Thứ tư, 2/04/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Giá dầu được dự báo cán mốc 100 đô la/thùng trong năm 2022

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Nhu cầu tăng cao, lo ngại về biến thể Omicron dần lắng xuống và việc liên minh OPEC+ không thể tăng sản lượng như kỳ vọng đã củng cố các dự báo cho rằng giá dầu trên thị trường quốc tế sẽ cán mốc 100 đô la/thùng, thậm chí vượt mốc này trong năm Nhâm Dần 2022.

Các ngân hàng đầu tư lớn nhất toàn cầu dự báo giá dầu sẽ cán mốc 100 đô la/thùng trong năm nay. Ảnh: Forbes

Giá dầu Brent ở thị trường London (Anh), đã tăng 26% lên sát 90 đô la/thùng kể từ cuối tháng 11. Một số nhà phân tích cho rằng câu hỏi đặt ra lúc này là bao lâu nữa giá dầu Brent sẽ cán mốc 100 đô la/thùng, chứ không phải liệu chỉ số giá dầu thô chuẩn toàn cầu này có đạt ngưỡng ba con số hay không? Giá dầu chưa bao giờ trở lại mốc này kể từ năm 2014.

Hồi giữa tháng 1, các nhà phân tích ở Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs cho nhận định giá dầu Brent đạt 100 đô la/thùng trong quí 3 năm nay khi nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh. Trong khi đó, các nhà phân tích ở Ngân hàng đầu tư JP Morgan dự báo giá dầu có thể tăng lên mức 125 đô la trong năm nay và 150 đô la/thùng trong năm 2023.

Còn theo Ngân hàng Bank of America, giá dầu Tây Texas (WTI) ở Mỹ và giá dầu Brent sẽ lần lượt cán mốc 117 đô la và 120 đô la/thùng vào tháng 7-2022.

Dù thận trọng hơn nhưng Ngân hàng Morgan Stanley cũng nhận định giá dầu Brent sẽ đạt mức 100 đô la, còn giá dầu Tây Texas (WTI) ở Mỹ sẽ đạt mức 97,5 đô la trong mùa hè sắp tới.

Tuy nhiên, giá dầu vượt ngưỡng 100 đô la không phải là viễn cảnh chắc chắn. Sản lượng dầu đá phiến của Mỹ đang trỗi dậy và có khả năng kìm hãm đà tăng của giá dầu. Trong khi đó, mọi ánh mắt đang đổ dồn vào Trung Quốc để xem liệu biến thể Omicron có thể phá vỡ hệ thống phòng thủ nghiêm ngặt của Covid-19 của nước này.

Nhu cầu tăng mạnh đúng lúc nguồn cung dự phòng giảm

Thị trường dầu hiện nay tiếp tục phục hồi mạnh mẽ sau khi chững lại do biến thể Omicron xuất hiện vào cuối tháng 11 năm ngoái, đẩy giá Brent giảm xuống dưới 70 đô la/thùng vì giới đầu tư bị ám ảnh với ký ức về biến thể Delta. Tác động tương đối nhẹ nhàng của biến thể này cộng với tỷ lệ tiêm chủng cao ở hầu hết các nước phát triển và xu hướng tránh áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt đã giúp nhu cầu tiêu thụ dầu không bị tác động quá lớn.

Dự trữ dầu nhiên liệu (gasoil), một sản phẩm chưng cất trung bình được sử dụng cho nhiên liệu diesel, ở trung tâm năng lượng châu Á, Singapore, đã giảm về mức thấp nhất kể từ năm 2013.

Thế giới đang thiếu dầu diesel, và ngay cả nhiên liệu máy bay khi du lịch hàng không đường dài bắt đầu phục hồi. Đà tăng trưởng mạnh mẽ của nhu cầu dầu khó bị đảo ngược trừ phi một đợt bùng phát dịch lớn xảy ra ở Trung Quốc hoặc một biến thể đáng sợ hơn của virus SARS-CoV-2 sẽ xuất hiện.

Theo Công ty phân tích thị trường năng lượng Kayrros, dự trữ dầu thô toàn cầu cuối cùng đã giảm về mức trước đại dịch vào đầu tháng 1, chủ yếu do các đợt xuất dầu bán lớn của Trung Quốc và Mỹ, nơi các kho dự trữ dầu thô đã giảm về mức thấp nhất kể từ cuối năm 2018.

Mới đây, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo công suất dầu dự phòng toàn cầu sẽ giảm 50%, về mức 2,6 triệu thùng/ngày vào nửa cuối năm nay. Một số nhà phân tích cảnh báo đến giữa năm 2022, công suất dầu dự phòng toàn cầu sẽ suy kiệt giống như năm 2008 khi giá dầu Brent tương lai đạt mức cao nhất trong lịch sử, hơn 147 đô la/thùng.

Tình trạng nguồn cung thắt chặt đã đẩy cấu trúc thị trường dầu rơi vào hiện tượng giá nghịch đảo (backwardation) khi các hợp đồng dầu ở các kỳ hạn gần đắt hơn các hợp đồng có thời hạn dài hơn, làm giảm động cơ tích trữ dầu thô để bán sau này.

Amrita Sen, Giám đốc phân tích dầu mỏ tại Công ty tư vấn Energy Aspec, nói: “Khi bạn có vùng đệm dự trữ, những sự cố gián đoạn nguồn cung dầu như những gì chúng ta đã thấy trong tháng 12 và tháng 1 gây tác động ít hơn rất nhiều. Nhưng chúng ta không có điều xa xỉ đó”. 

OPEC+ chật vật bơm thêm dầu

Liên minh OPEC+, một nhóm bao gồm các nước của Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đứng đầu là Saudi Arabia cùng các đồng minh ngoài OPEC do Nga dẫn đầu, đã nỗ lực phục hồi sản lượng 400.000 thùng/ngày trong mỗi tháng kể từ tháng 8 năm ngoái.

Nhưng trong thực tế, liên minh này không thể thể đạt được mục tiêu đó. Đặc biệt, các thành viên OPEC ở châu Phi như Libya và Nigeria đang phải vật lộn để tăng sản lượng, khiến OPEC chỉ bổ sung vỏn vẹn 90.000 thùng/ngày trong tháng 12 năm ngoái. Ngay cả Nga cũng cho biết trong sáu tháng tới, nước này chỉ có thể cung cấp khoảng một nửa hạn ngạch sản lượng mà nước này được phép tăng.

Những vấn đề về nguồn cung đó được coi là nguyên nhân cơ bản có thể đẩy giá dầu tiến tới mốc 100 đô la/thùng. Tuy nhiên, Iran có thể là một ẩn số tạo bất ngờ, nếu các cuộc đàm phán hạt nhân của nước này với Mỹ có kết quả, mở ra cơ hội để nước này nối lại xuất khẩu dầu thô. Nhưng tác động nguồn cung tăng thêm từ Iran có lẽ sẽ không quá lớn vì trong thời gian qua, Iran cũng như Venezuela vẫn tìm cách cung cấp dầu cho Trung Quốc bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Liệu ngành dầu đá phiến của Mỹ có tăng sản lượng?

Dù sản lượng dầu đá phiến của Mỹ đang tăng nhưng vẫn chưa đủ để làm dịu đà tăng giá dầu. Nguồn cung từ lưu vực Permian – khu vực khai thác dầu đá phiến lớn nhất của Mỹ, nằm giữa bang Texas và New Mexico, đã tăng lên mức kỷ lục trong tháng 12. Với lợi thế chi phí sản xuất thấp, dầu đá phiến ở Permian trở nên hấp dẫn đối với những công ty khai thác dầu đá phiến lớn nhất nước Mỹ. Tuy nhiên, chi phí sản xuất cao hơn ở các khu vực khác và những khó khăn trong chuỗi cung ứng cho đến nay kìm hãm tốc độ tăng trưởng của ngành dầu đá phiến của Mỹ.

Số lượng giàn khoan dầu đang hoạt động ở Mỹ đã tăng trở lại lên con số gần 500 từ mức dưới 200 vào nửa cuối năm 2020, theo dữ liệu từ Baker Hughes, nhưng vẫn thấp hơn con số 700 vào tháng 3 năm đó.

Cổ phiếu của các công ty năng lượng Mỹ tăng mạnh khi dầu tăng giá, nhưng câu hỏi lớn là liệu các nhà khoan dầu đá phiến có sẵn sàng đầu tư thêm tiền để thúc đẩy sản xuất trong năm nay hay không. Giới phân tích cho rằng họ sẽ duy trì giữ kỷ luật tài chính để tiếp tục được hưởng lợi nhờ giá dầu cao hiện nay, chứ không mạo hiểm tăng mạnh sản lượng để rồi khiến giá dầu suy sụp vì nguồn cung dồi dào.

Tình hình dịch bệnh khó đoán ở Trung Quốc

Cho đến nay, chính sách “zero-Covid” của Trung Quốc bao gồm các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt đã thành công trong việc ngăn chặn các cơn bùng phát dịch rộng hơn, làm ảnh hưởng lớn đến nhu cầu ở nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới này. Nhưng với tốc độ lây lan nhanh của biến thể Omicron, cách tiếp cận này sẽ bị thử thách trong kỳ lễ Tết Nguyên đán của năm Nhâm Dần này, khi nhiều người lao động ở các thành phố trở về thăm quê hương theo truyền thống, cũng như Thế vận hội mùa đông được tổ chức ở Bắc Kinh và khu vực lân cận từ ngày 4 đến 20-2.

Tổ chức tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group đã xếp hạng sự thất bại tiềm tàng của chiến lược “zero Covid” là nguy cơ chính trị toàn cầu hàng đầu trong năm 2022.

Rủi ro dịch bùng phát mạnh ở Trung Quốc và ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và nhu cầu năng lượng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là yếu tố khó đoán và sẽ được theo dõi sát sao nhất trên thị trường dầu trong vài tháng tới.

Theo Bloomberg, Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới