Chủ Nhật, 23/02/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Giá dầu thô giảm xuống dưới ngưỡng 100 đô la/thùng

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Lần đầu tiên trong gần hai tháng qua, giá dầu thô giảm xuống dưới 100 đô la Mỹ/thùng, phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng của các nhà đầu tư về rủi ro nhu cầu dầu sụt giảm nếu nền kinh tế Mỹ suy thoái. Nhưng, giá dầu thô giảm mạnh không có nghĩa là giá nhiên liệu xăng dầu cũng giảm mạnh tương ứng.

Lần đầu tiên trong gần hai tháng qua, giá dầu thô giảm xuống dưới 100 đô la Mỹ/thùng. Ảnh: Wall Street Journal

Trong phiên giao dịch hôm 5-7, giá dầu thô Tây Texas (WTI) ở New York giảm tới 10%, xuống mức 97,43 đô la Mỹ/thùng, trước khi đóng cửa ở mức 99,5 đô la, giảm 8% trong ngày. Giá dầu Brent ở thị trường London cũng đã giảm hơn 10%, chạm mức thấp nhất trong ngày là 101,10 đô la/thùng, trước khi chốt ở mức 102,77 đô la. Đây là lần đầu tiên giá dầu WTI xuống dưới 100 đô la kể từ ngày 11-5.

Nhu cầu chậm lại và nỗi lo kinh tế suy thoái đang gây sức ép lớn lên thị trường dầu trong những tuần gần đây. Giá dầu tăng vọt vào đầu năm nay khi chiến tranh ở Ukraine làm gián đoạn nguồn cung và làn sóng mở cửa trở lại ở thời kỳ hậu đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới đẩy tăng nhu cầu.

Giá dầu đắt đỏ là một trong những nguyên chính chính khiến lạm phát tăng dai dẳng ở nhiều nền kinh tế lớn trong năm 2022. Triển vọng tăng trưởng kinh tế đang u ám dần khi các ngân hàng trung ương quyết liệt kiểm soát lạm phát bằng cách hạ nhiệt hoạt động kinh tế, một động thái có thể làm giảm mạnh nhu cầu dầu.

Chỉ chưa đầy một tháng trước, giá dầu Brent vẫn giao dịch ở mức trên 120 đô la/thùng, với nguồn cung toàn cầu tiếp tục căng thẳng do tác động từ chiến sự ở Ukraine.

Cuộc chiến Nga- Ukraine không có dấu hiệu hạ nhiệt ngay lập tức, nhưng sự chú ý của các nhà giao dịch đang chuyển sang rủi ro nhu cầu nhiên liệu suy giảm nếu nền kinh tế Mỹ tăng trưởng chững lại hoặc suy thoái. Dữ liệu công bố hồi tuần trước cho thấy chi tiêu tiêu dùng của các hộ gia đình và đơn đặt hàng sản xuất công nghiệp ở nền kinh tế lớn nhất có dấu hiệu chậm lại, càng thổi bùng mối lo ngại của các nhà đầu tư về khả năng xảy ra suy thoái.

Theo Hiệp hội Ô tô Mỹ (AAA), giá xăng trung bình trên toàn nước Mỹ đã giảm xuống 4,80 đô la/gallon (3,78 lít), từ mức kỷ lục trên 5 đô la vào tháng trước. Tuy nhiên, giá xăng ở Mỹ vẫn cao hơn 50% so với một năm trước, khiến các tài xế phải hạn chế đi lại.

Jim Ritterbusch, Chủ tịch Công ty tư vấn dầu mỏ Ritterbusch & Associates, cho biết một số nhà giao dịch dầu thô đang cảm nhận sức ép từ tâm lý tiêu cực đang chi phối nhiều loại hàng hóa khác khi triển vọng kinh tế giảm sút.

Ông Ritterbusch nói: “Các dự báo kinh tế Mỹ suy thoái trong nửa cuối năm nay đang gây áp lực lên nhiều loại hàng hóa, và dầu cũng bị cuốn vào sức ép đó ở mức độ lớn”.

Ông nói thêm, đà suy giảm của giá dầu đang buộc một số nhà giao dịch giảm đặt cược tăng giá đối với dầu thô, làm trầm trọng thêm tình trạng bán tháo.

Một số nhà giao dịch chú ý đến dấu hiệu cho thấy nhu cầu xăng dầu ở Mỹ đang dịu lại. Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ, tính trên cơ sở trung bình bốn tuần trước ngày 24-6, nhu cầu xăng giảm khoảng 2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Louise Dickson, nhà phân tích tại Công ty tư vấn năng lượng Rystad Energy, cho biết các công ty sản xuất dầu đã dần thích ứng với mức giá 100 đô la/thùng bằng cách tăng sản lượng, điều này có thể cho thấy sẽ có nhiều dầu thô tiếp cận thị trường hơn vào cuối năm nay, giúp giảm giá hơn nữa. Rystad Energy dự báo sản lượng dầu thô của Mỹ sẽ tăng dần trong những tháng tới.

Đồng đô la Mỹ mạnh hơn là một yếu tố khác khiến giá dầu giảm trong những phiên giao dịch gần đây. Đồng đô la tiếp tục tăng với ngoại tệ quan trọng khác, lên gần giá trị cao nhất so với đồng euro trong hai thập niên.

Tuy nhiên, các nhà phân tích lưu ý giá dầu thô giảm mạnh không có nghĩa là giá nhiên liệu xăng dầu cũng giảm mạnh tương ứng. Các hạn chế về công suất lọc dầu trên toàn cầu đã đẩy tỷ lệ giá nhiên liệu bán lẻ so với giá dầu thô lên vượt xa mức thông thường.

Các nhà phân tích của Ngân hàng Goldman Sachs nhận định có rất ít giải pháp nhanh chóng vì các máy lọc dầu mới sẽ mất nhiều năm để đi vào hoạt động và xu hướng chuyển đổi sang năng lượng sạch để bảo vệ môi trường cũng không khuyến khích đầu tư mới cho các dự án liên quan đến nhiên liệu hóa thạch.

Nhà phân tích Louise Dickson nói: “Chừng nào công suất nhà máy lọc dầu vẫn còn hạn chế ở Mỹ và châu Âu, thì sự chênh lệch lớn bất thường giữa giá dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ tinh chế còn duy trì”.

Theo Wall Street Journal

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới