Giá bạc suy yếu, dấu hiệu đáng ngại cho tăng trưởng toàn cầu
Chánh Tài
(TBKTSG Online) - Bạc, một kim loại quý được sử dụng rộng rãi trong hoạt động sản xuất công nghiệp, đang suy yếu và đây có thể là một chỉ báo cho thấy tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại.
Mức chênh lệch giá giữa bạc và vàng đã nới rộng lên mức cao nhất trong 26 năm qua. Ảnh: Economic Times |
Giá bạc đã giảm trong bốn tháng liên tiếp, nới rộng mức chênh lệch giá giữa bạc và vàng lên mức cao nhất trong 26 năm qua, theo Dow Jones Market Data.
Đối với các nhà phân tích sử dụng mối quan hệ giá giữa hai kim loại quý này để đo lường động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu thì đây là một dấu hiệu cho thấy tăng trưởng toàn cầu đang suy yếu.
Đóng vai trò vừa là kim loại quý vừa là một loại hàng hóa quan trọng trong sản xuất công nghiệp, bạc đã giảm giá gần 6% trong năm nay và giảm 10% so với mức đỉnh trong năm 2019 khi giới đầu tư lo ngại triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu ảm đạm sẽ làm giảm nhu cầu sử dụng bạc.
Hôm 28-5, giá bạc đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ cuối tháng 11 năm ngoái trước khi hồi phục vào những ngày sau đó.
Kết thúc phiên giao dịch hôm 31-5, giá vàng tương lai trên sàn giao dịch hàng hóa New York (Comex) đạt mức cao nhất trong 7 tuần lên mức 1.311,1 đô la Mỹ/ounce, trong khi đó, giá bạc đóng cửa với mức 14,57 đô la Mỹ/ounce, giảm 2,2% so với mức giá đóng cửa của tháng trước.
Các nhà phân tích ước tính lượng bạc sử dụng trong sản xuất công nghiệp chiếm hơn 50% nhu cầu tiêu thụ bạc toàn cầu, vậy nên, cuộc chiến thuế Mỹ-Trung đang leo thang có thể kéo giá bạc đi xuống cùng với các nguyên liệu công nghiệp khác được sử dụng trong sản xuất trong đó có đồng.
“Tâm lý đang rất dễ vỡ trên thị trường bạc. Thị trường này đối mặt với các thách thức ở khía cạnh sản xuất công nghiệp lẫn khía cạnh vĩ mô”, Suki Cooper, nhà phân tích thị trường kim loại quý ở Ngân hàng Standard Chartered, nói.
Các lo ngại tương tự cũng làm tổn thương kim loại đồng, vốn đã giảm 11% so với mức đỉnh được thiết lập hồi tháng 4 và đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ giữa tháng 1-2019 trong phiên giao dịch cuối tuần trước.
Một trong lĩnh vực sử dụng bạc nhiều nhất là các thiết bị bán dẫn song doanh số các sản phẩm chip, được sử dụng từ các smartphone và đến các trung tâm dữ liệu, đã giảm khá mạnh trong thời gian gần đây trong bối cảnh các căng thẳng thương mại Mỹ-Trung gia tăng.
Dữ liệu từ Ngân hàng UBS (Thụy Sĩ) và hãng tư vấn thị trường kim loại GFMS Refinitiv cho thấy châu Á chiếm khoảng 57% nhu cầu bạc sử dụng trong sản xuất công nghiệp toàn cầu.
Mức tồn kho của hàng loạt nguyên vật liệu được sử dụng trong sản xuất đã tăng mạnh trong thời gian gần đây khi giới doanh nghiệp chờ đợi sự rõ ràng hơn từ chính sách thương mại toàn cầu. Lượng bạc tồn kho cũng đang gia tăng. Bạc tồn kho được Tập đoàn dịch vụ tài chính CME (Mỹ) chứng nhận, đã tăng 70% kể từ đầu năm 2017.
Các nhà phân tích cho rằng lượng bạc tồn kho tăng thêm trong năm nay càng làm tăng tâm lý bi quan trên thị trường bạc.
Maxwell Gold, Giám đốc chiến lược đầu tư ở Công ty Aberdeen Standard Investments cho rằng giá bạc có thể phục hồi vì đang quá rẻ, hơn nữa, các biến động mạnh trên thị trường chứng khoán sẽ khiến các nhà đầu tư tìm đến các kim loại quý như là các kênh trú ẩn tài sản an toàn.
Cho đến nay, các nhà đầu tư ưu tiên bảo vệ danh mục đầu tư của họ bằng cách mua đồng đô la và trái phiếu chính phủ Mỹ nên vàng và bạc vẫn chưa được hưởng lợi nhiều.
Xu hướng này diễn ra khi giới phân tích dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ chịu đựng được tác động của cuộc chiến thuế tốt hơn nhiều các nước khác, khiến hàng hóa được định giá bằng đô la dễ bị tổn thương.
Đồng đô la mạnh hơn sẽ khiến các tài sản như vàng, bạc trở nên đắt đỏ hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Chỉ số đồng đô la Mỹ, WSJ Dollar Index, được sử dụng so sánh giá đồng đô la Mỹ với một rổ 16 ngoại tệ mạnh khác, đã tăng lên gần mức cao nhất trong năm 2019 vào hôm 29-5 trước khi giảm trở lại vào ngày cuối tuần.
Tuy vậy, giá vàng nói chung vẫn đang ổn định, tăng hơn 2% từ đầu năm đến nay và điều này khiến mức chênh lệch giá giữa vàng và bạc tăng cao khi giá bạc suy giảm.
Các quỹ phòng hộ và các nhà đầu tư khác đã gia tăng đặt cược vào cửa giảm giá đối với bạc trong 5 tuần liên tiếp gần đây, theo dữ liệu từ Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai tại Mỹ.
Khối lượng bạc nắm giữ ở các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) bạc trên toàn cầu nói chung không thay đổi trong những tháng gần sau khi suy giảm đáng kể vào năm ngoái và trong tháng 1-2019, theo dữ liệu của Ngân hàng UBS và Bloomberg.
Trong khi đó, doanh số bán các đồng xu bạc trên toàn cầu, một chỉ số đo lường nhu cầu bạc vật chất của các nhà đầu tư cá nhân, cũng suy yếu trong những năm gần đây.
Theo Wall Street Journal