Thứ hai, 20/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Giá cả hàng hóa giảm, báo hiệu lạm phát tiếp tục hạ nhiệt

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Giá hàng hóa từ quặng sắt, đồng cho đến lúa mì và khí đốt tự nhiên trên thị trường thế giới đang giảm mạnh. Điều này báo hiệu lạm phát sẽ tiếp tục hạ nhiệt, đặc biệt là ở các nước phương Tây, sau khi tăng sốc hồi năm ngoái.

Giá cả trên thị trường hàng hóa từ kim loại, lương thực cho đến năng lượng như khí đốt và dầu đã giảm đáng kể trong năm nay. Ảnh: Bloomberg/Getty

Cuộc khủng hoảng hàng hóa do tác động của cuộc xung đột  Nga-Ukraine đã đảo chiều mạnh mẽ, với Chỉ số hàng hóa Bloomberg, theo dõi giá cả trên thị trường tương lai của 23 mặt hàng năng lượng, kim loại và lương thực, giảm 10% kể từ đầu năm, xuống mức thấp nhất kể từ năm 2021.

Thúc đẩy xu hướng giảm giá hàng hóa là rủi ro nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái, hoạt động sản xuất công nghiệp của châu Âu sụt giảm và đà phục hồi yếu hơn dự kiến của Trung Quốc sau khi từ bỏ chính sách “zero Covid”.

Đối với hộ gia đình và doanh nghiệp, những lợi ích đã bắt đầu xuất hiện khi tốc độ lạm phát tổng thể giảm xuống, giảm bớt áp lực tiếp tục tăng mạnh lãi suất của các ngân hàng trung ương. Dù vậy, giá của một số mặt hàng thực phẩm vẫn ở mức cao dai dẳng. Ngoài ra, vẫn chưa chắc chắn liệu đà giảm tốc của lạm phát có kéo dài lâu hay không.

“Giá hàng hóa giảm dường như phản ánh sự phục hồi chậm chạp của Trung Quốc, rủi ro suy thoái kinh tế sắp tới ở Mỹ và sự suy giảm nhu cầu của ngành sản xuất ở châu Âu. Thực sự có khả năng lạm phát có thể giảm tốc tạm thời”, Carsten Brzeski, người đứng đầu bộ phận vĩ mô toàn cầu của ngân hàng ING (Hà Lan), nhận định.

Các mặt hàng năng lượng dẫn đầu xu hướng giả cả hàng hóa sụt giảm hiện nay, đặc biệt là ở châu Âu, nơi giá khí đốt tự nhiên tương lai đã giảm khoảng 2/3 trong năm nay sau khi tăng kỷ lục vào mùa hè năm ngoái.

Ngay cả dầu thô và các sản phẩm phái sinh của dầu thô cũng trở nên rẻ hơn, bất chấp thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu thêm hơn 1,1 triệu/thùng ngày của liên minh OPEC+ áp dụng từ tháng 5 đến cuối năm 2023. Giá dầu diesel ở Mỹ đã giảm hơn 30% so với mức đỉnh năm 2022, mang lại sự nhẹ nhõm cho tài xế xe tải, nông dân và người tiêu dùng ở nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tại Tây Ban Nha, lạm phát trong tháng 5 chậm hơn so với dự đoán nhờ chi phí nhiên liệu giảm và giá thực phẩm tăng chậm lại. Chỉ số giá tiêu dùng của khu vực đồng sử dụng đồng euro (eurozone) dự kiến cũng sẽ giảm mạnh khi dữ liệu công bố vào 1-6.

Câu hỏi lớn là lạm phát sẽ suy yếu thêm bao nhiêu trước khi chững lại. Ngay cả khi chi phí nguyên vật liệu thô giảm, các yếu tố đầu vào khác, đặc biệt là tiền lương có thể giảm chậm hơn nhiều.

Nhưng hiện tại, chi phí đầu vào dường như đang đi vào xu hướng giảm. Bên cạnh đó, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng trên toàn cầu đã giảm bớt và giá cước vận tải container cũng sụp đổ.

Tại Trung Quốc, đà phục hồi yếu dần đang hạn chế áp lực giá cả đối với thị trường kim loại. Giá nickel đã giảm 30% trong năm nay và giá kẽm giảm hơn 20%. Giá đồng cũng giảm liên tục trong những tuần qua.

“Đà phục hồi kinh tế ở Trung Quốc phân bổ nhiều cho các ngành dịch vụ hơn là nhu cầu công nghiệp. Điều này thực sự tác động đến các kim loại công nghiệp. Ngoài ra, có một dòng tiền đầu tư ra khỏi hàng hóa trên diện rộng do lãi suất cao hơn và tình trạng không chắc chắn về tăng trưởng toàn cầu”, Rebecca Babin, nhà giao dịch năng lượng cấp cao của CIBC Private Wealth, nói.

Hóa đơn thực phẩm cao vẫn còn là gánh nặng lớn đối với ngân sách hộ gia đình ở nhiều nơi trên thế giới. Nhưng có những dấu hiệu cho xung lực của lạm phát thực phẩm cũng đang suy yếu.

Giá lúa mì tương lai đã giảm hơn một nửa so với mức cao kỷ lục của năm ngoái. Nga và Liên minh châu Âu (EU), hai nhà xuất khẩu lúa mì hàng đầu thế giới, dự kiến sẽ có vụ thu hoạch bội thu trong năm 2023, bù đắp những thiếu hụt do chiến tranh ở Ukraine gây ra.

Brazil đang thu hoạch vụ bắp và đậu nành lớn nhất từ trước đến nay, giúp giảm chi phí các nguyên liệu chế biến thức ăn cho đàn gà và đàn heo. Trong khi đó, giá dầu thực vật trên thị trường thế giới cũng giảm mạnh.

Giá hàng hóa thô giảm không có nghĩa là giá bán các sản phẩm tiêu dùng sẽ giảm theo ngay. Chi phí vận tải, nhân công và các chi phí khác cũng tác động lớn đến giá cả hàng hóa bán lẻ trên các kệ hàng. Đó là chưa kể các nhà sản xuất hàng tiêu dùng thường mua nguyên liệu thô trước nhiều tháng.

Joseph Glauber, học giả cấp cao tại Viện Nghiên cứu chính sách thực phẩm quốc tế, có trụ sở tại Washington, nói: “Tôi dự đoán giá thực phẩm ở Mỹ sẽ giảm trong sáu tháng tới ở Mỹ. Tất cả các dấu hiệu trên thị trường hàng hóa nông nghiệp cho thấy giá cả về cơ bản sẽ thấp hơn vào cuối năm khi vụ thu hoạch mới bắt đầu. Nhưng cần một thời gian nữa để lạm phát ở cấp độ người tiêu dùng giảm bớt”.

Tom Orlik, nhà kinh tế trưởng của Bloomberg Economics, cho biết đà phục hồi mạnh mẽ của Trung Quốc hồi đầu năm làm dấy lên lo ngại về một xung lực lạm phát mới lan qua giá cả hàng hóa đối với Mỹ và châu Âu. Nhưng đến giữa năm, động lực tăng trưởng suy yếu của Trung Quốc khiến lạm phát đi theo hướng khác.

Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để cho rằng cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt sắp kết thúc, đặc biệt là vì lạm phát có thể giảm chậm hơn so với giá cả hàng hóa. Ngân hàng Goldman Sachs dự báo giá hàng hóa sẽ tăng mạnh trở lại nếu suy thoái kinh tế không diễn ra như lo ngại.

Cũng đã có những cáo buộc về cái gọi là “lạm phát lòng tham”, thuật ngữ ám chỉ các doanh nghiệp tăng giá nhiều hơn so với mức tăng chi phí đầu vào trong thời kỳ lạm phát.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới