Thứ Tư, 15/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giá lương thực thế giới và lạm phát ở Việt Nam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giá lương thực thế giới và lạm phát ở Việt Nam

TS. Lê Anh Tuấn – Võ Nguyễn Khoa Tuấn (*)

Nông dân thu hoạch lúa. Ảnh: Minh Khuê.

(TBKTSG) – Nhiều người cho rằng chính sách kích cầu của Mỹ là nguyên nhân của sự tăng giá đột biến hàng hóa trong thời gian qua. Chính điều này tạo nên áp lực lạm phát ở các nước mới nổi, trong đó có Việt Nam. Giả thuyết này mặc dù dễ thuyết phục tuy nhiên lại vấp phải khá nhiều vấn đề trong suy luận và số liệu thực tiễn.

Tại sao giá lương thực thế giới tăng?

Cần chú ý là gói kích cầu “nới lỏng định lượng 1” được thực hiện từ tháng 1-2009 đến tháng 3-2010. Việc tăng giá các mặt hàng lương thực xảy ra muộn hơn rất nhiều so với các mặt hàng công nghiệp khác. Theo chỉ số giá của IMF, có thể thấy giá cả hàng hóa công nghiệp tăng nhanh ngay sau khi sản lượng công nghiệp của thế giới chạm đáy vào tháng 2-2009. Còn giá lương thực trong cả năm 2009 gần như không có biến động mạnh (hình 1). Tuy nhiên, giá lương thực bắt đầu tăng nhanh vào tháng 8-2010 ngay sau khi thời tiết xấu ảnh hưởng lớn đến các vụ mùa ở Nga, Ukraine, Kazakhstan, và một số nước khác.

Điểm thứ hai là tổng cung so với tổng cầu của thế giới về lương thực. Giá lương thực thế giới đạt đỉnh vào tháng 4-2011. Theo số liệu thống kê và dự báo vào tháng 4 của USDA (Bộ Nông nghiệp Mỹ) về tổng sản lượng ngũ cốc của thế giới, điều thấy rõ nhất là thế giới đã bị một năm mất mùa khá trầm trọng. Tổng sản lượng ngũ cốc giảm gần 3%, nếu tính luôn cả lượng tăng dân số thế giới thì sản lượng ngũ cốc trên đầu người giảm gần 5%.

Vấn đề là tại sao sản lượng giảm chỉ có 5% mà giá cả của một số lương thực lại tăng gần 100%? Một phần có thể được giải thích do nhu cầu về lương thực tăng nhanh hơn tốc độ tăng của dân số. Ví dụ, Trung Quốc đã trở thành một nước nhập siêu rất lớn về ngũ cốc để thỏa mãn nhu cầu về thức ăn gia súc. Nhưng điểm quan trọng là độ co giãn của cầu ở các mặt hàng ngũ cốc rất thấp (demand inelasticity). Có nghĩa là, giá phải tăng rất mạnh thì nhu cầu mới giảm được. Theo USDA, hệ số co giãn cầu của các mặt hàng ngũ cốc tại Mỹ là 0,04. Điều này có nghĩa giá cần phải tăng 25% (1/0,04) để nhu cầu giảm 1%.

Ở một khía cạnh nào đó, các gói kích cầu có thể làm trầm trọng thêm việc tăng giá của các mặt hàng lương thực. Nhưng nguyên nhân chính của việc tăng giá lương thực thế giới trong thời gian qua là sự mất mùa trong năm 2010.

Một vài dự báo về giá lương thực thế giới

Dự báo về thu hoạch vụ mùa 2011-2012 tốt hơn rất nhiều so với vụ mùa 2010-2011. Theo báo cáo của FAO (Tổ chức Lương nông thế giới) và USDA vào tháng 7, tổng sản lượng ngũ cốc trong vụ mùa 2011-2012 sẽ tăng khoảng 2,5-2,9% so với vụ mùa 2010-2011. Chính điều này đã làm cho giá ngũ cốc giảm trong ba tháng vừa qua. Giá bắp và lúa mì đã giảm nhẹ từ 6-10% kể từ tháng 4 sau một giai đoạn tăng nóng gần 100%.

Lượng hàng dự trữ của các loại ngũ cốc đã không còn giảm mạnh và có khả năng tăng trở lại. Đặc biệt là dự trữ gạo vẫn tiếp tục tăng trong vụ mùa 2011-2012 sau khi sản lượng đạt kỷ lục vào vụ mùa 2010-2011.

Nếu không có vấn đề lớn về biến động thời tiết trong thời gian tới, bất chấp gói kích cầu lần 3, sẽ không có sự tăng giá đột biến ở các mặt hàng ngũ cốc như năm 2010 và đầu năm 2011.

Lạm phát do cơ cấu thị trường?

Một câu hỏi được đặt ra là, tại sao các nước lân cận có một số điểm tương đồng với kinh tế Việt Nam như Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, giá thực phẩm cũng tăng cao nhưng với tỷ lệ thấp hơn so với Việt Nam? Mặc dù Việt Nam là nước xuất siêu lương thực nhưng chỉ số giá lương thực tăng cao hơn gấp 2-3 lần các nước lân cận. Điều này cho thấy ảnh hưởng của giá thế giới chỉ tác động phần nhỏ đến giá cả Việt Nam.

Giá lương thực thực phẩm có thể biến động mạnh do ảnh hưởng của thời tiết và dịch bệnh, chứ không chỉ do ảnh hưởng từ chính sách tiền tệ và tài khóa. Điều này cũng lý giải việc ở hầu hết các nước, nhất là những nước có nhóm giá lương thực thực phẩm chiếm quyền số cao trong rổ hàng hóa tính CPI, khi tính lạm phát cơ bản thì chỉ số giá lương thực thực phẩm được loại ra. Vì vậy có thể nói, yếu tố tiền tệ và tài khóa ở Việt Nam không phải là nguyên nhân làm cho giá lương thực thực phẩm của Việt Nam tăng cao hơn các nước trên.

Chúng ta phân chia các nước ra làm hai loại: các nước phải nhập khẩu gạo và các nước xuất gạo. Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới và cũng là nước xuất khẩu gạo duy nhất có giá gạo tăng gần 37%, hơn gấp đôi tỷ lệ tăng giá thế giới trong cùng giai đoạn (hình 2). Việc tiền đồng mất giá khoảng 7,2% vào tháng 2 có thể giải thích được một phần sự chênh lệch trên. Nhưng độ chênh lệch vẫn quá lớn trong bối cảnh lạm phát vào cuối năm 2010 đã lên rất cao.

Tuy nhiên, lạm phát của Việt Nam có thể bắt nguồn từ một nguyên nhân sâu xa hơn, từ khâu phân phối khi chênh lệch giữa giá thu mua và giá bán lẻ ngày càng lớn. Một ví dụ có thể thấy rõ là thị trường thịt. Tính đến tuần đầu của tháng 7, giá thịt heo thăn bán lẻ tại Hà Nội đã tăng khoảng 82% so với đầu năm, trong khi giá mua heo hơi ở Hà Nội chỉ tăng khoảng 51%. Điều này cho thấy lạm phát một phần rất lớn đến từ cơ cấu thị trường. Giá bán lẻ tăng liên tục từ đầu năm bất chấp giá thu mua có nhiều giai đoạn chững lại hay giảm, cho thấy cơ cấu thị trường kém hiệu quả.

Một vấn đề quan trọng nhưng lại rất ít được chú ý là cơ cấu thị trường, đặc biệt của thị trường lương thực thực phẩm, ảnh hưởng rất lớn đến lạm phát. Cơ cấu thị trường ở đây bao gồm cơ chế giám sát điều hành, cơ cấu về quy mô chăn nuôi, hệ thống thu mua phân phối, hệ thống hàng tồn kho cũng như vận chuyển, các tầng lớp trung gian… Sự yếu kém của cấu trúc thị trường thường chỉ biểu hiện mạnh khi kỳ vọng lạm phát cao. Có thể nói kỳ vọng lạm phát cao cùng với sự yếu kém của cấu trúc thị trường là nguyên nhân chính dẫn đến mức tăng bất thường của giá lương thực thực phẩm ở nước ta.

Chính điều này luôn làm cho lạm phát của chúng ta một khi đã lên thì lên rất mạnh và nhanh. Rõ ràng bài toán lạm phát đã không được quan tâm và hiểu một cách đúng mức.

Có lẽ chúng ta đã đặt kỳ vọng quá lớn và không đúng vào khả năng kiểm soát lạm phát của chính sách tiền tệ. Việc kiểm soát lạm phát ở Việt Nam đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ các chính sách và một chiến lược dài hơi để kiểm soát lạm phát trong trung và dài hạn, không nên chỉ tập trung nguồn lực vào kiểm soát lạm phát ngắn hạn. Một trong những việc cần làm để kiểm soát lạm phát trong trung và dài hạn là một chiến lược đầu tư vừa nguồn vốn vừa tri thức vào lĩnh vực nông nghiệp.

_______

(*) Phòng Nghiên cứu Dragon Capital

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới