Thứ bảy, 30/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Giá điều thô tăng 50% trong vòng 1 tháng khiến doanh nghiệp chế biến lao đao

Chính Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Để có nguồn nguyên liệu, doanh nghiệp đã ký các đơn hàng có mức giá 1.000-1.100 đô la Mỹ với các đối tác Châu phi. Tuy nhiên, trong 1 tháng qua, giá điều thô tăng gần 50% nên bên bán “bẻ kèo" khiến doanh nghiệp xuất khẩu điều gặp khó về nguồn cung đầu vào.

Chế biến hạt điều tại một doanh nghiệp. Ảnh: TL.

Đây là một trong những nội dung mà Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cung cấp cho báo chí vào chiều tối ngày 31-5.

Vinacas cho biết, vào tháng 2 và tháng 3-2024, khi các doanh nghiệp Việt Nam ký hợp đồng mua nguyên liệu, giá điều thô dao động ở mức 1.000 - 1.100 đô la Mỹ /tấn. Tuy nhiên, chỉ hơn 1 tháng sau, giá điều thô đã tăng vọt lên 1.500 - 1.600 đô la Mỹ/tấn, tăng gần 50%.

Việc giá điều thô tăng đột biến khiến các doanh nghiệp chế biến gặp nhiều khó khăn. Trước đó, doanh nghiệp đã ký hợp đồng bán điều nhân dựa trên giá điều thô khi ký hợp đồng mua nguyên liệu nên giá nguyên liệu tăng khiến doanh nghiệp không thể cân đối được giá bán và phải chịu lỗ nặng.

Theo công ty Hoàng Sơn 1, không phải tất cả nhưng đã có một đối tác xuất khẩu điều thô tại Tây Phi hủy đơn, không giao hàng; có doanh nghiệp đã đưa hàng lên tàu nhưng không giao bộ chứng từ để doanh nghiệp Việt Nam nhận hàng. Cũng có tình trạng người bán yêu cầu phía người mua tăng giá, nếu không sẽ bán cho khách hàng khác. Lại có trường hợp đối tác chỉ giao một phần đơn hàng đã ký, phần còn lại yêu cầu tăng giá theo giá mới hoặc giao hàng có chất lượng thấp hơn so với thỏa thuận ban đầu.

Phía Hoàng Sơn 1 cho biết, hiện công ty đã ký hợp đồng nhập khẩu 52.000 tấn điều thô từ Tây Phi. Hợp đồng có kỳ hạn giao hàng trong tháng 4-6/2024. Tuy nhiên, đến nay, doanh nghiệp mới nhận được khoảng 25.000 tấn đúng giá. Số lượng điều còn lại gặp nhiều vấn đề khi có khoảng 15.000 tấn là đối tác đàm phán nâng giá hoặc giao hàng giảm chất lượng, số còn lại được công ty xác định đã bị hủy giao hàng.

Chính việc đối tác không tuân thủ hợp đồng đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp chế biến điều của Việt Nam.

Tương tự, theo phía công ty TNHH Cao Phát, mỗi năm công ty nhập khẩu khoảng 80.000 tấn điều thô từ các nguồn khác nhau, trong đó, Tây Phi chiếm phần lớn. Việc giá cả biến động lên xuống là chuyện bình thường trong giao dịch thương mại nhưng với thị trường điều thô, mức biến động này chỉ từ 10-20% mỗi năm nhưng mức tăng từ 45-50% chỉ trong thời gian ngắn là điều chưa từng có trong lịch sử ngành điều từ trước đến nay.

Nguyên nhân là do một số nước Tây Phi ban hành lệnh cấm xuất khẩu điều thô đột ngột khiến giá điều thô bị đẩy lên cao. Vì thế, từ đầu năm đến nay, trong các hợp đồng mua điều nguyên liệu Cao Phát mới nhận được 70% lượng hàng từ đối tác.

Trước vấn đề này, Vinacas cho biết, Việt Nam đang đứng đầu thế giới về chế biến và xuất khẩu điều nhân và để có được điều này, doanh nghiệp phải nhập khẩu điều thô từ các nước, trong đó có một số nước ở châu Phi. Do phụ thuộc vào nguồn điều thô nhập khẩu nên dễ bị các đối tác “làm giá" khi thị trường có biến động.

Theo Vinacas, trong trường hợp doanh nghiệp không có đủ nguyên liệu cho sản xuất điều nhân xuất khẩu, các doanh nghiệp cần tính đến phương án đàm phán, trao đổi với bên mua điều nhân để khách hàng nắm rõ tình hình và có sự chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp Việt Nam.

Theo Vinacas, tính đến hết tháng 5-2024, kim ngạch xuất khẩu điều đạt 1,55 tỉ đô la Mỹ, tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm 2023.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới