(KTSG Online) - Sau khi tăng phi mã vào năm ngoái, giá lương thực toàn cầu được dự báo vẫn ở mức cao trong năm nay khi nguồn cung thiếu hụt do hiện tượng biến đổi khí gây ra các biến cố thời tiết cực đoan, khiến sản lượng của các vụ mùa sụt giảm. Các chuyên gia cảnh báo thiệt hại vụ mùa do biến đổi khí hậu có thể dẫn đến cuộc chạy đua tích trữ lương thực và các biện pháp hạn chế xuất khẩu của các nước trên thế giới.
Các biến cố thời tiết cực đoan trong năm 2021 đã khiến giá hàng hóa nông nghiệp tăng đột biến và dự kiến vẫn ở mức cao trong năm nay do các điều kiện khí hậu bất thường làm hư hại cây trồng dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung kéo dài.
Giá các mặt hàng bao gồm cà phê Brazil, khoai tây Bỉ và đậu Hà Lan vàng của Canada đã tăng mạnh trong năm ngoái do nhiệt độ khắc nghiệt và lũ lụt. Các nhà khoa học cảnh báo những tình trạng này sẽ trở nên thường xuyên và gay gắt hơn khi tác động của biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng.
Các vấn đề về kho vận và những thay đổi trong thói quen tiêu dùng do đại dịch cũng khiến giá các mặt hàng nông nghiệp thiết yếu như đường và lúa mì tăng vào năm ngoái.
Báo cáo của Viện Môi trường Stockholm (Thụy Điển) cho biết: “Nông nghiệp là một trong những ngành chịu nhiều rủi ro nhất do các biến cố thời tiết cực đoan riêng rẻ lẫn sự thay đổi các mẫu hình khí hậu trong dài hạn”. Báo cáo nhận định các rủi ro do khí hậu gây ra lớn hơn nhiều lần so với cơ hội mà nó tạo ra ngành nông nghiệp. Một loạt các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra trên khắp thế giới vào giữa năm 2021, gây thiệt hại nhiều vụ mùa, khiến giá cả lương thực tăng nhanh.
Đợt sương giá nghiêm trọng ở Brazil vào tháng 7 năm ngoái đã tác động tiêu cực đến vành đai cà phê của nước này, đưa giá cà phê arabica lên mức cao nhất trong gần 7 năm. Tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và thiếu tàu container cũng khiến giá cả lương thực tăng cao hơn vào cuối năm 2021.
Thời tiết ở Brazil tiếp tục diễn biến bất thường, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ mùa màng bị thiệt hại nghiêm trọng hơn nữa. Hiện tượng thời tiết La Niña tiếp tục xuất hiện vào cuối năm 2021 và dự kiến sẽ gây ra các biến cố thời tiết cực đoan bao gồm mưa lớn và khô hạn khắp nơi trên thế giới.
Mario Zappacosta, nhà kinh tế cấp cao của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), nói: “Khi biết rằng La Niña sẽ tiếp tục tấn công trong năm nay, chúng ta có thể thấy giá lương thực phản ứng sớm, ngay cả trước khi hiện tượng này thực sự xảy ra”. Ông nói điều đó có thể dẫn đến "tác động lây lan", khi giá của các lương thực thay thế cũng tăng lên.
Trong khi đó, đợt nắng nóng và hạn hán chưa từng có ở Canada vào giữa năm 2021 ảnh hưởng đến sản lượng các vụ mùa và khiến giá đậu Hà Lan tăng hơn gấp đôi, ảnh hưởng đến các nhà sản xuất “thịt thay thế” có thành phần thực vật dựa vào loại đậu này.
Giá khoai tây của Bỉ cũng tăng mạnh sau khi lũ lụt tàn phá nhiều vùng nông nghiệp rộng lớn ở châu Âu trong mùa hè năm ngoái.
Báo cáo của các nhà nghiên cứu tại Viện Môi trường Stockholm cảnh báo biến đổi khí hậu sẽ “tác động lớn đến sản xuất nông nghiệp trên toàn cầu” và sẽ làm giảm năng suất cây trồng ở một số khu vực nhất định. Họ ước tính trong ba thập kỷ cuối của thế kỷ này, sản lượng mía toàn cầu có thể giảm 59% so với giai đoạn 1980-2010, trong khi sản lượng cà phê arabica và bắp toàn cầu có thể giảm lần lượt 45% và 27%.
Magnus Benzie, một trong những tác giả của báo cáo, nói: “Đây là một lỗ hổng lớn trong việc lập kế hoạch của chúng ta để thích ứng với khí hậu”. Ông nhận định sản lượng lương thực thấp hơn và giá bán cao hơn có thể gây ra tình trạng mất an ninh lương thực ở các nước phụ thuộc vào nhập khẩu, kém khả năng phục hồi sau thiên tai và làm tăng chi phí cho người tiêu dùng trên khắp thế giới.
Ông nói thêm, cách mà các quốc gia ứng phó với các biến cố thời tiết cực đoan và tình trạng thiếu hụt nguồn cung lương thực, dù là dự trữ hay áp đặt các hạn chế thương mại, có thể làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng lương thực.
Ông cho biết các cuộc khủng hoảng thời tiết đã xảy ra sẽ xảy ra thường xuyên hơn khi trái đất nóng dần lên, có khả năng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nguồn cung lương thực trên toàn cầu.
Theo Financial Times