Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Gấp rút vực dậy khu vực doanh nghiệp để phục hồi kinh tế

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Những khó khăn của nền kinh tế đang ngấm ngày càng sâu vào từng người lao động và doanh nghiệp, thể hiện rõ ở số liệu thống kê trong quí 1-2023, bình quân một tháng có gần 20.100 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Sức khỏe của doanh nghiệp yếu đi đồng nghĩa với việc động lực cho tăng trưởng sản xuất - kinh doanh bị suy giảm.

Hàng loạt giải pháp đã được giới chuyên gia, các hội ngành nghề cùng cộng đồng doanh nghiệp nêu ra nhằm vực dậy doanh nghiệp, tăng cường sức đề kháng của nền kinh tế. Những đề xuất này tập trung vào việc cải cách môi trường đầu tư – kinh doanh, tăng tính ổn định và dễ dự báo của chính sách pháp luật, đồng thời hướng tới những mục tiêu phát triển bền vững hơn trong bối cảnh nền kinh tế xuất hiện nhiều yếu tố khó đoán định.

Với kết quả tăng trưởng GDP quí 1-2023 chỉ đạt 3,32%, mức thấp nhất trong 12 năm thì tăng trưởng GDP các quí 2, 3 và 4-2023 phải lần lượt đạt mức 6,7%, 7,5% và 7,9% mới có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm ở mức 6,5% được Quốc hội giao.

Mục tiêu này là thách thức lớn với các nhà quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô trong bối cảnh số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường quí 1-2023 có xu hướng gia tăng, thậm chí cao hơn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường là 56.946 doanh nghiệp.

Theo Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng thuộc Tổng cục Thống kê, những khó khăn mà doanh nghiệp phải đối mặt gồm: sự giảm sút trong tiêu dùng của các nước trên thế giới; chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục đứng trước nguy cơ bị gián đoạn, đứt gãy, dẫn tới nhiều hệ lụy cho hoạt động xuất nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế;  sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục giảm ở một số ngành như ngành dệt, may, da giày, sản xuất giường, tủ, bàn, ghế, sản xuất kim loại; giá xăng dầu liên tục biến động, chi phí logistics quá cao; lãi suất ngân hàng điều chỉnh tăng, khiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng 5–10%; và đặc biệt là những khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với tình trạng hàng tồn kho gia tăng và khó tiếp cận vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh. Ảnh minh họa: Lê Vũ

Chỉ báo đáng lo từ khu vực doanh nghiệp

Thực tế, những khó khăn vừa nêu cũng từng được ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, chia sẻ tại một chương trình đối thoại diễn ra cách đây ít ngày.

Theo ông Đoàn, chi phí vận chuyển, giá nguyên vật liệu liên tục gia tăng ở thị trường trong nước và quốc tế, việc tiếp cận nguồn vốn cho sản xuất – kinh doanh dự kiến khó khăn tới hết năm 2023 khiến nhu cầu của thị trường với các mặt hàng thiết yếu suy giảm, thậm chí có mặt hàng giảm tới 20%.

Với thị trường nước ngoài, các cuộc khủng hoảng về địa - chính trị, năng lượng, đứt gãy chuỗi sản xuất – cung ứng khiến số lượng đơn hàng giảm mạnh.

Thực tế, bối cảnh quốc tế không thuận đã tác động tiêu cực đến xuất khẩu của một số nhóm hàng chủ lực của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2023. Cụ thể, giá trị xuất khẩu của nhóm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 6,87 tỉ đô la, giảm 13,9%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 6,4 tỉ đô la, giảm 1,6%; hàng dệt may đạt 4,55 tỉ đô la, giảm 19,6%; giày dép các loại đạt 2,76 tỉ đô la, giảm 15,8%.

Với thị trường trong nước, tâm lý của người tiêu dùng cũng thận trọng hơn, tiết kiệm hơn do số lượng lớn doanh nghiệp đóng cửa khiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.

“Chi phí tăng nên người dân và doanh nghiệp thắt chặt chi tiêu, dẫn đến hàng tồn của doanh nghiệp rất nhiều. Trong khi đó, doanh nghiệp cần thời gian 3-6 tháng, thậm chí 1 năm mới có thể giải quyết được bài toán hàng tồn kho”, ông Đoàn nói và cho rằng lượng hàng tồn nhiều khiến chi phí của doanh nghiệp gia tăng, làm kết quả kinh doanh năm 2023 khó khăn hơn.

Với bối cảnh hiện tại, vị Chủ tịch Phú Thái cho biết nhiều doanh nghiệp đang cố gắng tái cơ cấu, tránh những khó khăn dồn dập biến thành khó khăn lớn, thậm chí dẫn tới rủi ro đóng cửa.

Còn bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc PwC Việt Nam, bày tỏ sự lo ngại khi triển vọng kinh tế khu vực châu Á nói chung, Việt Nam nói riêng đang trong chiều hướng đi xuống khiến các CEO không còn nói nhiều về kế hoạch trung - dài hạn, mà chỉ tập trung vào ngắn hạn.

“Điều này ảnh hưởng rất lớn bởi nếu không còn tầm nhìn trong trung và dài hạn, đồng nghĩa việc dự đoán các hoạt động tăng trưởng kinh tế trong tương lai trở nên khó khăn hơn và khó xây dựng được các chính sách mục tiêu”, bà Vân lo ngại.

Cùng chung quan điểm với hai đại diện doanh nghiệp, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), cho biết khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp phần nào được phản ánh qua mức tăng trưởng tín dụng chỉ khoảng 2,06% giai đoạn từ cuối 2022 tới cuối tháng 3-2023.

Theo ông Tú, tăng trưởng tín dụng quý 1-2023 ở mức thấp cho thấy khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn thấp do giai đoạn này trùng vào dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Ngoài ra, "sức khỏe" nhiều doanh nghiệp vẫn bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nên không đáp ứng được các điều kiện vay vốn, hoặc đơn hàng suy giảm khiến nhu cầu vay vốn không cao bằng năm ngoái.

Đáng lưu ý, trong bối cảnh khó khăn trên, việc thực thi chính sách hỗ trợ doanh nghiệp còn chậm, hoặc nhiều quy trình thủ tục khiến doanh nghiệp không biết phải triển khai như thế nào, theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng.

“Nhiều cơ quan chức năng dường như đang không có sự hoạt động tương tác với doanh nghiệp, trong khi hoạt động doanh nghiệp phụ thuộc khá nhiều vào khung pháp lý và những hướng dẫn từ cơ quan chức năng. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam đang khá lúng túng để đối mặt với yêu cầu mới của thị trường”, bà Thủy nói.

Lấy ví dụ cho nhận xét này, bà cho biết các đối tác quốc tế đang đưa ra nhiều yêu cầu liên quan đến kinh tế xanh, phát triển bền vững trong quản trị và sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp không biết nắm bắt thông tin từ đâu, hoặc thiếu hướng dẫn về biện pháp kỹ thuật giúp doanh nghiệp bắt nhịp với xu hướng này.

Hay gần đây, một vấn đề khiến các doanh nghiệp lo ngại nhất là khó khăn trong tiếp cận vốn. Cụ thể, việc triển khai Nghị định số 31/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh còn khá chậm so với nhu cầu, một phần do doanh nghiệp còn ngần ngại về việc thanh tra, kiểm tra sau khi nhận hỗ trợ lãi suất, nhưng một phần do quy định điều kiện hỗ trợ là “có khả năng phục hồi” còn chưa rõ ràng.

Hỗ trợ doanh nghiệp tự “cứu” mình

Để gỡ khó cho doanh nghiệp, nhiều giải pháp đã được các cơ quan quản lý đưa ra. Chẳng hạn, NHNN có hai lần hạ lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động và cho vay. Kết quả, có ít nhất 24 ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất cho vay tính tới cuối tháng 3-2023, hầu hết các ngân hàng đã giảm lãi suất huy động.

Cơ quan này cũng tính đến việc cho phép giãn, hoãn nợ với doanh nghiệp để hỗ trợ phục hồi thời gian tới.

Còn Bộ Tài chính trình Chính phủ dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2023 với mục tiêu giảm chi phí tài chính, hỗ trợ thanh khoản và dòng tiền.

Tuy nhiên, các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp cho rằng những giải pháp trên chỉ có tác động ngắn hạn, quan trọng là Chính phủ và các cơ quan quản lý phải “đồng hành, cảm thông, chia sẻ cùng doanh nghiệp”.

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho biết Chính phủ và các cơ quan quản lý cũng đã cho thấy sự thay đổi về quan điểm khi nhìn thẳng vào thực trạng khó khăn của các doanh nghiệp. Theo đó, nhiều giải pháp trực diện cũng đã được ban hành.

Tuy nhiên, vấn đề khiến ông Cung lo ngại là những giải pháp thời gian có lẽ vẫn chưa đủ để giải quyết các vấn đề khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Điển hình là là tiến trình chậm cải cách thể chế.

Cụ thể, việc cải cách thể chế trước đây được triển khai một chương trình riêng, nhưng đến thời điểm hiện tại lại được gộp chung vào một phần riêng trong Nghị quyết 01 của Chính phủ.

“Tôi thấy rất tiếc vì điều này, bởi giai đoạn càng khó khăn như hiện nay thì càng phải đẩy mạnh hoạt động cải cách thể chế để tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng và thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Trong 2 năm vừa qua, tiến trình cải cách thể chế đang chậm lại khá nhiều, và nếu dừng thì sẽ rất khó khăn để khởi động lại”, ông Cung chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký - Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết những cải cách để hỗ trợ doanh nghiệp hiện chưa thực sự mạnh dạn. Theo đó, rất nhiều quy định vẫn dựa vào định tính, trao quyền cho công chức thực thi, chưa có cách thức quản lý chỉ tập trung ở một khu vực có vi phạm.

"Khi điều tra các doanh nghiệp cho thấy thực tế rằng, doanh nghiệp càng kinh doanh nhiều, càng ‘ăn nên làm ra’ thì chi phí thực hiện thủ tục hành chính càng nhiều, càng đón nhận nhiều thanh - kiểm tra”, ông Tuấn nói và cho rằng thực trạng hiện tại không tạo động lực để doanh nghiệp phát triển, bởi theo quy luật kinh tế thì doanh nghiệp càng lớn và nhân lực càng chuyên nghiệp, chi phí thủ tục hành chính càng thấp.

Để thúc đẩy doanh nghiệp phục hồi và phát triển, ông Tuấn khuyến nghị Chính phủ và các cơ quan quản lý đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trên mọi ngành, mọi cấp vì giải pháp này hỗ trợ được rất nhiều doanh nghiệp giảm chi phí, công bằng và hướng tới những mục tiêu phát triển bền vững hơn. Ngoài ra, cần áp dụng công nghệ thông tin một cách thực chất.

Bên cạnh đó, cần phải tăng tính ổn định, dễ dự báo của chính sách pháp luật. "Nhiều doanh nghiệp cho biết hiện nay rủi ro của pháp luật lớn hơn rủi ro từ thị trường, vì vậy cần phải cải cách mạnh mẽ hơn nữa", ông Tuấn nói.

Tương tự, TS Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), cho rằng dư địa khôi phục sớm của Việt Nam nằm ở yếu tố thể chế còn rất nhiều. Do đó, việc sớm gỡ các thủ tục hành chính đang vướng mắc sẽ góp phần tạo nguồn lực, khơi dậy hoạt động doanh nghiệp trong nước, tạo cơ hội cho huy động vốn tại thị trường trong nước và quốc tế

Còn ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng, cho rằng doanh nghiệp đang cần được hỗ trợ hai yếu tố.

Thứ nhất, trợ lực về chính sách. Theo đó, cần tháo gỡ về chính sách hoàn thuế, thủ tục thuế - hải quan trong quá trình xuất - nhập khẩu. Ngoài ra, có thể áp dụng chinh sách miễn phí cầu - đường, giúp doanh nghiệp giảm chi phí logistics.

Thứ hai, trợ lực về quản trị. Ông Hoè cho biết các doanh nghiệp Việt Nam còn rất yếu ở khâu quản trị, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do đó, cần phải có định hướng, hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp có thể quản trị tốt hơn, bền vững hơn.

Về phía cộng đồng doanh nghiệp, ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), cho biết cơ hội phát triển với các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn lớn, nhưng cần biết tận dụng thời cơ.

Theo ông Minh, một trong những xu hướng chủ đạo hiện nay là việc chuyển dịch đầu tư tăng trưởng xanh sang các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Cụ thể, nhiều nhà đầu tư châu Âu nhìn nhận Việt Nam là một trong những địa điểm đầu tư hấp dẫn nhất. Họ ấn tượng với những cam kết mà chúng ta thể hiện ở COP 26 và họ sẵn sàng dành nguồn lực hàng tỷ đô để đầu tư vào các hoạt động tăng trưởng xanh tại Việt Nam.

Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt là các chính sách “đón lõng” ở thị trường trong nước phải đủ để nhà đầu tư thực sự tin tưởng vào môi trường đầu tư tại Việt Nam.

“Nếu không giải quyết những điểm nghẽn hiện tại, chúng ta có thể sẽ để lỡ cơ hội sang các quốc gia láng giềng” ông Minh nhấn mạnh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới