Thứ Bảy, 27/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

‘Sóng’ tỷ giá cuối năm và áp lực nhà điều hành

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tỷ giá tại các ngân hàng tiếp tục chịu sức ép lớn trong bối cảnh thanh khoản thị trường khó khăn, khiến cơ quan điều hành liên tiếp có những bước đi mới trên thị trường ngoại hối.

Tiền đồng chịu áp lực lớn trong tuần trước, dẫn đến NHNN nới biên độ của tỷ giá giao dịch tại các Ngân hàng thương mại. Ảnh: L.Vũ.

Để ứng phó với đà tăng của đồng đô la trên thị trường thế giới, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa nới rộng biên độ giao dịch tỷ giá từ mức 3% lên mức 5% vào ngày 17-10 vừa qua. Lần điều chỉnh biên độ tăng gần nhất là vào tháng 8-2015, với mức tăng từ 2% lên 3%.

Bên cạnh việc điều chỉnh biên độ giao dịch, cũng trong ngày hôm qua, NHNN cũng tăng giá bán đô la tại Sở giao dịch lần thứ ba liên tiếp trong vòng 1 tháng qua. Giá bán đô la hiện niêm yết tại lên mức 24.380 đồng/đô la, từ mức 23.935 (tăng lên hồi ngày 30-9).

Việc mở rộng biên độ giao dịch cho phép nhà băng có thể bán tỷ giá theo mức cao hơn. Ông Brian Lee Shun Rong, chuyên gia nghiên cứu kinh tế vĩ mô Việt Nam của tập đoàn Maybank Investment Bank, đánh giá động thái mới của NHNN có thể xem như phương án giảm giá tiền đồng thêm 2%.

Cuối giờ sáng ngày 18-10, tỷ giá trung tâm được NHNN niêm yết ở mức 23.637 đồng/đô la, tăng mạnh 51 đồng. Trong khi đó, tỷ giá niêm yết tại Vietcombank ở chiều bán ra là 24.480 đồng/đô la vào cuối giờ sáng nay, thì đã tăng lên mức 24.510 đồng/đô la vào buổi chiều. So với ngày hôm qua, tỷ giá niêm yết tại ngân hàng đã tăng thêm 220 đồng. Tương tự, tại Eximbank, ngân hàng trong ngày hôm qua cũng liên tục điều chỉnh mức giá đô la niêm yết, hiện niêm yết ở mức 24.520 đồng/đô la, tăng 280 đồng so với đầu giờ sáng qua.

Như vậy, tỷ giá bán tại các ngân hàng đã tăng mạnh sau khi nới biên độ, xoay quanh mức 24.500 đồng/đô la, tương ứng với tiền đồng đã mất giá gần 7% so với cuối năm ngoái.

Nguồn: SSI.

Tỷ giá hiện đang chịu nhiều sức ép. Theo báo cáo thị trường tiền tệ của Công ty chứng khoán SSI, trong tuần trước, thị trường trong nước đã chịu áp lực lớn khi NHNN thực hiện các biện pháp bơm tiền đồng để hỗ trợ thanh khoản.

Tỷ giá trung tâm theo đó tăng đến 119 đồng so với cuối tuần trước đó nữa, ở mức 23.531 đồng/đô la. Tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại cũng tăng tương ứng, gần như đã ở mức kịch trần 3% so với tỷ giá trung tâm, quanh mốc 24.230.

Còn tỷ giá liên ngân hàng tăng vượt mốc 24.000, cao hơn nhiều so với mức tỷ giá bán tại Sở giao dịch. NHNN đã phải tiếp tục can thiệp thông qua việc bán ngoại tệ từ dữ trự ngoại hối, tuy nhiên ở mức tương đối hạn chế, theo báo cáo của SSI.

“Do đó, trong ngắn hạn, việc điều chỉnh biên độ tỷ giá được cho là cần thiết khi tỷ giá sẽ vẫn còn chịu nhiều áp lực từ bên ngoài (lãi suất đô la dự kiến tăng tiếp trong tháng 11 và 12) kết hợp cùng yếu tố nội tại (nguồn cung ngoại tệ gặp nhiều khó khăn khi xuất khẩu yếu đi, kiều hối chậm lại)”, báo cáo của SSI nhận định.

Còn trong báo cáo nhận định nhanh về chính sách ngoại hối lần này, khối phân tích của Công ty chứng khoán VCBS cho rằng các đợt can thiệp của NHNN trong giai đoạn hiện nay diễn ra ngày càng gần nhau hơn đi cùng mức điều chỉnh lớn dần.

VCBS bình luận động thái tăng biên độ cho thấy tỷ giá tiếp tục chịu áp lực tăng khi nguồn lực hỗ trợ là có hạn. Do đó, trong kịch bản Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất, kịch bản điều chỉnh lãi suất là có thể tính đến.

Nhưng ngược lại, ông Brian, Maybank IB, cho rằng động thái nới biên độ vừa qua của NHNN sẽ “làm giảm sự cần thiết” phải tăng lãi suất trong ngắn hạn để hỗ trợ tỷ giá.

Trong báo cáo gửi khách hàng hồi đầu tuần này, khối phân tích của Maybank IB cũng cho rằng NHNN sẽ duy trì mức lãi suất cho đến hết năm 2022, dù thị trường lo ngại tiền đồng sẽ mất giá mạnh trước đô la trong quí 4 này. Kịch bản đưa ra là tỷ giá có thể mất giá thêm 2-3% trong năm nay, vẫn ở mức tốt hơn so với đồng tiền các nước khác.

Đồng thời, Maybank IB cũng dự báo ngoài công cụ lãi suất, NHNN cũng có khả năng sử dụng thêm 10% nguồn dự trữ ngoại hối trong vòng 1-2 quí tới để ứng phó bài toán tỷ giá, sau khi đã sử dụng khoảng 20% trong thời gian qua.

Đáng chú ý hơn, nhóm này cho rằng ngay cả trong kịch bản tiền đồng mất giá thêm khoảng 2-3% thì cũng sẽ không làm không làm ảnh hưởng đến ổn định vĩ mô.

Còn với nhóm nghiên cứu của SSI, thách thức hiện nay là các biện pháp can thiệp từ NHNN sẽ là “khá hạn chế”, khi dự trữ ngoại hối không còn quá dồi dào. “Còn nếu tăng lãi suất quá mạnh cũng sẽ tác động lớn đến trạng thái ổn định của nền kinh tế, vốn đang ở vị thế khá khó khăn”, báo cáo của SSI nhận định.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới