Thứ bảy, 28/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Giá gạo châu Á đang nhích lên do thời tiết bất lợi

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Mưa liên tục ở vành đai ngũ cốc nhưng lại khô hạn tại các vùng trồng lúa tại Ấn Độ, đợt nắng nóng ở Trung Quốc, lũ lụt ở Bangladesh và thời tiết khi thu hoạch ảnh hưởng chất lượng gạo tại Việt Nam... tất cả những vấn đề này có thể làm hạn chế sản lượng gạo trên toàn cầu, theo ghi nhận của Reuters.

Gạo xuất khẩu của Ấn Độ có thể giảm vì hạn hán trong năm nay. Ảnh: Reuters

Thời tiết bất lợi ở các nước xuất khẩu gạo hàng đầu châu Á, bao gồm cả nhà xuất khẩu lớn nhất là Ấn Độ, đang đe dọa làm giảm sản lượng loại lương thực quan trọng nhất của thế giới và đẩy lạm phát lương thực gần mức cao kỷ lục.

Dịch Covid, gián đoạn chuỗi cung ứng và chiến tranh Ukraine – Nga gần đây đã khiến các loại ngũ cốc khác tăng giá. Tuy nhiên, gạo đã đi ngược xu hướng tăng giá của các lương thực khác trong bối cảnh mùa màng bội thu và lượng tồn kho lớn tại các nước xuất khẩu trong hai năm qua.

Nhưng, thời tiết khắc nghiệt ở các nước xuất khẩu gạo ở châu Á, nơi chiếm khoảng 90% sản lượng gạo thế giới, có khả năng làm thay đổi quỹ đạo giá, hãng Reuters dẫn lời các thương nhân và nhà phân tích.

Nhà kinh tế về nông nghiệp Phin Ziebell thuộc ngân hàng National Australia Bank (NAB) cho rằng: “Khả năng có thể tăng giá bởi năng lực sản xuất giảm ở một số nước xuất khẩu chủ chốt. Giá gạo tăng sẽ tăng thêm thách thức đối với khả năng chi trả cho thực phẩm của người dân các nước đang phát triển”.

Trong khi đó, nhà kinh tế Shirley Mustafa của Tổ chức Lương Nông Liên Hợp Quốc (FAO) cho biết: “Nhiều nơi vẫn có thể tiếp cận và đủ tiền mua gạo ngay cả khi giá lương thực nói chung đạt mức kỷ lục vào đầu năm nay. Hiện chúng tôi nhận ra thất bát sản lượng liên quan đến thời tiết ở một số quốc gia sản xuất gạo chủ chốt, bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc và Bangladesh. Tình trạng có thể làm sản lượng toàn vụ thấp hơn nếu điều kiện không được cải thiện trong vài tuần tới”.

Sản lượng chắc chắn sẽ giảm

Cơ quan thời tiết Ấn Độ cho biết lượng mưa tại các bang sản xuất gạo hàng đầu của Ấn Độ như Bihar, Jharkhand, Tây Bengal và Uttar Pradesh đã thấp hơn 45% trong mùa này. Hệ quả là diện tích gieo sạ giảm 13% trong năm nay, có thể khiến sản lượng gạo giảm 10 triệu tấn hoặc khoảng 8% so với năm ngoái – theo lời B.V. Krishna Rao, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo toàn Ấn Độ. Ông Rao cũng nói thêm rằng diện tích trồng lúa giảm cũng do một số nông dân chuyển sang trồng lúa và hạt có dầu.

Vụ lúa hè thu chiếm hơn 85% sản lượng hàng năm của Ấn Độ. Sản lượng đạt mức kỷ lục 129,66 triệu tấn trong niên vụ tính đến tháng 6-2022.

"Diện tích gieo cấy giảm, sản lượng sẽ sụt giảm là điều chắc chắn. Nhưng câu hỏi lớn là chính phủ sẽ phản ứng như thế nào", đại lý tại Mumbai của một tập đoàn thương mại toàn cầu cho biết.

Dự trữ lúa và gạo đã xay xát ở Ấn Độ tính đến ngày 1-7 đạt tổng cộng 55 triệu tấn, so với mục tiêu là 13,54 triệu tấn. Điều này đã giúp giá gạo Ấn Độ duy trì ổn định hay giảm nhẹ trong năm qua, và Ấn Độ cũng xuất lượng gạo kỷ lục 21,5 triệu tấn trong năm 2021, nhiều hơn tổng lượng xuất khẩu của bốn nước xếp hạng tiếp theo là Việt Nam, Thái Lan, Pakistan và Mỹ.

"Nhưng chính phủ Ấn Độ quá nhạy cảm về giá cả. Giá gạo chỉ tăng một chút có khiến chính phủ áp đặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu", thương nhân ở Mumbai nói.

Giá đang nhích lên dần

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, nắng nóng khắc nghiệt ở các khu vực trồng ngũ cốc ở Trung Quốc sẽ làm sản lượng lương thực giám. Trung Quốc ​​sẽ nâng nhập khẩu lên mức kỷ lục 6 triệu tấn gạo trong hai năm 2022 – 2023. Đây nước tiêu thụ và nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới. Năm ngoái, Trung Quốc nhập 5,9 triệu tấn.

Đứng thứ ba thế giới về tiêu thụ gạo, dự kiến Bangladesh sẽ nhập nhiều gạo hơn sau thiệt hại do lũ lụt tại các khu vực sản xuất chính của nước này.

Ngoài Ấn Độ, mức độ thiếu hụt cụ thể tại các nước chưa thể ước lượng được bởi các cơ quan chính phủ thường chỉ công bố dữ liệu về sản lượng vào cuối năm.

Tuy nhiên, có thể nhận ra các tác động của thời tiết không thuận lợi khi giá xuất khẩu từ Ấn Độ và Thái Lan tăng nhẹ trong tuần này.

"Giá gạo đã gần chạm đáy và chúng tôi thấy giá thị trường đang tăng dần từ mức hiện tại. Nhu cầu đang tăng lên ở các nước nhập như Philippines và các nước châu Phi", một chuyên viên làm việc tại Singapore cho một hãng buôn bán gạo hàng đầu thế giới cho biết.

Trong báo cáo tình hình xuất khẩu gạo Việt Nam trong sáu tháng đầu năm 2022 công bố trong tháng rồi, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) cho biết Philippines là khách hàng lớn nhất của Việt Nam với tỷ trọng gần 50%. Gạo Việt Nam xuất khẩu được giá, đặc biệt là tại thị trường Singapore với giá trung bình 523 đô la/tấn.Bản báo cáo của BSA nhận định giá gạo trên thị trường tiếp tục tăng trong nửa cuối năm 2022, do tác động từ chiến tranh Nga – Ukraine. Tuy nhiên, lợi nhuận của doanh nghiệp xuất khẩu và người trồng lúa trong nước sẽ giảm do giá phân bón và vật tư nông nghiệp gia tăng. Gạo Việt Nam còn gặp sự cạnh tranh của gạo Ấn Độ, bởi hai yếu tố: giá gạo Việt mắc hơn gạo Ấn 30% và chi phí vận chuyển từ Việt Nam đi châu Phi đắt hơn.

Nguồn: Reuters, Nikkei Asia và BSA

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới