(KTSG Online) - Giá dầu thô tại thị trường New York tăng lên mức cao nhất trong 7 năm qua sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bên ngoài OPEC do Nga dẫn đầu (hay còn gọi là liên minh OPEC+) quyết định giữ nguyên thỏa thuận tăng thêm sản lượng dầu 400.000 thùng/ngày mà tổ chức này đã đạt được hồi tháng 7.
- OPEC dự báo nhu cầu dầu toàn cầu còn tăng mạnh trong những năm tới
- Lo giá dầu cao đe dọa kinh tế toàn cầu, Mỹ hối thúc OPEC + tăng sản lượng
Giá dầu thô trên thị trường đã tăng hơn 50% trong năm nay và nguồn cung không theo kịp nhu cầu đang phục hồi mạnh. Trước tình hình đó, các nước tiêu thụ dầu nhiều như Mỹ và Ấn Độ đã hối thúc OPEC+ tăng thêm sản lượng. Tuy nhiên, sau cuộc họp cấp bộ trưởng hôm 04-10, OPEC+ đã thông báo tăng sản lượng dầu 400.000 thùng/ngày trong tháng 11 tới.
Điều này có nghĩa là liên minh này vẫn giữ nguyên thỏa thuận đạt được trong tháng 7 về việc tăng sản lượng cho đến ít nhất là tháng 4-2022 để khôi phục dần 5,8 triệu thùng còn lại trong thỏa thuận cắt giảm sản lượng kỷ lục hơn 9 triệu thùng/ngày vào tháng 5 năm ngoái.
Theo đó, giới đầu tư lo ngại mức tăng đó không đủ để đáp ứng nhu cầu. Rob Thummel, nhà quản lý danh mục đầu tư ở Tortoise, công ty đang quản lý các tài sản năng lượng trị giá 8 tỉ đô la, cho biết trước cuộc họp của OPEC+, thị trường tin tưởng liên minh này sẽ tạm thời tăng sản lượng thêm 800.000 thùng/ngày trong tháng 11 để giải tỏa căng thẳng nguồn cung.
Phản ứng trước quyết định của OPEC+, giá dầu Tây Texas trên thị trường New York tháng 11 tăng 2,3% lên mức 77,62 đô la thùng, mức cao nhất kể từ tháng 11-2014. Trong khi đó, giá dầu Brent cũng tăng gần 3%, lên mức 81,56 đô la/thùng, cao nhất trong 3 năm qua.
“Giá dầu đang ở mức cao nhất trong 7 năm. Các kho dầu dự trữ sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong 10 năm và điều này sẽ mở ra giai đoạn tăng giá mới”, Damien Courvalin, Giám đốc bộ phận nghiên cứu năng lượng ở Ngân hàng Goldman Sachs, nhận định.
Richard Bronze, Giám đốc bộ phận nghiên cứu địa chính trị ở hãng tư vấn năng lượng Energy Aspects, nói nếu giá dầu Brent duy trì ở mức trên 80 đô la/thùng trong một thời gian nữa hoặc nếu tăng lên mức cao hơn, OPEC+ mới xem xét tăng mạnh sản lượng. Giới phân tích cho rằng nếu giá dầu lên mức 90 đô la/thùng, nhu cầu sẽ giảm và OPEC+ sẽ đối mặt với sự chỉ trích ngày càng mạnh mẽ từ các nước như Mỹ.
Thị trường dầu thô đang thắt chặt do nhu cầu phục hồi mạnh và việc gián đoạn nguồn cung do bão ở Vịnh Mexico của Mỹ. Số lượng giàn khoan dầu và sản lượng dầu của Mỹ đang tăng nhưng vẫn chưa phục hồi về mức trước đại dịch. Vào thời kỳ đỉnh điểm, có tổng cộng gần 1.100 giàn khoan hoạt động ở Mỹ nhưng con số này chỉ mới phục hồi về 428 vào tuần trước, theo Công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes.
Mức tiêu thụ dầu thô trung bình hàng ngày ở Mỹ vẫn thấp 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lượng dầu dự trữ thương mại ở nước này giảm đến 15%, theo Cục Thông tin năng lượng Mỹ (EIA).
Mặt khác, giá khí đốt tăng vọt cũng cũng làm tăng nhu cầu sử dụng các sản phẩm dầu mỏ để sản xuất điện và đang gây sức ép lạm phát lên nền kinh tế toàn cầu. Goldman Sachs ước tính, vào cuối năm nay sẽ có thêm 650.000 thùng dầu mỗi ngày được sử dụng để sản xuất điện.
Giải thích cho quyết định không tăng mạnh sản lượng dầu, OPEC+ chỉ nói rằng tổ chức này đang hành động dựa trên các yếu tố cơ bản hiện tại của thị trường dầu. Phó Thủ tướng Nga, Alexander Novak nói, nhu cầu dầu thường giảm trong quý 4 và thỏa thuận đạt được vào hôm 04-10 “cho phép chúng tôi tiếp tục bình thường hóa tình hình thị trường”. Ông tin rằng thị trường dầu đã đạt được điểm cân bằng.
Trao đổi với Reuters, một nguồn tin của OPEC+ cho biết liên minh này đang chịu sức ép gia tăng sản lượng nhanh hơn nhưng “Chúng tôi lo ngại làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 4 sẽ diễn ra, nên không ai muốn đưa ra những quyết định lớn”.
Nhà tư vấn Richard Gorry ở Công ty JBC Asia nhận định, OPEC+ dường như đánh giá rằng tăng mạnh sản lượng có thể giúp giá dầu giảm nhưng không giúp giải quyết được cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay.
Ngoài ra, nếu điều chỉnh kế hoạch tăng sản lượng, OPEC+ phải thảo luận về hạn ngạch khai thác của các thành viên và đây là điều mà những nước như Saudi Arabia không muốn. Vương quốc dầu mỏ này tin tưởng với đà phục hồi mạnh mẽ, nền kinh tế toàn cầu có thể ứng phó với giá dầu cao hơn.
Saudi Arabia cũng không lo ngại các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ tận dụng dầu giá cao để tăng công suất khai thác vì cho rằng giới đầu tư Mỹ muốn họ phải duy trì kỷ luật tài chính, đặc biệt là sau khi hàng loạt công ty dầu đá phiến phá sản do giá dầu lao dốc vào năm ngoái.
Theo Reuters, NY Times, Bloomberg