Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giá cà phê lên mức cao nhất tính từ mười năm nay

Nguyễn Quang Bình

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online)- Đến gần hết tháng 10, là tháng đầu tiên của niên vụ cà phê mới 2021-2022, giá cà phê robusta London, nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam hay sử dụng để tham chiếu, phóng mạnh lên mức cao nhất tính từ chục năm nay. Vì sao? Liệu giá còn tăng lên chút nào nữa?

Nông dân hái cà phê ở trang trại của họ tại thị trấn Dores do Rio Preto, bang Espirito Santo, Brazil. Ảnh: Getty

Giá tăng, kẻ lo người mừng

Chỉ trong vòng hai ngày đầu tuần, giá phái sinh robusta bất ngờ vọt từ đáy 2.131 lên đến đỉnh 2.278 đô la Mỹ/tấn, tăng cấp kỳ gần 150 đô la. Nếu tính trên giá đóng cửa, chỉ trong thời gian ngắn ngủi ấy, giá cơ sở giao dịch tháng 1-2022 tăng 129 đô la/tấn, một trường hợp không mấy khi xảy ra.

Cũng nhờ cú tăng như vũ bão này, giá robusta đã lên chạm gần mức cao nhất tính từ 10 năm nay. Nhà vườn vỡ òa niềm vui nhưng… đáng tiếc trái vẫn còn trên cây. Cà phê vườn nào chín đủ vẫn chưa hái được, vùng nào trái chưa kịp chín, chủ vườn mong sao cho trái chín nhanh để kịp ra hàng,  nhỡ vuột mất dịp may chục năm mới thấy lại.

Nhưng đối với giới kinh doanh xuất khẩu, không ít người lo vì hôm qua 26-10 là ngày thông báo giao hàng đầu tiên đối với các hợp đồng giao dịch tháng 11-2021. Giá nhảy kiểu này làm họ càng “mệt trí” hơn. Thường đến ngày thông báo giao hàng đầu tiên để trở thành tháng giao ngay (spot month), sức ép bán hàng thực và hàng giấy trên sàn phái sinh mạnh làm giá xuống. Nay thì không, do nhiều hợp đồng bán trước đã được chốt xong nhưng ở mức thấp. Cũng chính do không còn sức ép bán, giá đã nhảy như ngựa bất kham. Ai bán rồi nhưng chưa mua được hàng, rủi ro thua lỗ lớn là quá rõ. Giả sử ai tưởng giá 2.000 đô la/tấn là đã cao và chốt bán, thì nay có thể lỗ 270 đô la/tấn vì giá đóng cửa phiên 26-10 chốt tại 2.270 đô la/tấn.

Nỗi lo khác là giá cao nên vốn bỏ ra cao trong khi tình hình dịch bệnh tại một số tỉnh sản xuất cà phê trọng điểm mấy hôm nay lên cao trào. Số ca lây nhiễm theo số liệu của Bộ Y tế đến 26-10 tại các tỉnh sản xuất lớn đều tăng, như Đắk Lắk trong top 5 và Gia Lai trong top 15. Trong khi đó, tỷ lệ chích ngừa vaccine cho người dân các tỉnh này đang nằm trong nhóm các địa phương thấp nhất nước dù có nơi chuẩn bị vào thu hái rộ.

Rõ ràng ước mơ hái kịp cà phê để tranh thủ bán phần nào trong đợt giá tăng khó thành hiện thực. Vả lại, trong kỳ giao thông khó khăn, có hàng sẵn chưa chắc đã bán được huống gì là bán khống, bán trước! “Giá nhảy kiểu này chắc làm xuất khẩu như anh em chúng tôi khó rồi”, một doanh nhân mua bán nông sản cà phê và hồ tiêu tại Đồng Nai thường nhập hàng từ Lâm Đồng và Đắk Lắk thấy giá nhảy nhanh đã ta thán như thế.

Giải mã đợt tăng nhanh

Chuyện giống như đã cũ nhưng không nói thêm một chút cho hết lời sẽ không rõ lý do. Tình trạng thiếu container hiện nay đang làm “dính chùm” các chuỗi cung ứng, mặt hàng cà phê càng không phải ngoại lệ. Một chuyên gia cho biết các hãng tàu nay kiếm tiền quá nhanh và quá dễ nên không mấy ai muốn chở container rỗng về. Trước đây, khi dỡ hàng xong, thường để quay về nhanh chở chuyến khác, các hãng tàu thường phải mang container rỗng về lại các cảng khởi hành. Nay thì khác. Tàu chưa kịp dỡ hàng thì đã có người đặt hàng chở đi nơi khác, nên nhiều tàu chạy tuyến cố định đã trở thành “tàu chợ” mặc cho người giao hàng từ châu Á đợi chờ đến “mệt nghỉ” nhưng vẫn không có đủ thùng rỗng.

Nhu cầu tiêu thụ cà phê mùa rét và lễ tết đang vào thời đỉnh điểm. Các hãng chế biến đang lo thiếu cà phê nguyên liệu để sản xuất nên đua nhau mua nhưng vẫn thiếu dù họ biết rằng tồn kho tại các nước sản xuất vẫn còn nhiều.

Trong khi đó, nỗi lo lạm phát ngày càng lớn. Tại Anh Quốc, giới phân tích tài chính ngân hàng cho rằng không bao lâu nữa, chỉ tính theo tuần và theo tháng, thì mức lạm phát tại nước Anh sẽ lên 5% so với hiện nay là 3%, mức này đã là cao. Chẳng phải ở Anh mà nhiều nước châu Âu và kể cả Mỹ cũng đều chung hoàn cảnh. Do lạm phát, không chóng thì chày, giá cà phê trên các kệ hàng ở các siêu thị, các trung tâm bán lẻ sẽ được nâng giá. Giá trên sàn phài sinh cà phê tăng chẳng qua là bước chuẩn bị cho giá một ly cà phê tại các tiệm và quầy hàng cao hơn.

Trong chiều hướng này, giá cà phê phái sinh chắc chưa chịu dừng tại đây (2.270 đô la/tấn) mà còn đi một đoạn nữa… cho đến khi các nhà chế biến giảm mua vì đã cân đối được lượng cà phê vừa đủ cho nhu cầu tiêu thụ cuối năm nay. Còn năm sau? Sẽ rất khác năm nay vì Brazil lại quay về với chu kỳ năm được mùa với sản lượng ước trên 3,6 triệu tấn, trong đó cà phê robusta chừng 1,2 triệu tấn và được nông dân Brazil bán rỉ rả từ tháng 1-2022 trở đi. Dự kiến Brazil sẽ thu hái robusta vào tháng 4 như hàng năm.

Dù giá phái sinh tăng, thị trường cà phê trong nước hôm nay tăng dè dặt. Đến trưa 27-10, giá cà phê loại 2, tối đa 5% đen bể, tại một số vùng nguyên liệu giao dịch mức từ 42,7-43 triệu đồng/tấn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới