Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giá dầu thế giới: Các câu hỏi lớn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giá dầu thế giới: Các câu hỏi lớn

Giàn khoan dầu ở mỏ Rồng Đôi của Việt Nam – Ảnh: Triệu Trùng Điệp

(TBKTSG) – Sau một tuần tạm lắng, giá dầu thô thế giới cuối tuần rồi đã tăng trở lại đến mức 138,5 đô la Mỹ/thùng và đến đầu tuần này, dù có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao – 132-134 đô la Mỹ/thùng. Với mức giá này, thị trường thế giới chấn động – hàng loạt câu hỏi về nguyên nhân, tác động và giải pháp được đặt ra.

Đầu cơ là thủ phạm chính?

Cũng như các mặt hàng khác, dầu thô là công cụ cho giới đầu cơ tài chính. Số lượng giao dịch các hợp đồng mua bán dầu tương lai trên thị trường NYMEX, thị trường mua bán dầu lớn nhất thế giới, đã tăng ba lần kể từ năm 2004 và giá dầu trong thời kỳ này cũng tăng gấp ba lần!

Các giao dịch này chỉ lấy dầu làm công cụ, người mua ký hợp đồng mua dầu giao trong tương lai với một mức giá nào đó. Đến hạn, không có giọt dầu nào được trao tay, người mua người bán chỉ đối chiếu giá đã ấn định với mức giá thực tế để thanh toán cho nhau phần chênh lệch. Rõ ràng giá dầu mua bán trên giấy như thế tạo ra tác động không hề nhỏ lên thị trường – ai ai cũng đổ xô đầu cơ dầu một khi chứng khoán không còn hấp dẫn, khủng hoảng tài chính liên quan đến địa ốc chưa giải quyết xong, đồng đô la liên tục mất giá.

Hiện nay các quỹ đầu cơ hàng hóa (chủ yếu là dầu) có chừng 260 tỉ đô la, gấp 20 lần so với năm 2003. Nhu cầu dầu thực tế tăng ít mà nhu cầu dầu “ảo” này tăng vọt như thế, chả trách các nước sản xuất dầu cứ liên tục đẩy giá lên theo.

Chính quyền Ấn Độ đã cấm mua bán tương lai với một số mặt hàng; các chính khách Đức đang đề nghị cấm cho vay để mua dầu dạng hợp đồng tương lai; còn Joe Lieberman, Chủ tịch Ủy ban An ninh Nội địa của Thượng viện Mỹ kết luận: “Đầu cơ chịu trách nhiệm phần lớn cho việc giá hàng hóa tăng vọt”.

Ngay cả George Soros, nhà đầu tư tài chính chuyên nghiệp nổi tiếng, tuần trước cũng ra trước Thượng viện Mỹ khẳng định đang có sự đầu cơ quá đáng và cảnh báo giá dầu cao sẽ kéo nền kinh tế Mỹ vào chỗ suy thoái. “Đây là cách [làm ăn] bất lương về mặt trí tuệ, có khả năng gây bất ổn và rõ ràng là có hại do hậu quả kinh tế của nó” – Soros thừa nhận.

Hàng loạt ý kiến khác đều cho rằng các ngân hàng đầu tư, quỹ đầu cơ, các nhà đầu tư tổ chức chịu trách nhiệm ít nhất cho một nửa phần giá dầu tăng lên trong thời gian gần đây. Riêng đại diện của Liên minh Người tiêu dùng Hoa Kỳ tính toán trong cơ cấu giá 120 đô la/thùng, 40 đô la là giá trị kinh tế thật, 40 đô la là do các nước OPEC thêm vào và 40 đô la là do giới đầu cơ gây ra.

Tờ The Economist, mặc dù không mặn mà lắm về lập luận đầu cơ làm tăng giá dầu, cũng nhận định đã xuất hiện loại quỹ đầu tư chờ giá lên chuyên bám vào các chỉ số giá hàng hóa mà chủ yếu là dầu thô. Mục đích của quỹ loại này là làm bất kỳ điều gì để giá lên thì họ mới có lời. Với lượng tiền đến 260 tỉ đô la như nói ở trên, các quỹ đầu cơ đã tạo ra làn sóng tâm lý lên giá; khi giá lên thật, quỹ có lời, lại càng thu hút thêm tiền rót vào quỹ.

Những nguyên nhân khác đã được nhắc đến nhiều như cung không đủ cầu (dù chênh lệch cung cầu không lớn đủ để lý giải mức tăng phi lý hiện nay), bất ổn ở các nước sản xuất dầu, việc quốc hữu hóa các hãng dầu lớn làm năng lực khai thác sút giảm, chi phí khai thác gia tăng, trữ lượng dầu thế giới đang giảm…

Giải pháp nào cho giá dầu?

Hiện nay đến một nửa dân số thế giới đang hưởng các dạng trợ cấp giá dầu. Theo tính toán của Morgan Stanley, đến một phần tư lượng dầu tiêu thụ được bán với giá thấp hơn giá thị trường. Theo giá cả ghi nhận đến đầu tháng 6-2008, giá xăng rẻ nhất ở Venezuela (chưa đến 1.000 đồng một lít), ở Trung Quốc vào khoảng 13.000 đồng/lít, ở Mỹ chừng 17.000 đồng và cao nhất ở Đức (gần 40.000 đồng/lít). Sự chênh lệch ngày càng lớn giữa giá xăng có trợ giá và giá dầu thực tế làm cho chi phí trợ giá của các chính phủ ngày càng lớn, vượt khỏi sự chịu đựng của ngân sách nhiều nước.

Cuối tháng trước, Indonesia tăng giá nhiên liệu khoảng 30%, mức tăng đầu tiên kể từ năm 2005 nhưng giá xăng ở nước này vẫn còn ở mức rẻ (chỉ khoảng hơn 10.000 đồng/lít). Ngay lập tức lạm phát ở nước này tăng từ 9% lên 12%. Tuần đầu tháng 6, Đài Loan tăng giá xăng thêm 13%, Sri Lanka tăng nhiều hơn – 24%. Malaysia có mức trợ giá xăng dầu lớn nhất thế giới, bằng 7% GDP của năm nay, nhờ vậy lạm phát nước này ở mức thấp nhất trong số 32 nước đang phát triển. Nhưng tuần trước Malaysia đã phải nâng giá xăng lên 41%, giá dầu diesel lên 63% và tuyên bố sẽ thả nổi giá xăng dầu kể từ tháng 8-2008.

Tình thế tiến thoái lưỡng nan của các nước cho thấy nếu cứ tiếp tục trợ giá, việc tiêu thụ xăng dầu sẽ không giảm, càng làm cho giá dễ tăng nữa; mặt khác không ngân sách nào chịu nổi việc trợ giá lâu dài trừ các nước có nguồn dự trữ ngoại tệ lớn như Trung Quốc. Nhưng nếu thả nổi giá xăng dầu, người dân sẽ phản đối, kinh tế dễ rơi vào trì trệ và lạm phát chắc chắn sẽ tăng mạnh.

Điều quan trọng là giá xăng dầu tăng ảnh hưởng mạnh nhất đến người nghèo nhưng trợ cấp giá thì hưởng lợi nhiều hơn vẫn là người dùng xe hơi, máy lạnh, tiêu thụ nhiều điện… Một nghiên cứu của IMF cho thấy 20% hộ gia đình giàu nhất nhận đến 42% khoản trợ giá còn 20% hộ nghèo nhất chỉ nhận dưới 10%. Nhiều nhà kinh tế lập luận bỏ trợ giá, dùng tiền đó vào giáo dục, y tế và cơ sở hạ tầng sẽ có lợi cho người nghèo và khuyến khích tiết kiệm xăng dầu hơn.

Tác động lâu dài cần tính đến

Nhìn ở bình diện toàn cầu, giá dầu tăng cao đang có những hiệu ứng chưa ai lường trước. Tờ Newsweek tuần trước cho rằng khả năng dầu thô đạt mốc 200 đô la/thùng trong vài tháng tới là rất cao. Lúc đó, thương mại và đầu tư thế giới sẽ dịch chuyển. Thay vì đầu tư hay mua bán xuyên đại dương như hiện nay, các nhà đầu tư và thương nhân sẽ co cụm lại thành các khu vực để tránh chi phí vận chuyển, đi lại.

Jeff Rubin, kinh tế trưởng của hãng CIBC World, cho rằng: “Với giá 200 đô la/thùng, chi phí vận chuyển tăng nhiều đến nỗi nó sẽ đảo ngược xu hướng tự do hóa thương mại trong 30 năm lại đây”. Lúc đó, Nhật sẽ giao thương mạnh hơn với Trung Quốc, còn Mỹ sẽ mua hàng từ châu Mỹ Latinh thay vì từ châu Á. Sẽ xuất hiện những trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ mới ở các vùng sản xuất dầu như Nga, Mỹ Latinh và vùng Vịnh. Trung Quốc sẽ đầu tư mạnh hơn vào châu Phi để khai thác nguồn năng lượng hóa thạch ở đây. Tiếng nói của Mỹ trên trường quốc tế sẽ suy yếu vì, chẳng hạn, việc cấm vận với một nước sản xuất dầu ngày nay khó lòng xảy ra.

Hàng ngàn tỉ đô la chuyển từ tay người tiêu dùng sang các nước sản xuất dầu sẽ tạo ra sự dịch chuyển quyền lực rất lớn, kể cả quyền lực tài chính thông qua các quỹ đầu tư quốc gia dùng tiền bán dầu để khuynh loát hệ thống tài chính nhiều nước khác. Đã nổi lên xu hướng mà nhiều nhà quan sát đặt tên là “chủ nghĩa dân tộc tài nguyên”, dùng dầu thô như một công cụ để mặc cả trên trường quốc tế. Tuy nhiên, Bộ trưởng Năng lượng Nhật Bản tuần trước cho rằng, giá dầu như hiện nay sẽ khiến kinh tế toàn cầu suy thoái, ngay cả ở những nước sản xuất dầu.

Ở góc độ cá nhân, người tiêu dùng sẽ chuyển sang dùng loại xe nhỏ, tiết kiệm nhiên liệu hơn (ở Việt Nam chẳng hạn, xe tay ga nuốt xăng nhiều sẽ phải nhường chỗ cho loại xe dùng số). Các biện pháp tiết kiệm năng lượng sẽ được thực thi nhanh hơn, xu hướng bảo vệ môi trường sẽ mạnh hơn. Họ sẽ chi tiêu tiết kiệm hơn (chẳng lạ gì Wal-Mart đang báo mức doanh số kỷ lục còn các chuỗi cửa hàng hạng trung và cao cấp đang gặp nhiều khó khăn).

Điểm sáng duy nhất của thời giá dầu cao là biết đâu đây chính là động lực mạnh nhất giúp giảm hiệu ứng nhà kính và bảo vệ trái đất trước nguy cơ băng tan, ngập nước.

NGUYỄN VÂN CẦM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới