Thứ Năm, 3/07/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Giá đô la Mỹ tăng nhẹ do doanh nghiệp FDI cần mua

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giá đô la Mỹ tăng nhẹ do doanh nghiệp FDI cần mua

Triều Thương

Giá đô la Mỹ tăng nhẹ do doanh nghiệp FDI cần mua
Giá mua-bán đô la Mỹ tăng ở một số ngân hàng là do nhu cầu đột biến từ phía doanh nghiệp FDI. Ảnh: Kinh Luân

(TBKTSG Online) - Ngân hàng Vietcombank trong ngày 8-10 tăng nhẹ giá mua và bán đô la Mỹ vào buổi sáng nhưng sau đó đã giảm trở lại vào buổi chiều. Nguyên nhân, theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, là do một số doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có nhu cầu đột xuất.

>>> NHNN: Tỷ giá khó có thể tăng hơn 2%

Sáng 8-10, Vietcombank đã tăng thêm 10 đồng giá mua đô la Mỹ, lên mức 21.090, và tăng thêm 50 đồng giá bán ra, lên mức 21.190. Tuy nhiên, đến đầu buổi chiều, giá bán đô la Mỹ của ngân hàng này đã giảm xuống còn 21.170 đồng. 

Ngân hàng BIDV cũng tăng nhẹ giá mua đô la Mỹ lên bằng với giá mua của Vietcombank là 21.090 nhưng giá bán vẫn giữ nguyên là 21.140 đồng. Các ngân hàng khác như Eximbank, ACB vẫn giữ giá mua và bán đô la Mỹ bằng với BIDV là 21.090 - 21.140.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, cho biết việc tăng giá ngoại tệ ở một vài ngân hàng là do nhu cầu đột biến từ một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phát sinh trong ngày, nhưng ông nhấn mạnh đây chỉ là số ít. “Còn trên thực tế cung cầu ngoại tệ của cả hệ thống vẫn bình thường. Nguồn cung ngoại tệ hiện dồi dào do vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam rất lớn, trong khi kiều hối năm nay dự báo cũng tăng so với năm ngoái”, ông Minh nói.

Phó tổng giám đốc một ngân hàng lớn tại TPHCM cũng cho rằng hiện tại nhu cầu mua đô la để nhập khẩu hàng hóa không tăng, cung cầu ngoại tệ bình thường. Vì vậy tỷ giá ở một số ngân hàng sau khi vọt lên sẽ mau chóng hạ nhiệt vào các ngày tới.

Vị này cũng cho rằng với tuyên bố của Ngân hàng Nhà nước về việc dự trữ ngoại hối đang lên đến 2,7 tháng nhập khẩu cùng với cầu không có dấu hiệu căng thẳng thì tỷ giá khó tăng nhiều trong các tháng cuối năm.

Một chuyên viên phòng nguồn vốn của BIDV cho biết ngày 10-8 không có nhu cầu đột biến gì về ngoại tệ từ phía khách hàng doanh nghiệp của ngân hàng, chỉ do Vietcombank điều chỉnh tăng giá mua nên BIDV cũng tăng theo nhằm giữ cạnh tranh. Vị này lẫn đại diện của một ngân hàng nước ngoài khẳng định rằng giá mua bán đô la Mỹ sẽ giảm trở lại.

Giá bán đô là Mỹ trên thị trường tự do bằng với giá bán của Vietcombank là 21.170 đồng, trong khi giá mua là 21.150 đồng. Trong khi đó, giá giao dịch đô la Mỹ giữa các ngân hàng rất thấp, chỉ là 21.106 mua vào và 21.108 bán ra.

Áp lực tăng tỷ giá không cao

Về chu kỳ, thông thường đến cuối năm nhu cầu mua ngoại tệ sẽ tăng do doanh nghiệp cần ngoại tệ để thanh toán đơn hàng và nhà đầu tư nước ngoài cần chuyển lợi nhuận về nước. Tuy nhiên, đại diện các ngân hàng cho biết rằng căn cứ trên cung cầu ngoại tệ tổng thể của thị trường thì tỷ giá sẽ không bị sức ép lớn trong những tháng cuối năm, do xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng, trong khi nhu cầu nhập khẩu vẫn thấp.

Trong 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của cả nước là 96,5 tỉ đô la Mỹ, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước trong khi tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu so với cùng kỳ là 15,5%, đạt 96,6 tỉ đô la Mỹ, theo Tổng cục Thống kê.

Bên cạnh đó, kiều hối của Việt Nam năm nay được Ngân hàng Thế giới dự báo vào khoảng 11 tỉ đô la Mỹ, sẽ giúp giảm bớt áp lực lên tỷ giá. Ông Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, cũng cho biết, đến cuối tháng 9 kiều hối của thành phố đã đạt 3 tỉ đô la Mỹ, bằng 73% so với cả năm ngoái, và thường kiều hối sẽ về nhiều trong quí 4. Ông Minh dự báo kiều hối năm nay của thành phố có thể đạt đến 4,8 tỉ đô la Mỹ.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng cao trong năm nay cũng giúp tăng nguồn cung ngoại tệ, giảm áp lực lên tỷ giá. Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch Đầu tư, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20-8 đã đạt 12,63 tỉ đô la Mỹ, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tình hình giải ngân vốn của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn đang theo đà thuận lợi và có thể đạt khoảng 10,5 - 11 tỉ đô la Mỹ.

Tuy nhiên, gần đây Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong khi trả lời phỏng vấn Bloomberg ngày 27-9 nhân chuyến thăm Mỹ đã cho biết Việt Nam sẽ hạ giá tiền đồng thêm 2% so với đô la Mỹ. Do vậy, đại diện các ngân hàng cho biết áp lực cầu ngoại tệ cao hơn cung là không có nhưng có khả năng chính sách của Chính phủ về tỷ giá sẽ thay đổi để hỗ trợ xuất khẩu.

Chuyên gia Lê Xuân Nghĩa gần đây phát biểu trên các phương tiện thông tin đại chúng rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) từ năm ngoái đến nay đã mua vào 23 tỉ đô la Mỹ để tăng dự trữ ngoại hối, tức tăng cung tiền đồng ra thị trường, nhưng lạm phát vẫn không tăng mạnh.

Theo đại diện một ngân hàng, về lý thuyết thì cung tiền tăng lên sẽ đẩy lạm phát lên cao, nhưng số tiền này thực chất vào hệ thống ngân hàng nhưng các ngân hàng lại không cho vay ra được, tức tiền không vào nền kinh tế nên không gây áp lực lên lạm phát. Theo NHNN, đến cuối tháng 8-2013 tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng là 6,45% nhưng đã giảm trở lại vào đầu tháng 9, đến 20-9 tăng trưởng tín dụng chỉ còn 6,05% so với cuối năm 2012.

Bên cạnh đó, NHNN đã có những biện pháp kỹ thuật khác để hút tiền về, như nghiệp vụ thị trường mở (mua và bán giấy tờ có giá chủ yếu là trái phiếu chính phủ với các ngân hàng để bơm hay hút tiền về), hay phát hành tín phiếu NHNN, cũng như phát hành trái phiếu chính phủ và trái phiếu được chính phủ bảo lãnh cũng là các kênh để hút tiền về.

Theo thống kê của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), từ đầu năm đến nay NHNN đã hút ròng (hút về nhiều hơn bơm tiền ra hệ thống ngân hàng) gần 31.000 tỉ đồng, trong khi tổng lượng tiền thu về từ phát hành trái phiếu của Kho bạc nhà nước, Ngân hàng chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam là hơn 135.000 tỉ đồng. Các nghiệp vụ này phần nào giúp Chính phủ hút tiền dư thừa trong hệ thống ngân hàng về, tránh gây áp lực lên lạm phát.

Vì những lý do trên nên tuy NHNN đã mua 23 tỉ đô la Mỹ từ năm ngoái đến nay nhưng lạm phát vẫn không tăng. Tính đến tháng 9, chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam tăng 4,63% so với tháng 12-2012 và tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới