(KTSG Online) – Sau khi điều chỉnh tăng khoảng 25 đô la Mỹ/tấn so với hồi đầu tháng 3-2022, giá chào xuất khẩu đối với phân khúc gạo 5% tấm của Việt Nam đã vượt giá gạo Thái Lan và các đối thủ đến từ Ấn Độ, Pakistan.
Báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy hiện gạo 5% tấm của Việt Nam đang được chào xuất khẩu với mức giá 423-427 đô la Mỹ/tấn. Trong khi đó, cũng ở phân khúc này, Thái Lan chào bán với giá 405-409 đô la Mỹ/tấn, còn Ấn Độ và Pakistan cùng chào bán với mức giá 343-347 đô la Mỹ/tấn.
Như vậy, so với Thái Lan, gạo 5% tấm của Việt Nam có giá chào xuất khẩu cao hơn 18 đô la Mỹ/tấn, cao hơn Ấn Độ và Pakistan 80 đô la Mỹ/tấn.
Còn với phân khúc gạo 25% tấm và 100% tấm, hiện Việt Nam đang chào bán lần lượt với mức giá 395-399 đô la Mỹ/tấn và 338-342 đô la Mỹ/tấn, thấp hơn giá chào của Thái Lan lần lượt 8 đô la Mỹ/tấn và 65 đô la Mỹ/tấn. Tuy nhiên, cao hơn mức giá chào bán của Ấn Độ lần lượt khoảng 72 và 25 đô la Mỹ/tấn, cao hơn Pakistan 67 đô la Mỹ/tấn ở phân khúc gạo 25% tấm nhưng thấp hơn 7 đô la Mỹ/tấn ở phân khúc gạo 100% tấm.
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV, cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến giá xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng trở lại. Trong đó, thứ nhất, do ảnh hưởng của chiến tranh Nga - Ukraine làm nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thuỷ sản từ Nga không xuất được hàng sang các quốc gia khác trên thế giới, trong đó, có Việt Nam. “Do đó, các quốc gia quay lại sử dụng nguyên liệu trong nước, giúp đẩy giá lên rất cao, bao gồm cả gạo lứt để chế biến thức ăn gia súc”, ông cho biết.
Theo ông Thành, các thương nhân kinh doanh lương thực thấy bất ổn cũng đẩy mạnh mua tạm trữ, trong khi các doanh nghiệp nước ngoài cũng đặt vấn đề mua nhiều hơn, giúp “kích thích” khiến giá tăng.
Vấn đề thứ hai, theo ông Thành, ở trong nước, người dân, doanh nghiệp và hàng xáo quay lại trữ lúa.
“Nói chung, cũng có nhiều nguyên nhân, người bán ít hơn đương nhiên giá sẽ tăng”, ông nói.
Bà Đặng Thị Liên, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực thực phẩm Long An, cho rằng kế hoạch mua dự trữ của Tổng cục Dự trữ nhà nước cũng góp phần thúc đẩy thị trường sôi động hơn, nhất là khi có nhiều tàu lớn 80.000 tấn cập cảng ăn hàng đi châu Phi.
Ở khía cạnh thị trường trong nước, theo bà Liên, sau khi tăng "sốt" vào thứ Tư tuần rồi thì hiện giá lúa cũng đã hạ nhiệt trở lại nhưng vẫn duy trì ở mức khá cao. “Trước đó, ví dụ Đài Thơm 8, tôi mua vào với giá 5.850 đồng/kg (tại ruộng), nhưng thứ Tư tuần rồi giá đẩy lên đến 6.200 đồng/kg, và hiện tại đã giảm nhiệt trở lại, còn 5.950 đồng/kg”, bà Liên dẫn chứng.
Theo bà Liên, đặc điểm của năm nay, đó là thời gian lúa trổ kéo dài, trong khi việc phân bố lịch thời vụ xuống giống được phân chia ra từng vùng để chủ động ứng phó với xâm nhập mặn, cho nên, lúa không thu hoạch rộ cùng lúc như mọi năm hay nói cách khác không bị áp lực tiêu thụ như mọi năm.
“Do đó, áp lực thu hoạch rộ khiến giá giảm mạnh như mọi năm rất khó xảy ra, nhất là khi chi phí đầu tư tăng cao theo giá phân bón”, bà Liên cho biết.