Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giá bông xơ tăng, cây bông vải hy vọng hồi sinh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giá bông xơ tăng, cây bông vải hy vọng hồi sinh

Hồng Văn

Nông dân Gia Lai chăm sóc cây bông vải-Ảnh: TL.

(TBKTSG Online) – Giá bông xơ trên thị trường thế giới tăng mạnh trong thời gian gần đây làm nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước gặp khó khăn nhưng cũng là cơ hội cho chính ngành dệt may phát triển diện tích trồng bông vải trong nước sau một thời gian tụt giảm diện tích.

>>Cây bông vải hồi sinh

Theo Hiệp hội dệt may Việt Nam, từ đầu tháng 4 tới nay, giá bông xơ nhập khẩu đã tăng lên 1,9 đô la Mỹ/kg, tăng tới 35% so với đầu năm và 50% so với cùng kỳ này năm ngoái.

Do lo ngại giá bông xơ còn tiếp tục tăng nên nhiều quốc gia xuất khẩu bông xơ đã hạn chế, thậm chí tạm ngưng xuất khẩu để bảo vệ ngành dệt nội địa, trong khi doanh nghiệp dệt may Việt Nam thì chưa dám ký hợp đồng mua bông xơ vì còn phải nghe ngóng tình hình giá bông thế giới.

Giá bông tăng khiến các doanh nghiệp nhập bông xơ sản xuất sợi xuất khẩu lao đao vì đã ký hợp đồng xuất sợi cách nay nhiều tháng với giá thấp. Các doanh nghiệp dệt thì hoạt động cầm chừng, báo hiệu nhiều khó khăn cho ngành dệt trong năm nay.

Hiện tại, nhu cầu về nguyên liệu nhập khẩu để bảo đảm sản xuất cho ngành dệt may trong nước cần tới 95% xơ bông, 70% sợi tổng hợp, 40% sợi xơ ngắn, 40% vải dệt kim và 60% vải dệt thoi.

Giá bông xơ thế giới tăng đã tác động tới giá mua bông vải của nông dân trong nước. Theo tin từ Công ty cổ phần Bông Việt Nam, doanh nghiệp thu mua bông xơ trong nước lớn nhất hiện nay, công ty này nâng giá thu mua từ 9.000đồng/kg bông hạt năm 2009 lên 10.500 đồng/kg trong năm nay sau khi giá bông xơ thế giới vượt mốc 1,6 đô la Mỹ/kg. Tại Việt Nam, các nhà máy mua bông hạt của nông dân cứ 2,5-2,7 kg thu được 1 kg bông xơ.

Mùa vụ gieo trồng bông ở vùng Đông Nam bộ và Tây Nguyên thường vào tháng 6, khi bắt đầu mùa mưa. Theo kế hoạch của Công ty cổ phần Bông Việt Nam thì vụ mùa năm nay, kế hoạch của toàn ngành bông là phát triển vùng nguyên liệu từ 11.000-12.000 héc ta, trong đó tỉnh Bình Thuận dự kiến đạt 4.000 héc ta, các tỉnh Tây Nguyên 7.000-7.500 héc ta và Quảng Nam dự kiến khoảng 1.000 héc ta.

Ngoài ra, nhằm đa dạng nguồn cung cấp bông, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) có kế hoạch hợp tác với Campuchia và Myanmar để trồng bông, tăng nguồn cung cho ngành. Nhưng đến thời điểm này, kế hoạch trồng 10.000 héc ta bông tại Campuchia vẫn trong quá trình đàm phán.

Diện tích trồng bông vải của Việt Nam giảm mạnh vào năm 2008, xuống còn 5.000 héc ta nếu so với thời hoàng kim đầu những năm 2000, có lúc lên 30.000 héc ta. Sau đó hồi phục dần vào năm ngoái, lên được 8.000 héc ta.

Đầu tháng 1 năm nay, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phát triển cây bông vải Việt Nam đến năm 2015, theo đó đến năm 2015 sẽ đạt diện tích khoảng 30.000 héc ta, năng suất bình quân đạt 1,5- 2 tấn/héc ta, và đến năm 2020 sẽ tăng lên 76.000 héc ta, năng suất cũng tăng lên từ 2-2,5 tấn/héc ta.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới