(KTSG Online) – Giá của đô la Mỹ so với rổ sáu ngoại tệ mạnh giảm xuống mức thấp nhất trong năm nay khi nhà đầu tư điều chỉnh vị thế để chuẩn bị cho kịch bản Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu hạ lãi suất vào tháng Chín.
- Đô la Mỹ tiếp tục là tiền tệ dự trữ thống trị trên toàn cầu trong 10 năm tới
- Gió đã đổi chiều đối với các đồng tiền của ASEAN
Dữ liệu của Sở giao dịch chứng khoán London (LSEG) cho thấy, trong tháng này, tính đến ngày 20-8, đô la Mỹ giảm giá 2,2% so với một rổ sáu ngoại tệ mạnh (euro, yen Nhật, bảng Anh, krona Thụy Điển, đô la Canada và franc Thụy Sĩ). Mức giảm này khiến đồng bạc xanh rơi xuống mức nhất kể từ đầu năm.
Đồng đô la yếu đi khi chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ phục hồi gần như toàn bộ mất mát do đợt bán tháo hồi đầu tháng 8, thời điểm nhà đầu tư lo sợ nền kinh tế lớn nhất thế giới cận kề suy thoái. Kể từ đó, thị trường dần ổn định và dữ liệu kinh tế tốt hơn của Mỹ đã thôi thúc nhà đầu tư quay trở lại với những tài sản rủi ro.
“Thị trường đang mong đợi kịch bản ‘hạ cánh mềm’ của nền kinh tế Mỹ và triển vọng giảm lãi suất của Fed . Điều này tạo ra môi trường tiêu cực đối với đồng đô la”, Athanasios Vamvakidis, người đứng đầu chiến lược ngoại hối của ngân hàng Bank of America nói.
Nhà đầu tư đang chờ đợi bài phát biểu về chính sách tiền tệ của Chủ tịch Fed, Jay Powell tại hội nghị chuyên đề kinh tế thường niên Jackson Hole ở bang Wyoming cuối tuần này.
Thị trường hiện dự đoán Fed sẽ giảm lãi suất 75 hoặc 100 điểm cơ bản trong những tháng còn lại trong năm 2024. Hồi đầu tháng 8, khi Mỹ công bố báo cáo việc làm ảm đạm của tháng Bảy, nhà đầu tư đặt cược Fed có thể giảm lãi suất lên đến 125 điểm cơ bản (1,25 điểm phần trăm) trong năm nay.
Tuy nhiên, dữ liệu gần đây cho thấy, doanh số bán lẻ của của Mỹ vẫn mạnh mẽ, làm tăng kỳ vọng Mỹ sẽ tránh được suy suy thoái. Vamvakidis của Bank of America cho biết thêm, chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ của Mỹ, kết hợp với kỳ vọng Fed vẫn thực hiện nhiều đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay, không tốt cho đồng đô la vì “đồng tiền của Mỹ vẫn đang được định giá quá cao”
Đồng đô la suy yếu sau khi tăng giá 4,4% trong nửa đầu năm nhờ kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, dữ liệu của ngân hàng Citi cho thấy, kể từ cuối tháng 6, tăng trưởng của Mỹ bắt đầu chậm lại so với các nền kinh tế tiên tiến khác Kể từ đó, nhà đầu tư tăng đặt cược đồng bạc xanh giảm giá.
Khách hàng của các quỹ phòng hộ do Citi quản lý liên tục bán ròng đô la kể từ ngày 7-8 khi nhà đầu tư quay lại thị trường cổ phiếu. Chỉ báo theo dõi các vị thế mua bán đối đô la Mỹ của Citi cho thấy, nhà đầu tư đang bán khống đô la mạnh nhất kể tháng 5-2021.
Jane Foley, người đứng đầu bộ phận ngoại hối của ngân hàng Rabobank dự báo, nền kinh tế Mỹ đang hướng tới ‘hạ cánh mềm’, tức tăng trưởng chậm lại nhưng không gây tổn thương lớn cho thị trường việc làm.
Bà nhận xét, với mức tăng 3,6% so với đô la kể từ đầu tháng 7, đồng euro thực sự mạnh mẽ bất chấp nền sản xuất của Đức suy yếu và nhu cầu từ Trung Quốc chậm lại.
Đà giảm giá của đồng đô la một phần là do làn sóng đảo ngược các giao dịch “carry trade”. Trong đó, nhà đầu tư vay đồng yen để mua đô la có lãi suất cao hơn. Diễn biến này giúp đồng tiền của Nhật Bản tăng giá hơn 7% so với đô la Mỹ trong tháng qua.
Theo dữ liệu của Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ (CFTC), trong tháng trước, số lượng vị thế đặt cược đồng yen giảm giá đạt mức cao nhất kể từ năm 2007. Tuy nhiên, số lượng các vị thế này giảm mạnh trong những tuần gần đây. Tuần trước, nhà đầu tư lần đầu tiên chuyển sang vị thế mua ròng đồng yen kể từ năm 2001.
Theo State Street, một trong những ngân hàng lưu ký tài sản nhất thế giới, giới quản lý tài sản dao động giữa tâm lý rất tích cực và trung lập đối với đô la trong hai năm qua. Hiện tại, quan điểm về triển vọng của đô la trên mức trung lập.
Michael Metcalfe, người đứng đầu chiến lược vĩ mô toàn cầu của State Street cho rằng, chỉ khi thị trường nắm bắt được tốc độ và chiều sâu của chu kỳ nới lỏng tiền tệ của Fed, quan điểm về đô la mới có sự thay đổi rõ ràng.
Theo Financial Times