Giá cước vận chuyển container lại lên mức cao kỷ lục
Trọng Nghĩa
(KTSG Online) – Giá cước vận chuyển một container hàng hóa kích thước 40 feet bằng đường biển từ Việt Nam đến châu Âu, Mỹ đã lên mức 10.500 đô la Mỹ – một con số kỷ lục. Bên cạnh đó, giá vận chuyển bằng đường hàng không tăng từ 3 đô la Mỹ/kg lên 6 đô la Mỹ/kg khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu vô cùng bức xúc.
Giá cước vận chuyển container tiếp tục tăng, doanh nghiệp xuất khẩu lại thêm khó khăn. Ảnh minh họa: Trọng Nghĩa |
Trước dịch, mỗi container hàng hóa của Công ty TNHH XNK trái cây Chánh Thu (Bến Tre) có giá vận chuyển chỉ từ 70-100 triệu đồng, thì đến hiện tại con số này đã tăng lên mức 120-140 triệu đồng. Chưa dừng lại ở đó, mặc dù giá cước vận chuyển tăng nhưng các hãng tàu lại thường xuyên ra thông báo thiếu container rỗng, hàng hóa buộc phải dời ngày xuất bến khiến chất lượng các lô hàng trái cây tươi của doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Để đảm bảo chất lượng hàng hóa, công ty này buộc phải chuyển qua vận chuyển bằng đường hàng không, tuy nhiên, cước vận chuyển của loại hình này cũng tăng đột biến ở thời điểm hiện tại.
Bà Ngô Tường Vi, Phó giám đốc Công ty TNHH XNK trái cây Chánh Thu, cho biết bình thường cước phí vận chuyển bằng đường hàng không chỉ khoảng 3 đô la Mỹ/kg thì nay đã tăng lên khoảng 6,3 đô la Mỹ/kg, giá cước này gấp đôi so với giá trị đơn hàng. “Đối tác nhập khẩu là bên chịu chi phí vận chuyển, do đó họ cũng sẽ e dè đặt những đơn hàng mới. Và chúng tôi cũng chỉ báo giá từng thời điểm cụ thể chứ không nhận những đơn hàng dài hơi như trước”, bà Vi nói.
Theo các chuyên gia trong ngành logistics, những đợt bùng phát dịch bệnh gần đây đã khiến giá cước vận chuyển tiếp tục tăng lên những mốc mới. Đại dịch khiến các biện pháp đi lại tại nhiều khu vực bị hạn chế, thời gian vận chuyển dài hơn khiến lưu lượng container về cảng thiếu hụt, dẫn đến giá cước vận chuyển đường biển tăng vọt.
Với kênh vận chuyển bằng hàng không, số lượng chuyến bay quốc tế giảm mạnh kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Các công ty vận tải hàng không tận dụng không gian trên các chuyến bay chở khách để vận chuyển hàng hóa, tuy nhiên số lượng các chuyến bay chở khách trong thời gian qua giảm mạnh khiến khối lượng vận chuyển cũng sụt giảm theo. Việc thiếu không gian chứa hàng là nguyên nhân khiến giá cước vận chuyển hàng hóa bằng phương thức này cũng tăng mạnh.
Theo ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA), giá cước vận chuyển container tiếp tục tăng khiến doanh nghiệp thêm khó khăn. Vào tháng trước, giá cước vận chuyển một container hàng hóa kích thước 40 feet bằng đường biển từ Việt Nam đến châu Âu, Mỹ lên mức 10.000 đô la đã khiến doanh nghiệp lao đao và phải tìm cách thích ứng. Hiện tại, các hãng tàu lại tiếp tục vịn vào lý do thiếu container rỗng dẫn đến việc vận chuyển gặp khó để tiếp tục nâng cước phí lên mức 10.500 đô la/container loại 40 feet.
Thông thường, chi phí logistics nói chung chỉ chiếm rất ít giá trị hàng hóa một kiện hàng chứa trong container, ví dụ đối với mặt hàng điện tử, chi phí logistics chỉ chiếm 6-7%, cao nhất là các mặt hàng thuộc lĩnh vực nông nghiệp, chiếm 15-20%; riêng chi phí vận chuyển từ cảng đến nơi nhập khẩu chỉ chiếm 5-10% giá trị chuyến hàng. Ở thời điểm hiện tại, chi phí vận chuyển từ cảng đến nơi nhập khẩu đã bằng hoặc cao hơn so với giá trị đơn hàng, việc này chỉ có đơn vị vận chuyển có lợi, còn doanh nghiệp xuất khẩu là đối tượng chịu thiệt thòi nhiều nhất.
Theo ông Hiệp, trong thời gian tới, VLA sẽ gửi văn bản phản hồi đến các hãng tàu về vấn đề tăng giá cước đang tiếp diễn. Bên cạnh đó, Hiệp hội Logistics Việt Nam cũng sẽ gửi văn bản kiến nghị Chính phủ có những động thái, giải pháp nhằm giảm thiểu tác động của việc tăng cước phí vận chuyển container đến hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam.
Các chuyên gia trong ngành logistics cho rằng các doanh nghiệp container và hãng tàu vận tải biển có mối quan hệ hữu cơ, do đó các hãng tàu nước ngoài được tạo điều kiện kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam phải có trách nhiệm chia sẻ và đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam.
Trong thời gian vừa qua, cơ quan quản lý nhà nước về hàng hải đã đề nghị các hãng tàu thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Cục Hàng hải Việt Nam về việc thực hiện niêm yết giá theo Nghị định số 146/2016/NĐ-CP. Đồng thời, công khai, minh bạch về giá cước vận chuyển container và thực hiện việc tăng giá theo đúng quy định của pháp luật; có biện pháp kiểm tra, giám sát các bộ phận điều hành không để các cá nhân lợi dụng tình hình hiện nay của thị trường để trục lợi, chào giá bất hợp lý gây khó khăn cho các chủ hàng và gây rối thị trường vận tải biển.
Bên cạnh việc kêu gọi các hãng tàu vận tải biển đồng hành cùng doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam trong giai đoạn khó khăn hiện nay do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Cục Hàng hải Việt Nam cũng đã phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra trực tiếp tại các hãng tàu và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm các quy định của pháp luật…
Theo dữ liệu từ Drewry Shipping, chi phí để vận chuyển một container hàng hóa kích thước 40 feet bằng đường biển từ Thượng Hải (Trung Quốc) tới Rotterdam (Hà Lan) hiện đã chạm mức cao kỷ lục 10.522 đô la Mỹ, tăng 547% so với mức trung bình 5 năm gần đây. Cước phí vận chuyển từ Thượng Hải (Trung Quốc) đến New York (Mỹ) tăng 692 đô la Mỹ, lên mức 8.251 đô la Mỹ cho một container 40 feet. Báo cáo mới của Drewry World Container Index cũng cho thấy giá cước vận chuyển sẽ còn tăng lên trong thời gian tới. |