Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giá dầu cao: nỗi lo của Trung Quốc và Ấn Độ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giá dầu cao: nỗi lo của Trung Quốc và Ấn Độ

Thanh Tuyền

Giá dầu cao là nỗi nỗi lo của cả Trung Quốc và Ấn Độ. Ảnh: TL

(TBKTSG Online) – Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều lo lắng về tác động của giá dầu cao đối với sự tăng trưởng ổn định của hai nước. Giá dầu bắt đầu tăng từ năm 2010, trước khi các vấn đề bất ổn tại Trung Đông và Bắc Phi xảy ra, khi kinh tế thế giới dần phục hồi từ khủng hoảng.

Ba tháng đầu năm 2011, giá dầu trên đà tăng mạnh do gián đoạn nguồn cung từ Ai Cập và Lybia. Mặc dù Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã gia tăng sản lượng nhưng nỗi lo về lạm phát vẫn khiến giá dầu tăng mạnh hơn nữa. Tin tức về cái chết của trùm khủng bố Osama bin Laden vừa qua đã phần nào làm hạ nhiệt giá dầu trong thời gian ngắn nhưng sau đó, giá dầu đã tăng trở lại.

Trong báo cáo mới nhất về triển vọng kinh tế thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán giá dầu toàn cầu sẽ tăng hơn 35% trong năm 2011. Từ khoảng 70 đô la Mỹ/thùng vào thời điểm này của năm ngoái, giá dầu đã tăng lên 125 đô la Mỹ/thùng vào cuối tháng 4-2011, sau đó giảm xuống 115 đô la Mỹ/thùng do tin tức về cái chết của Osama bin Laden. Nhưng đó cũng chỉ là xu hướng ngắn hạn. Giá dầu cao làm người ta lo lắng về khả năng tái hiện viễn cảnh năm 2008, giá dầu gần chạm mức 150 đô la Mỹ/thùng vài tháng trước khi Lehmann Brothers sụp đổ và khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra.

Đối với Trung Quốc và Ấn Độ, với tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và hoạt động kinh tế đã phục hồi gần mức trước khủng hoảng, giá dầu cao sẽ gây ra những rủi ro tiềm ẩn đối với tăng trưởng. Là hai nước dẫn đầu thế giới về nhập khẩu và tiêu thụ dầu, nhu cầu dầu tại hai nước này rất lớn. Khi tiếp tục mua dầu với giá cao, họ sẽ thấy được tác động của nó đến cân bằng các khoản thanh toán, lạm phát và tăng trưởng GDP. Nhập khẩu dầu cao hơn sẽ làm giảm thặng dư thương mại.

Ấn Độ và Trung Quốc cũng lo lắng về tác động của giá dầu đến mức lạm phát trong nước. Giá dầu thô cao sẽ dẫn đến giá xăng, khí lỏng, dầu diesel và nhiên liệu hàng không cao hơn. Kết quả là giá sản xuất và tiêu dùng sẽ cao hơn trong tất cả hoạt động liên quan đến năng lượng trong nước.

Hiện nay, lạm phát tại hai nước đều đang ở mức cao. Giá tiêu dùng của Trung Quốc đã tăng 5,3% trong tháng 4-2011 so cùng kỳ năm ngoái. Giá trong nước tăng hơn nữa sẽ gây khó khăn cho nhóm người có thu nhập thấp và trung bình. Trong khi đó, Ấn Độ đã tăng lãi suất để giải quyết vấn đề giá cả. Tuy nhiên, lãi suất cao có thể không khuyến khích đầu tư và làm suy giảm tăng trưởng. Theo IMF, giá dầu thô lên đến 150 đô la Mỹ/thùng có thể làm giảm từ 0,5 – 0,75% tăng trưởng GDP năm 2011 của Trung Quốc và khoảng 0,25% tại Ấn Độ.

Ngoài ra, việc thiếu nguồn cung tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ khiến Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục phụ thuộc vào dầu mỏ từ Bắc Phi và Trung Đông. Sự phụ thuộc này làm tăng khả năng dễ tổn thương của nền kinh tế hai nước khi nguồn cung từ vùng vịnh Ba Tư gián đoạn và tác động đến giá dầu.

Một lựa chọn cho cả hai nước để có thể giảm sự phụ thuộc này là thay đổi nhà cung cấp dầu và năng lượng. Nga có thể là một trong những nhà cung cấp. Châu Âu đang cố gắng giảm sự phụ thuộc vào Trung Đông do mua thêm dầu từ Nga. Trung Quốc và Ấn Độ cũng vậy, Nga có thể là giải pháp thay thế khả thi vì Trung Quốc, Ấn Độ và Nga là thành viên của nhóm BRIC và đã hợp tác với nhau trong một số vấn đề.

Lựa chọn thứ hai để giảm thiểu tác hại gây ra bởi giá dầu cao là phối hợp mua dầu thô từ thị trường quốc tế. Cả hai nước đã thảo luận khả năng phối hợp mua dầu thô trong chuyến thăm của Thủ tướng Ôn Gia Bảo tới Ấn Độ vào tháng 12-2010. Hiệu quả của việc phối hợp mua dầu sẽ giúp cả hai tránh biến động bất thường về giá cả.

Lựa chọn thứ ba là ký nhiều hợp đồng hơn với các nhà cung cấp để mua dầu thô trong tương lai với mức giá đã đồng ý trước đó. Nhưng với giá dầu thô cao như hiện nay, giá giao hàng trong hợp đồng có thể cũng sẽ cao. Đây là nơi kỹ năng đàm phán của các công ty dầu hai nước sẽ được thử thách khi cố gắng đảm bảo hợp đồng kỳ hạn thuận lợi.

(Theo Chinadaily)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới