(KTSG) - Cuộc đấu giá các lô đất ở Thủ Thiêm, trong đó lô có giá cao nhất đạt mức kỷ lục 2,4 tỉ đồng mỗi mét vuông, vẫn còn để lại nhiều băn khoăn, nghi ngại và cả lo lắng. Cuối tuần trước Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, tại buổi họp mặt kỷ niệm 35 năm thành lập Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến TPHCM, cho biết đã báo cáo Chính phủ để các cơ quan trung ương cùng phân tích nhận diện (hệ quả từ) cuộc đấu giá này.
Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đánh giá cụ thể tác động của kết quả đấu giá quyền sử dụng đất, đặc biệt là các trường hợp có kết quả đấu giá cao bất thường. Nếu có tác động tiêu cực, các cơ quan này cần đề xuất các giải pháp để hạn chế.
Cho đến nay các chuyên gia địa ốc và tài chính đều đã có những phân tích hệ lụy của việc đẩy giá đất lên cao qua đấu giá, như lo ngại thị trường địa ốc bị cuốn vào một đợt sốt giá mới, rủi ro cho ngành ngân hàng khi đất giá cao sẽ được sử dụng làm vật thế chấp cho những khoản vay bấp bênh, dòng vốn của nền kinh tế không chảy vào sản xuất mà được rót sang địa ốc, tạo ra những bong bóng tài sản mới.
Chưa biết mức độ đúng sai của các phân tích về độ rủi ro cho ngân hàng hay về dòng chảy của đồng vốn, nhưng trong thực tế cuộc đấu giá đã là một trong nhiều yếu tố góp phần làm giá đất đai ở TPHCM nói riêng và nhiều khu đô thị khác trong cả nước tăng lên vùn vụt. Cho dù giá trúng đấu giá đâu thể một sớm một chiều trở thành giá tham chiếu cho cả thị trường, ít nhất trong toan tính của những người đang nắm trong tay quỹ đất sẽ là áp dụng một mức giá mới. Và đó chính là điều đáng lo ngại nhất cho nền kinh tế.
Trong các chi phí duy trì hoạt động của một doanh nghiệp, dù trong lĩnh vực sản xuất hay dịch vụ, giá đất hay nói chung là giá sử dụng mặt bằng luôn chiếm một tỷ trọng đáng kể. Nếu giá sử dụng mặt bằng tăng lên, ngay lập tức tính cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng. Bằng không doanh nghiệp sẽ phải giảm những khoản chi khác, từ lương thưởng cho công nhân, nhân viên đến những khoản chi cải thiện môi trường làm việc…
Nhìn rộng ra, sốt đất đai không chỉ tước đi cơ hội sở hữu nhà ở với người dân bình thường, nó còn làm giảm năng lực cạnh tranh của quốc gia, dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng phải cân nhắc lại chi phí, lợi thế chi phí nhân công thấp sẽ bị bất lợi giá đất cao vô hiệu hết. Cứ từ bảng cân đối kế toán của một nhà hàng ở mặt tiền một khu đô thị, trong đó chi phí thuê mặt bằng cao hơn chi phí trả lương cho nhân viên gấp nhiều lần, mới thấy biết bao phần trăm lợi nhuận làm ra đều chảy về người sở hữu nhà đất.
Nếu các món ăn của nhà hàng nói trên phải gánh một phần chi phí thuê mặt bằng thì tương tự, các mặt hàng xuất khẩu của một đất nước có giá địa ốc trên trời sẽ phải chia gánh nặng giá đất cao đó. Thử hỏi làm sao cải thiện tiền lương của công nhân trong điều kiện như thế; biết bao cải tiến về năng suất, về công nghệ… có thể bị vô hiệu hóa bởi giá đất. Chính vì vậy các khoản lợi cho ngân sách từ các cuộc đấu giá có giá cao bất thường chưa chắc đã bù đắp hết các thiệt hại cho tính cạnh tranh của địa phương hay nói chung cho cả nước do giá đất bị đẩy lên quá cao gây ra. Đây là hệ quả cần tính đến khi nói đến mức giá bất thường trong các cuộc đấu giá tương lai.