(KTSG Online) – Thị trường tài chính thế giới trong tuần qua tiếp tục biến động mạnh với gánh nặng lạm phát, cuộc đua lãi suất tiếp diễn trong nỗi lo ngại bởi suy thoái kinh tế và cả những thông tin mới về cuộc chiến ở Nga và Ukraine.
Tại Việt Nam, thị trường tài chính cũng có những biến động mạnh, đặc biệt chứng khoán có diễn biến tương tự với thị trường thế giới. Về góc nhìn kỹ thuật, kịch bản giảm điểm tuần này tiếp tục được nhắc đến.
- Viễn cảnh ảm đạm của thị trường tài chính toàn cầu
- IMF và Moody’s phê phán chính sách tài khóa của Anh sau khi bảng Anh lao dốc
- Giá dầu kỳ vọng phục hồi vào cuối năm do nguồn cung thắt chặt
Cổ phiếu giảm mạnh, đô la giữ giá
Trong tuần trước, thị trường tài chính toàn cầu biến động mạnh, đặc biệt là thị trường cổ phiếu, đánh dấu giao dịch trong tháng 9 và quí 3 giảm mạnh.
Tại Mỹ, thị trường cổ phiếu giảm điểm mạnh. Theo đó, chỉ số Dow Jones Industrial Average giảm 1,71%, chỉ số Nasdaq Composite giảm 1,51%, S&P 500 giảm 1,51%. Tính chung cả tuần, ba chỉ số này lần lượt giảm 2,9%, 2,7% và 2,9%, tính theo tháng thì lần lượt lao dốc 8,8%, 10,5% và 9,3%.
Như vậy, trong 9 tháng đầu năm, thị trường cổ phiếu phố Wall đã giảm 3 quí liên tiếp, ghi nhận chuỗi giảm dài nhất của Dow Jones trong bảy năm và là chuỗi giảm dài nhất đối với S&P và Nasdaq kể từ cuộc Đại suy thoái.
Không chỉ có phố Wall, thị trường cổ phiếu các quốc gia khác cũng giảm mạnh. Chỉ số chứng khoán thế giới MSCI, theo dõi cổ phiếu tại 47 quốc gia, đã giảm 0,85% vào thứ Sáu rồi, giảm khoảng 9,8% trong tháng 9 và 7,3% trong quí, theo tờ Reuters.
Một trong những mối lo ngại lớn khiến thị trường giảm điểm là do lạm phát vẫn ở mức cao. Trong tuần trước, báo cáo lạm phát tính theo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE), được Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố cho thấy lạm phát cơ bản (PCE lõi) trong tháng 8 tăng mạnh hơn dự kiến. Thêm vào đó, bài phát biểu từ quan chức Fed cũng tiếp tục nhấn mạnh tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ để kéo lạm phát xuống.
Trong khi đó, cuộc chiến tăng lãi suất ở các ngân hàng trung ương vẫn đang tiếp diễn. Trong tuần trước, Ngân hàng Trung ương Mexico (Banxico) đã tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm phần trăm lần thứ ba liên tiếp, nâng lãi suất của nước này lên 9,25%, mức cao nhất trong lịch sử trong bối cảnh quốc gia này đối mặt với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nửa đầu tháng 9 đã tăng 8,76%.
Tương tự, Ngân hàng trung ương Ấn Độ (RBI) tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản lên 5,9%, đồng thời cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế. Đây là lần tăng thứ 4 trong vòng 5 tháng qua, với nhận định triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm.
Ở thị trường tiền tệ, đồng đô la Mỹ vẫn nằm ở vùng cao nhất trong 20 năm. Chỉ số đô la tiếp tục lập đỉnh vào hôm thứ tư tuần trước, sau đó giảm khoảng 2,15% so với mức đỉnh, nhưng hiện vẫn duy trì mức cao là 112,254. Tính theo quí thì đồng đô la đã tăng gần 6,7% và tăng khoảng 16,9% kể từ đầu năm.
Sự kiện đáng chú ý trong tuần cũng hướng về nước Anh, khi Ngân hàng trung ương Anh (BOE) bất ngờ thông báo kế hoạch bán ra trái phiếu chính phủ trị giá khoảng 70 tỉ đô la, như là giải pháp tình thế nhằm ngăn chặn cơn hỗn loạn trên thị trường tài chính quốc gia này. Trước đó, Chính phủ của tân Thủ tướng Liz Truss công bố chương trình giảm thuế lớn nhất trong vòng 50 năm qua nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, dù BOE vừa tăng lãi suất cơ bản.
Theo đó, đồng bảng Anh cũng có tuần giao dịch đầy biến động, có lúc giảm về mức kỷ lục từ trước đến nay khi về 1,0684 đô la đổi lấy một bảng Anh nhưng sau đó hồi phục trở lại, hiện quanh mức 1,116.
Trên thị trường hàng hóa, vàng đã tăng lên mức cao nhất trong một tuần khi đồng đô la rút lui. Theo đó, giá vàng giao ngay tăng 0,06%, lên mức 1.661,79 đô la/ounce, ghi nhận tăng 1,4% trong tuần trước. Tuy nhiên, vàng giảm 2,94% tính theo tháng và giảm 7,7% tính quí, cũng lần giảm thứ sáu liên tiếp hàng tháng của vàng, chuỗi giảm hàng tháng dài nhất trong bốn năm.
Còn dầu thô ghi nhận sự trở lại dù trong tuần, giá dầu có lúc rớt xuống mức thấp nhất trong 9 tháng do áp lực đô la và nỗi lo suy thoái toàn cầu. Tính theo tuần, giá dầu Brent tăng 2% và giá dầu WTI tăng 1%, đánh dấu tuần tăng đầu tiên kể từ tháng 8. Giá dầu biến động một phần vì chạy theo thông tin liên quan đến nguồn cung từ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+).
Tỷ giá tiền đồng tăng, cổ phiếu cũng giảm mạnh
Trong tuần trước, thị trường tài chính của Việt Nam cũng có những biến động mạnh, đặc biệt là chứng khoán có diễn biến tương tự với thị trường thế giới.
Theo đó, áp lực bán xuất hiện ở gần như toàn bộ các nhóm ngành và càng trở nên tiêu cực hơn trong những phiên cuối tuần. Chỉ số VN-Index giảm liên tục từ đầu tuần, có lúc xuống dưới ngưỡng 1.100 điểm. Kết tuần, VN Index giảm 71,17 điểm, tương đương với 5,91% so với tuần trước, xuống mức 1.132,11.
Về góc nhìn kỹ thuật, kịch bản giảm điểm tuần này tiếp tục được nhắc đến. Theo đánh giá của Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, thị trường có thể sẽ xuất hiện các nhịp hồi phục trong những phiên giao dịch tới nhưng xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm.
Trên thị trường vàng, giá vàng bất ngờ sụt giảm mạnh hơn 2 triệu đồng mỗi lượng vào giữa tuần trước nhưng hồi phục trở lại vào cuối tuần gần như tương đương vào đầu tuần.
Kết tuần, giá vàng miếng SJC niêm yết cuối tuần phổ biến quanh mức 66,4 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra và 65,4 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào. Trong sáng nay (3-10), giá vàng trong nước tăng 100.000 đồng/lượng, giao dịch quanh mốc 66,5 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.
Ở thị trường tiền tệ cũng có những chuyển biến lớn khi thứ sáu tuần trước, Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá bán đô la tại Sở giao dịch từ mức 23.700 đồng/đô la lên mức 23.925. Như vậy, từ đầu năm đến nay, tỷ giá đã điều chỉnh tăng thêm 3,9%.
Theo nhiều chuyên gia, việc NHNN tiếp tục sử dụng công cụ tỷ giá, sau khi vừa nâng lãi suất điều hành cho thấy sức ép lớn vẫn đang duy trì. “Với bối cảnh xung đột chính trị thế giới tiếp tục leo thang, rủi ro hệ thống gia tăng, nhiều khả năng các thị trường tài chính sẽ tiếp tục quá trình định giá lại”, the báo cáo của VCBS.