(KTSG Online) – Trong tuần này, giá cước vận chuyển container từ châu Á đến Mỹ giảm khá mạnh. Đó là bằng chứng mới nhất cho thấy chi phí vận tải biển bắt đầu hạ nhiệt rõ rệt.
- Đỉnh điểm của đợt tăng giá cước vận tải biển
- Doanh nghiệp xuất khẩu căng thẳng với cước vận tải biển
Cả ba chỉ số quan trọng theo dõi giá cước vận tải biển toàn cầu đều ghi nhận mức giảm rõ rệt ở các tuyến thương mại kết nối châu Á với Mỹ.
Theo chỉ số WCI của hãng tư vấn Drewry, hôm 25-7, giá cước vận chuyển 1 container 40 foot (TEU) từ Thượng Hải (Trung Quốc) đến Los Angeles (Mỹ) giảm còn 6.934 đô la Mỹ, thấp hơn 5% so với trước đó một tuần. Chỉ số XSI của nhà cung cấp dữ liệu vận tải biển Xeneta ghi nhận mức giảm hàng tuần 6% xuống còn 7.322 đô la (TEU) ở tuyến thương mại châu Á – Bờ Tây của Mỹ. Chỉ số FBX của nền tảng đặt chỗ và thanh toán cho dịch vụ vận chuyển quốc tế Freightos cho thấy, giá cước ở tuyến châu Á-Bắc Mỹ giảm 4% trong tuần qua, xuống còn 7.738 đô la/TEU.
Theo nhà phân tích Ben Nolan của ngân hàng Stifel, nhận định, sự sụt giảm giá cước ở các tuyến thương mại từ châu Á sang Mỹ trong tuần qua có thể là dấu hiệu đầu tiên cho thấy một sự thay đổi lớn trên thị trường.
Trong khi đó, giá cước trên tuyến châu Á-Bắc Âu không thay đổi hoặc giảm nhẹ. Tuyến thương mại Thượng Hải-Genoa (Ý) trong chỉ số WCI chứng kiến giá cước giao ngay giảm 1% trong tuần qua, xuống còn 7.645 đô la / TEU. Giá cước trên tuyến thương mại châu Á-Địa Trung Hải của chỉ số FBX giảm 3% so với tuần trước, xuống còn 7.508 đô la / TEU.
Các nguồn tin giao nhận của tuyến Á-Âu xác nhận, trong 2 tuần qua, chỗ trống trên các tàu container có sẵn nhiều hơn, giúp các chủ hàng dễ dàng đặt chỗ. Điều này báo hiệu nhu cầu đã bắt đầu suy yếu hoặc việc bổ sung công suất vận chuyển container cới quy mô lớn kể từ đầu năm cuối cùng cũng bắt đầu có tác động.
“Việc đặt chỗ trên tàu container đã trở nên dễ dàng hơn trong 2 tuần qua”, một nhà giao nhận nói.
Theo nhà cung cấp dữ liệu vận tải biển Alphaliner, mọi hãng vận tải biển lớn, ngoại trừ Yang Ming (Đài Loan) đều tăng công suất trong nửa đầu năm. Trong đó, hãng vận tải biển lớn nhất thế giới là MSC (Thụy Sĩ) dẫn đầu với việc bổ sung công suất thêm 400.000 TEU cho đội tàu kể từ tháng 1. Hiện tại, tổng công suất vận chuyển của đội tàu MSC là hơn 6 triệu TEU.
Sắp tới, công suất vận chuyển container của các hãng này sẽ tiếp tục tăng. MSC và CMA CGM (Pháp) sẽ nhận bàn giao các tàu mới có tổng công suất khoảng 1,2 triệu TEU trong năm nay và năm tới. Alphaliner dự báo, CMA CGM có khả năng sẽ vượt qua Maersk của Đan Mạch để trở thành hãng vận tải biển lớn thứ hai trong vòng 2-3 năm tới.
Sau 3 tháng tăng liên tiếp, giá cước vận chuyển container giao ngay bắt đầu giảm, ảnh ảnh hưởng đến thị trường thuê tàu. Trong tuần này, báo cáo của Hiệp hội các nhà môi giới tàu biển Hamburg và Bremen (VHBS), lưu ý các hãng vận tải ngày càng thận trọng trong đàm phán thuê tàu với chủ sở hữu.
“Sự thận trọng này là chính đáng, vì giá cước giao ngay đang suy yếu. Chỉ số cước xuất khẩu container Thượng Hải (SCFI) đã giảm hai tuần liên tiếp sau 13 tuần tăng liên tục. Việc các hãng tàu tiếp tục bổ sung công suất mới đang dần làm xói mòn các yếu tố cơ bản mạnh mẽ hiện tại của thị trường”, Alexander Geisler, Giám đốc VHBS viết trong báo cáo.
Ông cho biết thêm, với các tàu mới có công suất hơn 1,3 triệu TEU tàu giao vào cuối năm nay và thêm 2 triệu TEU công suất mới bổ sung trong năm 2025, các hãng vận tải biển có thể đối mặt thời kỳ khó khăn ở phía trước.
Chỉ số WCI của Drewry cho thấy, giá cước trung bình của 8 tuyến thương mại chính trên toàn cầu giảm 2% trong tuần qua, xuống 5.086 đô la/TEU. Tuy nhiên, mức giá này vẫn cao hơn 268% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá cước vận tải biển tăng mạnh trong năm nay do gián đoạn hàng hải ở Biển Đỏ kết hợp với nhu cầu tăng mạnh gần đây do các nhà bán lẻ phương Tây vận chuyển hàng sớm để chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm. Vì vậy, khi nhu cầu này suy yếu, giá cước sẽ chịu áp lực giảm ngay cả khi cẳng thẳng ở Biển Đỏ không hạ nhiệt do một lượng tàu mới sắp được bàn giao.
Theo The Load Star, Lloyd's List