Thứ ba, 24/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Giá dầu lên mức cao nhất trong năm, hướng tới ngưỡng 100 đô la/thùng

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Giá dầu thô trên thị trường quốc tế leo lên mức cao nhất trong năm 2023 do nguồn cung thắt chặt sau khi Saudi Arabia và Nga gia hạn cắt giảm sản xuất. Lũ lụt thảm khốc, khiến hàng nghìn người thiệt mạng ở Libya, thành viên của OPEC, cũng làm dấy lên lo ngại hoạt động khai thác dầu của nước này bị gián đoạn. Một số phân tích dự báo, giá dầu có thể quay trở lại ngưỡng 100 đô la/thùng trước cuối năm.

Cả hợp đồng tương lai của dầu Brent và WTI đều đang giao dịch ở mức giá cao nhất trong năm 2023. Ảnh: Economic Times

Trong phiên giao dịch sáng 15-9, giá dầu Brent ở thị trường London giao dịch ở mức 93,9 đô la/thùng, tăng 0,2%. Giá dầu Tây Texas (WTI) ở New York giao dịch ở mức 90,41 đô la/thùng, tăng 0,3%.

Giá dầu tăng khi thị trường đón nhận dữ liệu kinh tế tích cực của Trung Quốc. Theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng nhanh hơn dự báo trong tháng 8,

Cùng ngày, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) thông báo cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng 0,25 điểm phần trăm, xuống 7,4%, qua đó bổ sung tính thanh khoản cho hệ thống tài chính.

Vào lúc thị trường đóng cửa trong phiên giao dịch hôm trước, cả hai hợp đồng tương lai của Brent và WTI đều chốt ở mức giá cao nhất trong năm 2023.

Giá tăng diễn ra trong bối cảnh nguồn cung ngày càng thắt chặt sau khi Saudi Arbia và Nga gia hạn cắt giảm nguồn cung dầu của họ cho đến cuối năm nay. Động thái nhằm buộc các nước phải trích xuất dầu dự trữ ra thị trường.

Hồi đầu tháng 9, Saudi Arabia cho biết gia hạn cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm. Cùng lúc đó, Nga cũng cam kết giảm xuất khẩu dầu 300.000 thùng/ngày trong những tháng còn lại của năm 2023.

Ngoài ra, lũ lụt thảm khốc, khiến ít nhất 5.000 chết ở Libya, thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), cũng làm dấy lên lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung dầu từ nước này.

Andy Lipow, Chủ tịch Công ty tư vấn Lipow Oil Associates, nói: “Nếu toàn bộ nguồn cung ở Libya bị rút khỏi thị trường trong một thời gian dài, điều đó sẽ đẩy giá dầu lên cao hơn”.

Libya, nhà cung cấp chính cho châu Âu, sản xuất khoảng 1 triệu thùng dầu mỗi ngày, theo OPEC.

Các nhà phân tích tại Bank of America dự báo giá dầu có thể sớm tăng vượt mức ba con số.

“Nếu OPEC+ duy trì việc cắt giảm nguồn cung liên tục cho đến cuối năm trong bối cảnh nhu cầu tích cực của châu Á, chúng tôi tin rằng giá Brent có thể tăng vượt 100 đô la/thùng trước năm 2024”, họ viết trong một báo cáo trong tuần này. OPEC+ là liên minh của OPEC và các đối tác bên ngoài do Nga dẫn đầu.

Tamas Varga, nhà phân tích của Công ty môi giới dầu mỏ PVM, nhận định giá dầu nhảy vọt tới cột mốc 100 đô la là “điều hợp lý”, do động thái hạn chế nguồn cung của Saudi Arabia và Nga, sự thiếu hụt dầu diesel ở châu Âu và sự đồng thuận ngày càng tăng rằng chu kỳ thắt chặt tiền tệ hiện tại sẽ sớm kết thúc.

Ông cảnh báo, giá dầu tăng sẽ gây áp lực mới cho lạm phát. Ông cho biết, điều này đã được phản ánh trong dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tuần này với giá xăng cao là yếu tố lớn nhất thúc đẩy CPI tăng mạnh hơn dự kiến.

Theo Hiệp hội Ô tô Mỹ (AAA), giá xăng loại thường trung bình trên toàn quốc tăng lên 3,86 đô la/gallon (3,78 lít) vào hôm 14-9, cao hơn thứ 6 cent so với tuần trước và cao hơn 16 cent so với cùng ngày năm ngoái.

Tuy nhiên, Varga lập luận, nếu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) buộc phải duy trì lãi suất ở mức cao hơn trong thời gian dài để chống lạm phát điều này có tác động tiêu cực đến cả tăng trưởng kinh tế và nhu cầu dầu mỏ.

“Vì lý do này, tôi tin rằng bất kỳ mức tăng vọt nào lên tới 100 đô la của giá dầu sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn”, ông nói.

Hôm 13-9, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cảnh báo các hạn chế sản xuất của Saudi Arabia và Nga có thể sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung đáng kể thị trên thị trường trong quí 4 tới.

Christyan Malek, người đứng đầu chiến lược năng lượng toàn cầu của Ngân hàng JPMorgan, cho rằng giá dầu Brent có thể giao dịch trong khoảng từ 80-100 đô la/thùng trong ngắn hạn và khoảng 80 đô la trong dài hạn.

Theo Malek, chính phủ Mỹ dường như có rất ít giải pháp nếu nước này cố gắng đẩy giá dầu và xăng xuống thấp hơn trước cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới.

Tuy nhiên, không phải ai cũng tin giá dầu sắp quay trở lại mức 100 đô la. Ole Hansen, người đứng đầu chiến lược hàng hóa của Ngân hàng Saxo, cho rằng dầu thô đang bị mua quá mức trong ngắn hạn và cần phải điều chỉnh giảm.

“Chúng tôi không thuộc nhóm dự báo giá dầu lên 100 đô la/thùng nhưng sẽ không loại trừ giá dầu Brent có thể giao dịch trên 90 đô la/thùng một khoảng thời gian tương đối ngắn”, Hansen viết trong một báo cáo nghiên cứu phát hành hôm 8-9.

Theo CNBC, CNN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới