(KTSG Online) – Tỷ giá trên thị trường tiếp tục xu hướng tăng sau khi NHNN nới biên độ tỷ giá hồi đầu tuần. Trên thị trường tự do, ngày hôm nay (20-10), đồng đô la Mỹ có thời điểm được chào giá ở mức 25.120 đồng ở chiều bán ra và 24.940 đồng/đô la chiều mua vào.
- ‘Sóng’ tỷ giá cuối năm và áp lực nhà điều hành
- Ngân hàng Nhà nước tăng biên độ tỷ giá lên 5%
- Giá đô la Mỹ tại ngân hàng vượt mốc 24.000 đồng
Chiều ngày 20-10, tỷ giá trên thị trường tự do tại một điểm giao dịch ngoại tệ được chào giá ở mức 25.120 đồng ở chiều bán ra và 24.940 đồng/đô la chiều mua vào. Như vậy trong hôm nay, vùng giá bán đô la được chào là khoảng 24.900-25.100 đồng, tăng khoảng 300-400 đồng so với hôm qua.
Trong ngày hôm nay, tỷ giá niêm yết ở các ngân hàng cũng lần lượt được điều chỉnh tăng. Tính đến 16h, tỷ giá niêm yết ở chiều bán ra của Vietcombank là 24.650 đồng/đô la, tăng nhẹ so với ngày hôm qua, nhưng vẫn tăng mạnh đáng kể so với hồi đầu tuần (24.440 đồng/đô la). Còn tại Eximbank, giá chào bán là 24.660 đồng/đô la, tăng 100 đồng so với biểu giá chào vào đầu sáng nay.
Còn tỷ giá trung tâm hôm nay được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) niêm yết ở mức 23.682 đồng, tăng nhẹ 19 đồng so với hôm qua, nhưng tăng 141 đồng so với cuối tuần trước. Với biên độ mới, giá chào bán tối đa được các ngân hàng bán ra là khoảng hơn 24.866 đồng/đô la.
Trên thị trường quốc tế, chỉ số dollar-index, đo lường sức mạnh đồng bạc xanh với rổ ngoại tệ mạnh, hiện ở mức 112,85 điểm, giảm 0,13% trong phiên giao dịch ngày, nhưng vẫn ở vùng cao kỷ lục từ trước đến nay, hiện đang ở ngang với vùng điểm của hồi đầu tuần.
Tỷ giá trong tuần bắt đầu tăng sau khi NHNN nới rộng biên độ giao dịch tỷ giá từ mức 3% lên mức 5% hôm thứ hai đầu tuần. Đồng thời, NHNN cũng tăng giá bán đô la tại Sở giao dịch lần thứ ba liên tiếp trong vòng 1 tháng qua.
Tỷ giá hiện đang chịu nhiều sức ép. Trong báo cáo gửi khách hàng hồi đầu tuần này, khối phân tích của Maybank IB cũng cho rằng NHNN sẽ duy trì mức lãi suất cho đến hết năm 2022, dù thị trường lo ngại tiền đồng sẽ mất giá mạnh trước đô la trong quí 4 này. Kịch bản đưa ra là tỷ giá có thể mất giá thêm 2-3% trong năm nay, vẫn ở mức tốt hơn so với đồng tiền các nước khác.
Tuy nhiên, nhóm phân tích này cũng cho rằng ngay cả trong kịch bản tiền đồng mất giá thêm khoảng 2-3% thì cũng sẽ không làm không làm ảnh hưởng đến ổn định vĩ mô.
Biên độ tỷ giá cao hay thấp không còn quan trọng nữa. Dòng tiền vào ra mới là quan trọng nhất. Muốn có dòng tiền thông suốt phải giữ vững năng lực sản xuất kinh doanh, cạnh tranh và hội nhập của nền kinh tế. Trong bất kỳ tình huống nào, cũng luôn có bài toán được và mất khi tỷ giá thăng trầm. Nhưng bù lại, toàn bộ nền kinh tế vẫn ổn như kiềng ba chân.