(KTSG Online) - Trong lúc châu Âu đang sốt sắng tìm kiếm các nguồn cung khí đốt mới, nhu cầu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở châu Á lại suy giảm mạnh và về dài hạn, các tác động của đà suy giảm này có thể còn nghiêm trọng hơn.
Khi những khách hàng mua năng lượng ở châu Âu tìm cách thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga vốn đang trở nên đắt kỷ lục sau khi Moscow mở cuộc tấn công quân sự ở Ukraine thì các quốc gia châu Á cũng đối mặt với một số cú sốc giá nghiêm trọng. Điều đó tác động đáng kể đến nhu cầu LNG ở khu vực này.
Về lâu dài, nhu cầu LNG của châu Á sẽ tăng trưởng chậm trong nửa cuối thập niên 2020. Điều đó có thể sớm trở thành cản lực tăng trưởng mang tính cấu trúc đối với các nhà xuất khẩu LNG chủ chốt của châu Á bao gồm Úc và các công ty năng lượng như Shell và Woodside Petroleum vốn đang đầu tư mạnh vào lĩnh vực LNG.

Nhu cầu LNG của châu Á đã suy giảm mạnh trong mùa đông vừa qua. Theo số liệu từ Công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie, trong quí đầu tiên năm 2022, sản lượng LNG nhập khẩu ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu LNG của Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ lần lượt giảm 11%, 14% và 25% so với cách đây một năm.
Giá LNG ở châu Á đã tăng gần gấp 5 lần trong năm qua, lên mức 34 đô la/1 triệu đơn vị nhiệt Anh (MMBtu) vào cuối tháng 3 nhưng vẫn thấp hơn so với mức giá chuẩn ở châu Âu, 39 đô la/MMBtu, theo hãng tư vấn năng lượng Rystad Energy.
Một số khách hàng ở châu Á bắt đầu bán lại các lô LNG đã mua để tận dụng giá cao ngất ngưỡng ở châu Âu ngay cả trước khi chiến sự ở Ukraine nổ ra. Xi Nan, Phó chủ tịch phụ trách các thị trường LNG tại Rystad Energy, cho biết khoảng 10 chuyến hàng LNG đã được chuyển hướng từ châu Á sang châu Âu chỉ trong tháng 12 năm ngoái.
Cũng có một số bằng chứng cho thấy châu Á đang quay trở lại sử dụng than và và dầu thô nhiều hơn. Valery Chow, Phó chủ tịch hãng tư vấn năng lượng Wood Mackenzie, quan sát thấy rằng Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á tăng cường sử dụng than để sản xuất điện, trong khi đó, các khách hàng công nghiệp ở Ấn Độ chuyển sang sử dụng naphtha và dầu mazut đốt lò khi họ đối mặt với mức giá cao và biến động liên tục của LNG.
Dù có thể vẫn còn quá sớm để nói về sự tàn phá nhu cầu kéo dài trên khắp châu Á, mức giá cao của các lô hàng LNG giao ngay có thể sẽ duy trì trong vài năm và có thể tiếp tục làm suy yếu nhu cầu ở khu vực này. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến các kế hoạch phát triển các dự án xuất khẩu LNG ở khu vực Tây Úc của Úc.
Nếu các đường ống mới của Nga bắt đầu cung cấp thêm khối lượng lớn khí đốt cho Trung Quốc, một kịch bản có khả năng xảy ra giữa lúc châu Âu tìm cách chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga, nhu cầu LNG của châu Á sẽ càng bị tác động mạnh hơn.
Dù vậy, Valery Chow, Phó chủ tịch Wood Mackenzie, nhận định tăng trưởng nhu cầu LNG của châu Á, đặc biệt là ở Trung Quốc, Nam Á và Đông Nam Á, có thể phục hồi trong nửa cuối thập niên này khi giá LNG giảm nhờ nhiều dự án LNG mới đi vào hoạt động. Ông dự báo tổng nhu cầu LNG của châu Á sẽ tăng từ 270 triệu tấn trong năm 2021, lên mức 380 triệu tấn vào năm 2030.
Các chuyên gia cho rằng nhu cầu năng lượng của châu Á sẽ tiếp tục tăng mạnh và có rất ít lý do để nghi ngờ điều đó. Nhưng trong vài năm tới, mức tăng trưởng nhu cầu LNG tổng thể của khu vực này có thể ảm đạm. Những nhà sản xuất than và năng lượng tái tạo mới là những bên được hưởng lợi lớn nhất nhờ nhu cầu năng lượng mạnh mẽ của châu Á.
Dù vậy, những công ty kinh doanh LNG ở châu lục này sẽ được bảo vệ ở mức độ nào đó trước nhu cầu suy yếu nhờ các hợp đồng cung cấp LNG dài hạn. Tuy nhiên, sẽ rất khó khăn để hoàn tất ký kết các hợp đồng như vậy, trừ phi họ chào bán LNG với mức giá mềm hơn nhiều so với giá LNG giao ngay vào thời điểm hiện tại.
Theo Wall Street Journal