Thứ Tư, 31/05/2023, 06:42
27 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


GDP cả nước nửa năm tăng cao nhất trong vòng 7 năm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

GDP cả nước nửa năm tăng cao nhất trong vòng 7 năm

Văn Nam

(TBKTSG Online) – Số liệu từ cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về tình hình kinh tế xã hội sáng nay (2-7) cho thấy tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả nước 6 tháng đầu năm nay tăng 7,08% so với cùng kỳ và đây là mức tăng GDP nửa năm cao nhất trong 7 năm gần đây.

GDP cả nước nửa năm tăng cao nhất trong vòng 7 năm
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM phát biểu tại cuộc họp trực tuyến sáng nay. Ảnh: Văn Nam

Theo báo cáo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mức tăng trưởng kinh tế đáng khích lệ trong nửa đầu năm nay sẽ tạo đà thuận lợi để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% cả năm nay.

Một số ngành có sự tăng trưởng khá đóng góp cho GDP cả nước như công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 13%), sức mua của thị trường tăng khá và cán cân thương mại cải thiện, nông lâm nghiệp – thủy sản cũng tăng gần 4% so cùng kỳ; dịch vụ tăng 6,9%. 

Bức tranh kinh tế nửa năm còn thể hiện ở tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng xấp xỉ 10% so cùng kỳ với số vốn ước đạt khoảng 747.000 tỉ đồng (tương đương gần 33% GDP), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước 6 tháng đạt khoảng 225 tỉ đô la Mỹ, tăng 13% so cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu đạt gần 114 tỉ đô la (tăng 16%) và nhập khẩu đạt 111,2 tỉ đô la (tăng 10%).

Đáng chú ý là đầu tư nước ngoài và phát triển doanh nghiệp trong nước tăng tích cực trong 6 tháng. Trong đó, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 20,33 tỉ đô la (tăng 5,7%) với các dự án trên 1 tỉ đô la như dự án thành phố thông minh của Nhật Bản tại Hà Nội trên 4 tỉ đô la, Nhà máy sản xuất chất dẻo PP và kho chứa LPG của Hàn Quốc tại Bà Rịa – Vũng Tàu 1,2 tỉ đô la Mỹ, dự án Laguna của Singapore tại Thừa Thiên Huế tăng vốn thêm 1,12 tỉ đô la…

Trong khi đó, trong nước thì số doanh nghiệp thành lập mới 64.500 doanh nghiệp với vốn đăng ký 649.000 tỉ đồng, tăng 5,3% về doanh nghiệp và tăng 8,9% về vốn.

“Đánh giá chung, kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm nay tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế 6 tháng cao nhất kề từ năm 2011 đến nay, đầu tư, sản xuất kinh doanh phát triển doanh nghiệp giữ đà tăng trưởng khá …”, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu.

Tuy nhiên, đi kèm với một số gam màu sáng của bức tranh kinh tế cả nước 6 tháng thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn chỉ ra một số bất cập cần khắc phục như chỉ số CPI trong hai tháng gần đây là tháng 5 và tháng 6 tăng mạnh so với các tháng trước đó dẫn đến khả năng khó kiểm soát mục tiêu CPI bình quân cả năm dưới 4%. Song song đó, giá dầu thế giới có xu hướng chững lại giảm sức ép lên giá cả và lạm phát trong nước nhưng dự kiến còn hai đợt giá cả có thể tăng cao là dịp đầu năm học và tháng cuối năm.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo kinh tế trong 6 tháng cuối năm dù có dấu hiệu tăng chậm lại nhưng vẫn ở mức khá. Bộ này cho rằng nâng cao năng lực dự phòng trước các phương án để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và mức tăng trưởng kinh tế hợp lý là rất cần thiết, trong đó tập trung đẩy nhanh cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh phát triển về chất lượng trong tất cả các ngành, lĩnh vực, qua đó tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những biến động khó lường của kinh tế và thương mại thế giới.

TPHCM kiến nghị gỡ khó cho metro

Báo cáo tại cuộc họp sáng nay, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBDN TPHCM sau khi điểm qua tình hình kinh tế xã hội thành phố nửa năm đã kiến nghị Thủ tướng một số vấn đề nhằm tháo gỡ khó khăn chung cho sự phát triển kinh tế thành phố theo xu hướng trở thành một đô thị thông minh.

Ông Phong kiến nghị Thủ tướng xem xét chỉ đạo bố trí vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương cho các dự án trọng điểm của thành phố theo đúng tiến độ cấp phát vốn. Trong đó, ông Phong điểm qua dự án đáng chú ý là tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) và tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương), dự án vệ sinh môi trường giai đoạn 2 đang bị ảnh hưởng tiến độ thi công bởi thành phố chỉ được phép giải ngân kế hoạch vốn ODA hàng năm theo kế hoạch Thủ tướng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao và vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu và ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án.

Ngoài ra, hiện TPHCM có 4 dự án nhóm A sử dụng ngân sách thành phố đang trình các cơ quan trung ương quyết định chủ trương đầu tư công gồm: Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, Bệnh viện Đa Khoa khu vực Củ Chi, Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn và dự án Nạo vét trục thoát nước rạch Bà Lớn. Và để thực hiện thí điểm Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù, TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận giao thành phố thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư để đẩy nhanh tiến độ các dự án.    

Xem thêm:

Chuyên gia: kinh tế Việt Nam có nhiều đặc trưng đáng lo ngại

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới