(KTSG Online) - Giá hợp đồng tương lai của cà phê robusta ở London (Anh), tăng lên mức cao kỷ lục mới khi thời tiết khô nóng ở các nước sản xuất lớn ở Đông Nam Á bao gồm Việt Nam và Indonesia, làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung.
- Tăng bất chấp mọi quy luật, giá cà phê sẽ về đâu?
- Giá cà phê miệt mài leo thang, doanh nghiệp càng xuất càng lỗ
Hôm 12-4, giá cà phê robusta tương lai ở sàn London tăng gần 5% lên mức 3.948 đô la Mỹ/tấn, đỉnh cao mới kể từ khi hợp đồng tương lai của loại cà phê này bắt đầu giao dịch hơn 16 năm trước. Giá cà phê arabica ở tại New York cũng tăng lên 2,34 đô la/ pound (0,453kg), mức cao nhất kể từ tháng 9-2022. Cả hai loại cà phê này đều tăng giá mạnh kể từ đầu năm.
Hãng cà phê Lavazza (Ý) gần đây cho biết, lợi nhuận của hãng giảm là do giá cà phê nguyên liệu tăng, mặc dù doanh thu cũng đã tăng 13% lên 3 tỉ đô la Mỹ trong năm ngoái.
“Giá nguyên liệu thô tăng mạnh đã tạo ra một kịch bản kinh tế vĩ mô cực kỳ phức tạp cho ngành”, Antonio Baravalle, CEO của Lavazza nói.
Phần lớn cà phê robusta trên trên thế giới, được sử dụng trong cà phê hòa tan và cà phê espresso, được trồng ở Việt Nam. Thông thường, mùa mưa ở vùng Tây Nguyên của Việt Nam sẽ bắt đầu vào giữa tháng 4. Nhưng năm nay, một đợt nắng nóng kéo dài đang gây thiệt hại cho các vụ mùa cà phê của khu vực này.
Theo Carlos Mera, người đứng đầu bộ phận hàng hóa nông nghiệp của ngân hàng Rabobank, diễn biến thời tiết này làm trầm trọng thêm những hạn chế về nguồn cung hiện nay, gây lo lắng cho các nhà rang xay và thúc đẩy làn sóng tranh mua cà phê.
“Không còn nhiều cà phê có sẵn ở Việt Nam”, Mera nói.
Ông cho biết, các nhà rang xay cà phê, đặc biệt là ở châu Âu, đang tìm cách tăng dự trữ trong bối cảnh họ lo ngại về chuỗi cung ứng. Mối lo càng tăng khi các cuộc tấn công của phiến quân Houthi nhằm vào các tàu hàng ở Biển Đỏ khiến các tàu di chuyển giữa châu Á và châu Âu phải đi theo tuyến đường dài hơn, thay vì đi qua Kênh đào Suez.
Ông Mera nói thêm, họ cũng đang chạy đua tích trữ cà phê trước khi quy định mới của Liên minh châu Âu (EU) cấm hạt cà phê trồng trên đất rừng bị phá có hiệu lực vào tháng 12 năm nay. Đến thời điểm đó, các nhà rang xay ở EU sẽ phải cung cấp dữ liệu định vị địa lý để chứng minh nguồn gốc cà phê nhập khẩu của họ.
Jonathan Haines, nhà phân tích cấp cao của Gro-Intelligence, một công ty dữ liệu nông nghiệp cho biết, vấn đề thiếu hụt nguồn cung cà phê robusta cũng đẩy giá cà phê arabica tăng cao do các nhà rang xay thường pha trộn hai loại cà phê này.
Theo Ole Hansen, giám đốc chiến lược hàng hóa của ngân hàng Saxo (Đan Mạch), thời tiết bất lợi ở Brazil, nước sản xuất cà phê arabica lớn nhất thế giới, cũng là nguyên nhân khiến giá cà phê arabica tăng. Lượng mưa dồi dào ở nước này đang làm hư hại các vụ mùa cà phê và làm giảm sản lượng thu hoạch.
Lực mua của các quỹ phòng hộ và các nhà đầu cơ khác cũng góp phần đẩy giá cà phê arabica lên cao.
Theo dữ liệu mới nhất từ Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ (CFTC), họ tăng vị thế mua cà phê arabica lên mức cao kỷ lục trong tuần kết thúc vào ngày 2-4.
Trong khi đó, thời tiết khô hạn ở Đông Nam Á do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, đặc biệt là ở Việt Nam và Indonesia, đang làm giảm sản lượng cà phê thu hoạch.
Tồn kho cà phê trên toàn cầu đã phục hồi phần nào trong những tuần gần đây nhưng vẫn ở mức thấp so với tiêu chuẩn lịch sử. Charles Hart, nhà phân tích hàng hóa nông nghiệp của BMI Research, cho biết xuất khẩu cà phê robusta đang suy giảm nghiêm trọng, trong khi cà phê arabica dự kiến chỉ có thặng dư tương đối nhỏ trong năm nay.
Theo các nhà phân tích của ngân hàng Citi, đà tăng giá hiện nay của cà phê dự kiến chưa dừng lại, vì điều kiện thời tiết bất lợi và nhu cầu tăng có thể sẽ ảnh hưởng đến giá trong những tháng tới.
Hãng tin Bloomberg dẫn lời ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Intimex Group, nhà xuất khẩu cà phê lớn nhất Việt Nam cho biết, Việt Nam có đủ cà phê để xuất khẩu trong thời gian còn lại cùa mùa vụ này, nhưng nhiều khả năng người nông dân có thể hạn chế bán để chờ giá tăng cao hơn nữa.
Thị trường cà phê cũng được hỗ trợ khi các quỹ phòng hộ thoát khỏi thị trường ca cao và đổ tiền vào cà phê. Giá ca cao đã tăng gấp 3 lần chỉ trong một năm qua do nguồn cung thiếu hụt lớn.
Theo Financial Times, Bloomberg, WSJ