Chủ Nhật, 25/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Giá cà phê: Ở đâu ổn định? Ở đâu bất thường?

Nguyễn Quang Bình

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Tác động lên giá kỳ hạn cà phê và các thị trường xuất khẩu hiện chủ yếu xuất phát từ nỗi lo thiếu hàng do Quy định chống phá rừng (EUDR) của EU. EUDR không cho phép lưu hành các mặt hàng nông sản có nguồn gốc từ phá rừng và quy định này sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2025.

Giá cà phê nguyên liệu trong nước hình như muốn tìm thế ổn định. Trong một thời gian dài cả tháng cho đến ngày 18-8-2024, thị trường trong nước xê dịch quanh mức giá 115 triệu (± 2 triệu) đồng mỗi tấn dù giá kỳ hạn có chao đảo đến đâu. Vì sao có hiện tượng này?

Giá cà phê kỳ hạn biến dịch thất thường

Chỉ tính trong 10 phiên giao dịch gần nhất trên sàn kỳ hạn robusta London, nơi giới kinh doanh cà phê Việt Nam thường sử dụng làm tham chiếu, ngày nào giá kỳ hạn cũng dao động rất mạnh từ 150-300 đô la Mỹ/tấn, mức tăng và giảm vào thời điểm đóng cửa tính bằng tiền trăm đô la. Hiện tượng này khiến các nhà kinh doanh cà phê rơi vào thế mua không dám mà bán cũng không đặng.

Nếu như dịch Covid-19 làm cho chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu đứt gãy tạo nên những cơn sóng dữ trên thị trường, thì nay ảnh hưởng của nó về mặt cung ứng không đến nỗi phải lo lắng. Chỉ tội người thuê tàu giao hàng vẫn còn phải trả cước cao trên 200% so với thời kỳ trước đại dịch. Về phía vận tải, có thể thấy rất rõ cả nhà xuất lẫn nhập khẩu đều chấp nhận trả giá cước cao vì chuyện thông hàng.

Thị trường cũng dần quen với nạn tàu hàng bị bắn phá trên trục Đông – Tây (và ngược lại) tại vùng Biển Đỏ, đã chọn hải trình an toàn hơn, xa hơn, cước tàu cao hơn và thời gian giữa hai đầu nhận và giao hàng dài hơn. Giới kinh doanh cà phê đã chấp nhận để hàng thông suốt. Hàng cà phê từ Việt Nam, Indonesia đi châu Âu và Mỹ, hai vùng tiêu thụ cà phê trọng yếu của thế giới, vẫn cứ nhận cà phê đều đều.

Vậy thì lý do gì mà giá kỳ hạn cứ chao đảo mạnh trong thời gian gần đây? Một cú “giật gân” với tin thời tiết rét đậm rét hại trên các vùng cà phê Brazil tàn phá cây cà phê của nước cung ứng cà phê lớn nhất thế giới đã đưa giá kỳ hạn lên đỉnh cao mới với giá giao dịch kỳ hạn tháng 9-2024 vượt khỏi mức 4.650 đô la/tấn. Tuy nhiên, ấy cũng chỉ là cú “nắn gân” để tạo giá khi thị trường phát hiện mùa đông Brazil ấm hơn, có rét nhưng không gây hại đến cây cà phê nước này. Rồi giá lại dịu xuống.

Nhưng giá kỳ hạn robusta vẫn tìm đường lên lại. Giá tháng 9-2024 đã chạm mốc cao lịch sử vào ngày 16-8-2024 với 4.691 đô la/tấn. Kỳ hạn tháng 11-2024 cũng lục đục theo khi cùng ngày lên chạm 4.485 đô la để đóng cửa ở 4.452 đô la/tấn so với đỉnh cao nhất của kỳ hạn này là 4.498 đô la/tấn lập ngày 11-7-2024.

Nói cho đúng, tác động lên giá kỳ hạn cà phê và các thị trường xuất khẩu hiện chủ yếu xuất phát từ nỗi lo thiếu hàng do Quy định chống phá rừng (EUDR) của EU. EUDR không cho phép lưu hành các mặt hàng nông sản có nguồn gốc từ việc phá rừng.

Hàng năm, châu Âu phải nhập khẩu chừng bốn triệu tấn cà phê. Nếu tính riêng Việt Nam, mỗi năm nước ta bán sang vùng tiêu thụ này chừng 40% khối lượng cà phê xuất khẩu. Số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu cho biết năm 2023, vùng này nhập khẩu 652.000 tấn cà phê Việt Nam, chiếm 24% lượng cà phê tổng nhập từ khắp nơi trên toàn cầu.

Trước thời hạn áp dụng luật EUDR không còn bao nhiêu ngày, nhiều thương nhân quốc tế đã tìm mọi cách săn lùng cà phê nguyên liệu để làm sao về đến được các cảng châu Âu chậm nhất là tháng 10-2024 vì ngày EUDR có hiệu lực là 1-1-2025.

Đã có biết bao nhiêu kiến nghị, thỉnh cầu lùi ngày hiệu lực từ các nước sản xuất và ngay cả từ nhiều đại gia trong ngành kinh doanh và chế biến cà phê có bản doanh tại EU nhưng EU đều khăng khăng giữ nguyên ngày áp dụng. Thiệt là đúng với ngạn ngữ Latinh “Lex dura, sed lex” (tạm dịch: Luật cứng rắn nhưng đấy là luật).

Người ta đoán trước cà phê tại vùng tiêu thụ rộng lớn sẽ bị thiếu hụt do luật này, nên nhanh chóng tìm nguồn bán từ các nơi rẻ nhất đem về trữ trong nội địa EU. Nên về sau này, sẽ có lúc giá mua bán tại EU rất cao nhưng không vì vậy mà giá tại các nước cung ứng cũng tăng theo.

Thị trường cà phê sẽ vào thế ổn định

Nói giá kỳ hạn cà phê tăng là do thiếu hàng, không sai. Nhưng nói thiếu hàng do mùa màng thất bát thì chưa chắc.

Hai nước Brazil và Indonesia đang trong thời kỳ có hàng dồi dào, cũng là hai nước sẵn sàng chấp nhận giá mềm để đưa hàng sang EU cho kịp trước hạn. Thật vậy, trong khi giá cà phê robusta trên thị trường nội địa Brazil vào ngày 14-8 ở quanh mức 3.980 đô la/tấn thì tại Việt Nam bình quân 5.980 đô la/tấn (15 triệu đồng/tấn với tỷ giá tiền đồng 25.100), cao hơn giá tại Brazil đến 2.000 đô la/tấn.

Giá cà phê xuất khẩu tính trên chênh lệch giữa giá niêm yết sàn London và giá tại cảng giao hàng giảm liên tục, nhưng Việt Nam chỉ giao những hợp đồng cũ, đã ký bán từ lâu mà ít thấy hợp đồng ký bán mới. Không ít đại lý thu mua đang đứng ngồi không yên do hàng mua rồi chưa bán được. Nhiều nhà vườn muốn chào bán 15 triệu đồng/tấn, đại lý chỉ trả giá 13 triệu đồng. Các vựa thu mua cũng gặp trường hợp này đối với nhà xuất khẩu. Câu chuyện “đá quanh” này cũng xảy ra giữa nhà xuất khẩu với nhập khẩu.

Có người còn thấy trước rằng nếu các đại lý thu mua, nhà vườn, kể cả các nhà xuất khẩu chủ quan với thời gian, không chuẩn bị các bước cần thiết đăng ký các thủ tục chứng nhận theo yêu cầu của EUDR như hồ sơ truy xuất nguồn gốc…, thì ngay từ đầu niên vụ mới, có hàng tốt cũng chưa chắc bán được như những năm trước đây. Đấy sẽ là cản trở lớn cho sự thông suốt hàng cà phê trên thị trường như đã thấy từ bấy lâu nay.

Thị trường tài chính nói chung, hàng hóa thương phẩm nói riêng, đang nóng sốt từng ngày theo dõi quyết định hạ lãi suất đồng đô la Mỹ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sau một số dữ liệu kinh tế của nước này đang đẩy Fed vào thế nới lỏng chính sách tiền tệ. Các sàn hàng hóa lại sẽ còn nhiều bất thường nhưng chủ yếu là tích cực đối với thị trường hàng hóa thế giới.

Tuy nhiên, nhìn theo nhận định trên, thị trường cà phê trong nước cũng sẽ biến động nhưng theo chiều hướng ổn định nhiều hơn khi các nhà nhập khẩu đối diện với các yêu cầu của EUDR buộc họ phải thận trọng chọn người bán, đặt lại kế hoạch thu mua… Giá cà phê rẻ mấy cũng không thể mua nếu người bán không hội đủ điều kiện của EUDR.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới