực rộng lớn với giá nhân công rẻ để tận dụng lợi thế quy mô kinh tế,

Năng suất lúa của Thái Lan vẫn ở mức thấp, khoảng 454 kg/rai (0,16 ha), thấp hơn nhiều so với mức 803 kg/rai ở Việt Nam. Tình trạng gián đoạn nguồn cung phân bón có thể làm giảm thêm năng suất lúa ở Thái Lan.

Hồi tháng 6, chính phủ Thái Lan đã thông qua kế hoạch cho phép các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài phát triển mỏ kali đầu tiên của đất nước để sản xuất phân bón. Tuy nhiên, sẽ mất nhiều năm trước khi một mỏ kali thực sự đi vào hoạt động.

David Beasley, Giám đốc Chương trình Lương thực thế giới, cho biết tình trạng thiếu phân bón có thể làm giảm năng suất lúa trong khu vực, dẫn đến đợt tăng giá gạo đột biến, lên mức 1.000 đô la/tấn như thời kỳ 2007-2008 khi Ấn Độ mất mùa do hạn hạn.

Ông nói: “Châu Á sẽ bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng phân bón này với các vụ hoạch lúa sẽ bị tổn thương nặng nề trong 12 tháng tới”.

Theo Nikkei Asia, World Grain

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới