Thứ hai, 2/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Giá cà phê tăng trong hồi hộp

Nguyễn Quang Bình

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025 đã bắt đầu. Các trận bão dồn về trong nửa cuối tháng 10 và đầu tháng 11-2024 vẫn chưa thể kích giá cà phê tăng trở lại cho đến khi… thị trường biết đích danh vị tổng thống thứ 47 của Mỹ là Donald Trump.

Ngày 6-11 khi thị trường có kết quả ông Donald Trump đắc cử tổng thống thứ 47 của Mỹ, giá cà phê tăng một cách lạ lùng. Giá sàn kỳ hạn robusta cơ sở tháng 1-2025 từ đáy 4.241 đô la Mỹ/tấn đã nhảy nhanh lên 4.868 và đóng cửa tại 4.773 đô la/tấn, tăng 532 đô la tính từ đáy, sàn arabica cơ sở tháng 3-2025 bùng mạnh hơn từ 243,50 cts/lb lên 285,60 và đóng cửa tại 283,30 cts/lb, tăng 39,80 cts/lb tương đương với 877,43 đô la/tấn.

Nhờ vậy, giá cà phê nguyên liệu trên thị trường nội địa chưa kịp mất cột mốc 100 triệu đồng thì nay đã quay lại trên 110 triệu đồng/tấn.

Bức tranh thị trường kỳ hạn nông sản đầy cả màu sáng và tối

Nếu như nhìn các sàn kỳ hạn nông sản với tư cách là các sàn giao dịch phái sinh, giới kinh doanh đang mang tâm lý đầy nghi hoặc.

Lướt qua các sàn ngũ cốc, chỉ trừ lúa gạo có hiệu suất kinh doanh tăng sau ngày bầu cử Mỹ, còn lại các sàn ngũ cốc khác mà Mỹ có thế mạnh xuất khẩu đều giảm dù từ đầu năm đến nay vẫn còn lợi suất âm. Hoàn toàn ngược lại với các sàn cà phê và ca cao, tất cả các sàn này đều tăng cực mạnh, nhất là tuần giao dịch tính đến hết ngày thứ Sáu, 15-11.

Diễn biến giá sàn kỳ hạn robusta đến ngày 17-11-2024. Nguồn: barchart.com

Có người nói rằng nhiều sàn ngũ cốc Mỹ tạm thời dìm mình xuống trước ngày tổng thống đắc cử nhậm chức 20-1-2025 do lo ngại về một cuộc chiến tranh thương mại mới giữa Mỹ với Trung Quốc. Tâm lý cẩn thận ấy nghĩ cũng đúng thôi vì ông Donald Trump đã từng tuyên bố sẽ áp thuế nhập khẩu hàng từ Trung Quốc lên đến 60% và từ các nước khác với 20%. Người ta tin đòn trả đũa đầu tiên của đối phương từ Đông Á là đánh thuế nhập khẩu lên hàng nông sản Mỹ. Hầu hết các hợp đồng mua bán ngũ cốc mới cho năm 2025 giữa Trung Quốc và Mỹ đang tạm thời bị ngưng trệ.

Nếu xem các sàn kỳ hạn phái sinh là những sàn giao dịch tài chính liên thông vốn như các bình thông nhau, thì riêng về phần này, các sàn cà phê và ca cao được hưởng lợi, thêm vào đó nữa là khi giá vàng cơ sở giao dịch tháng 1-2025 suy sụp từ đỉnh 2.783,20 đô la/ounce ngày 1-11 xuống đóng cửa ngày 17-11 tại 2.582,10 đô la/ounce, giảm hơn 200 đô la trong vòng hơn hai tuần giao dịch.

Nói vậy để thấy giá cà phê đang được hưởng lợi từ nhiều phía, mà chủ yếu là do các quỹ đầu tư tài chính thanh lý bán các hợp đồng từ các sàn kỳ hạn khác chuyển vốn qua cà phê.

Cán cân cung - cầu cà phê ổn định

Báo cáo mới nhất ra tháng 10-2024 của Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) ước rằng thế giới vẫn có đủ cà phê cho tiêu thụ với tổng sản lượng là 178 triệu bao và tổng lượng tiêu thụ chừng 177 triệu bao (bao = 60 ki lô gam). ICO còn cho biết cả niên vụ 2023-2024, xuất khẩu cà phê hạt toàn cầu đạt 123,75 triệu bao, tăng 11,8% so với năm 2023 là 110,72 triệu bao. Đấy cũng là niên vụ có mức tăng cao kỷ lục với 13,02 triệu bao, đánh bạt luôn cả niên vụ 1995-1996 bấy giờ tăng so với năm trước đó chỉ 9,27 triệu bao.

Tính riêng theo từng chủng loại xuất khẩu, trong niên vụ vừa qua, arabica chế biến khô Brazil đạt 41,89 triệu bao tăng 22,6%, arabica chế biến ướt Colombia đạt 12,22 triệu bao tăng 14,3%, và robusta đạt 46,58 triệu bao tăng 6,2% so với niên vụ 2022-2023 trước đó. Phần robusta từ Việt Nam chỉ đạt 23,19 triệu bao, giảm gần 3 triệu bao nhưng được Brazil bù với xuất khẩu loại này đạt đến 9,02 triệu bao, tăng 3,2 lần so với năm trước đó.

Dù các con số xuất khẩu toàn cầu tăng mạnh còn nguyên chứng cứ, dù chỉ số đồng đô la Mỹ tăng mạnh lên mức cao nhất tính từ một năm nay, có lúc lên mức 106,99 điểm và dù đồng nội tệ của hai nước xuất khẩu hàng đầu thế giới là Brazil và Việt Nam có yếu đi do đồng đô la Mỹ quá mạnh, tác động của hai yếu tố tiền tệ này thường kích giới kinh doanh bán ra mạnh trên cả thị trường kỳ hạn lẫn xuất khẩu. Nhưng vừa qua, các sàn cà phê và ca cao lại phản ứng ngược lại, giới đầu tư tài chính sẵn sàng dẹp đi tất cả để đặt cược mua mạnh trên các sàn này.

Nhiều người trên thị trường cà phê nghi rằng đợt tăng hiện nay là do các quỹ đầu tư chuyển vốn vào các sàn cà phê và ca cao để trú ẩn tạm thời. Một khi chính quyền mới của Mỹ có chính sách rõ ràng hơn, họ lại chỉnh hướng cược nên thị trường cà phê hiện nay tăng nhưng chưa mấy chắc chắn, làm người kinh doanh không khỏi hồi hộp.

Hay là… lý do giá tăng nằm ở đây?

Luật của châu Âu về chống phá rừng (EUDR) đã một phen làm giá hai sàn cà phê kỳ hạn rớt thê thảm khi có tin Nghị viện EU hoãn ngày thực hiện (cũ) là 31-12-2024. Theo đó, luật này quy định cấm mua bán sản vật có nguồn gốc gây suy thoái rừng. Thật vậy, tin rằng ngày áp dụng vào cuối năm nay, rất nhiều doanh nghiệp nhập khẩu đã vội mua nhanh mua nhiều cà phê để kéo hàng về, tránh các thủ tục theo luật. Nhưng thật hy hữu và bất ngờ, tin đồn hoãn áp dụng lan ra và hiện tượng xảy ra trên thị trường là hàng “dội chợ”. Giá sàn robusta London đang từ trên đỉnh 5.280 đô la/tấn (26-9-2024) về chạm đáy 4.241 đô la. Nhưng cũng từ đây, giá kỳ hạn robusta phóng ngược lên (như đã trình bày ở trên).

Đến nay, EUDR vẫn giữ nguyên các quy định nhưng lùi ngày áp dụng lại từ một năm đến một năm rưỡi tùy theo tầm cỡ của doanh nghiệp, trong đó công ty nhỏ và siêu nhỏ bắt buộc thực hiện vào ngày 1-7-2026, theo kết quả được phê chuẩn hôm 14-11 của Nghị viện EU.

Tại sao việc hoãn này lại có thể là nguyên nhân khiến cho giá cà phê tăng? Hoãn ngày thi hành luật EUDR nên được hiểu rằng giới chức EU đã biết một số nước xuất khẩu cà phê gặp khó khăn trong thực hiện, không chỉ xuất phát từ lý do chưa chuẩn bị đủ cho cơ sở hạ tầng… mà có thể còn nhiều yếu tố khác như e ngại của một số chính phủ về việc để lộ bí mật quốc phòng khi truy xuất nguồn gốc hay vì lý do hệ thống quản lý rời rạc “trên nói dưới không nghe”, không đồng lòng như một trong “hệ thống chính trị” của các nước ấy.

Có thể đến vài ba năm sau, các nước sản xuất này có thể vẫn chưa sẵn sàng “tuân phục” theo luật EUDR. Và nếu vậy thì nhiều vùng sâu vùng xa tại Indonesia hay Brazil, kể cả nhiều nước châu Phi chẳng hạn, hàng cà phê không thể tiêu thụ tại châu Âu vì kẹt các thủ tục và yêu cầu cần thiết.

Phải chăng giá cà phê kỳ hạn trong những tuần hậu bầu cử tổng thống Mỹ tăng trở lại do các nhà kinh doanh cà phê lo xa và đẩy lực mua đi trước để giá khỏi tăng sốc về sau?

Đối với thị trường nguyên liệu tại Việt Nam, cứ mỗi khi giá tăng lại thường xuất hiện những tin đồn mang tính đầu cơ thực sự. Giá càng tăng, hàng ra thị trường càng ít và chất lượng càng không được đảm bảo. Đây cũng chính là ta đã tự mình từ chối vai trò cung cấp nòng cốt đối với một nước xuất khẩu hàng hóa và chính mình làm bạn hàng xa lánh dần khỏi mặt hàng đang cần thị trường.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới