Giá bắp, đậu nành tăng mức cao nhất trong 9 năm
Lê Linh
(KTSG Online) - Giá đậu nành và bắp cùng tăng lên cao nhất trong 9 năm do các nguồn cung đang thắt chặt giữa lúc Trung Quốc đẩy mạnh mua hai loại nông sản này.
Đậu nành được chuyển lên một tàu hàng của Trung Quốc ở cảng Santos ở TP. Santos, bang São Paulo, Brazil. Ảnh: Reuters |
Trong phiên giao dịch sáng 12-5 ở Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) của Mỹ, giá hợp đồng đậu nành giao tháng 7 tăng 1,3%, lên mức 16,39 đô la Mỹ/bushel (tương đương 27,2 kg), cao nhất kể từ tháng 9-2012 vì giới đầu tư lo ngại nguồn cung thiếu hụt khi Trung Quốc tiếp tục gia tăng mua mặt hàng này.
Theo Bộ Thương mại Brazil, trong tháng 4 nước này đã xuất khẩu 12,6 triệu tấn đậu nành sang Trung Quốc, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là lượng đậu nành xuất khẩu sang Trung Quốc lớn nhất trong một tháng kể từ trước đến nay. Trong nhiều tháng qua, Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu đậu nành và bắp để chế biến thức ăn cho đàn heo đang phục hồi sau cuộc khủng hoảng dịch tả heo châu Phi.
Theo Trung tâm Thông tin hạt có dầu và ngũ cốc quốc gia Trung Quốc (CNGOIC), trong năm nay, diện tích trồng đậu nành của Trung Quốc có thể giảm 7,3% so với năm ngoái do nông dân chuyển sang trồng bắp và lúa mì. CNGOIC cũng dự báo Trung Quốc sẽ nhập khẩu 102 triệu tấn đậu nành trong niên vụ mới bắt đầu từ tháng 10-2021 so với 98 triệu tấn trong năm nay.
Trong phiên giao dịch cuối tuần trước ở sàn CBOT, giá bắp giao tháng 5-2021, tăng gần 1% lên mức 7,73 đô la/ bushel (tương đương 25,4 kg), mức cao nhất kể từ năm 2012 khi thời tiết hạn hán thiêu cháy các cánh đồng bắp ở vùng Trung Tây của nước Mỹ, đẩy giá bắp lên mức 8,31 đô la/bushel.
Giá bắp đã tăng 6 tuần liên tục, tăng 50% trong năm nay và tăng hơn gấp đôi so với cách đây 1 năm. Trong phiên giao dịch sáng 12-5, giá bắp vẫn đang giao dịch trên mức 7,2 đô la/bushel.
Có nhiều lý do khiến giá bắp tăng không ngừng trong những tuần qua. Trung Quốc đang chạy đua mua gom bắp để chế biến thức ăn cho đàn heo. Các nhà phân tích dự báo năm nay Trung Quốc sẽ nhập bắp với số lượng lớn gấp 4 lần mức thông thường.
Trong khi đó, nhiều vùng trồng bắp ở Nam Mỹ đang khô cháy vì hạn hán. Brazil dự kiến giảm xuất khẩu bắp trong năm nay do sản lượng bắp giảm sút. Tại Argentina, mực nước của sông Paraná đang xuống thấp, khiến các thuyền không thể chở đầy bắp vượt vùng nội địa của nước này để đến các tuyến đường biển của Đại Tây Dương.
Tại Mỹ, xe cộ lưu thông nhộn nhịp hơn khi nền kinh tế tái mở cửa. Và điều này có nghĩa là nhu cầu bắp để sản xuất nhiên liệu sinh học (ethanol) và trộn vào xăng cũng tăng lên.
Bên cạnh đó, giới đầu tư đang ồ ạt rót tiền vào hàng hóa nông nghiệp để bù đắp rủi ro lạm phát đối với các tài sản khác trong danh mục của họ. Các nhà phân tích ở Ngân hàng JPMorgan cho biết trong tháng trước, giá trị các hợp đồng mở (open interest) tương lai trên các sàn giao dịch hàng hóa nông nghiệp Mỹ tăng lên mức kỷ lục 315 tỉ đô la.
David Martin, Giám đốc đầu tư của Công ty Martin Fund Management, cho biết công ty ông đang mua các hợp đồng bắp tương lai với kỳ vọng giá sẽ tăng cao hơn. “Nếu thời tiết ở Mỹ không thuận lớn, nguồn cung bắp sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt trầm trọng”, ông nói.
Dữ liệu của Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ (CFTC) cho thấy tỷ lệ đặt cược vào cửa tăng và cửa giảm giá của bắp ở các quỹ phòng hộ và các quỹ đầu tư khác đang ở mức 17: 1.
Các nhà phân tích nói rằng giá bắp cao sẽ thúc đẩy hoạt động kinh doanh của các nhà sản xuất phân bón và nông cụ đồng thời giúp các công ty thực phẩm có lý do để tăng giá bán. Nông dân Mỹ, những người đang gieo trồng bắp cho vụ thu hoạch vào mùa thu tới, cũng sẽ được hưởng lợi lớn.
Nhiều nông dân trông bắp của Mỹ găm hàng với hy vọng sẽ bán được giá cao hơn nữa, Jeffrey Currie, Giám đốc bộ phận nghiên cứu hàng hóa ở Ngân hàng Goldman Sachs, cho hay.
Theo WSJ, Reuters