(KTSG Online) - Giá cả năng lượng lại khuấy động nền kinh tế toàn cầu, nhưng lần này là tin tốt. Khi giá khí đốt và dầu thô cùng giảm sâu, người tiêu dùng có ngân sách nhiều hơn để chi tiêu cho những thứ khác, củng cố niềm tin doanh nghiệp đồng thời giảm áp lực ngân sách của các chính phủ.
- Trung Quốc mở cửa, giá nguyên vật liệu và năng lượng sẽ tăng vọt
- Năng lượng đắt đỏ có thể đẩy 141 triệu người vào cảnh nghèo cùng cực
Năng lượng giảm giá có tác dụng như gói kích thích
Bức tranh đó tương phản với một năm trước khi cú sốc giá năng lượng sau cuộc xung đột Nga-Ukraine làm dấy lên lo ngại về một cơn suy thoái sâu ở châu Âu. Theo các nhà kinh tế, giá năng lượng giảm phần nào đó giải thích dữ liệu kinh tế của Mỹ và châu Âu mạnh mẽ bất ngờ trong năm nay. Theo khảo sát kinh doanh của S&P Global, các nhà quản lý chuỗi cung ứng ở cả hai bờ Đại Tây Dương lạc quan hơn so với nhiều tháng trước. Gánh nặng chi phí năng lượng của các hộ gia đình, doanh nghiệp và chính phủ đã giảm đáng kể. Điều này đang bù đắp cho chi phí vay cao trong bối cảnh các ngân hàng trung ương đồng loạt đẩy lãi suất lên cao để hạ nhiệt lạm phát.
Giá một thùng dầu đã giảm hơn một phần ba kể từ giữa năm ngoái, xuống còn khoảng 77 đô la, thấp hơn mức trước chiến tranh. Giá giảm khi thị trường điều chỉnh theo lệnh cấm vận của phương Tây đối với nguồn cung của Nga và khi dầu được tung ra từ kho dự trữ chiến lược của Mỹ cùng các nước đồng minh. Một số nhà kinh tế cảnh báo kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ đẩy giá dầu tăng, nhưng điều đó vẫn chưa xảy ra.
Tại châu Âu, giá khí đốt tự nhiên giảm gần 90% kể từ mùa hè năm ngoái, và đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2021 nhờ thời tiết ấm áp trong mùa đông, tiết kiệm tiêu thụ và tăng nhập khẩu.
Năng lượng tác động đến hầu hết tất cả hàng hóa và dịch vụ, vì vậy, biến động chi phí năng lượng có ảnh hưởng vượt trội đối với nền kinh tế. Theo Neil Shearing, nhà kinh tế trưởng tại Capital Economics ở London, giá cả năng lượng đóng vai rất quan trọng đối với triển vọng kinh tế vĩ mô của châu Âu..
Giá khí đốt tự nhiên đang giảm mạnh ở khu vực này, giúp tiết kiệm khoản chi phí khổng lồ, tương đương khoảng 3,5% GDP trong năm nay đối với Ý và khoảng 2% GDP đối với Đức, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, theo Capital Economics.
Shearing dự đoán châu Âu chỉ chịu suy thoái nhẹ và tồn tại trong thời gian ngắn hơn, thay vì suy thoái sâu như lo sợ trước đây.
Capital Economics và ngân hàng Berenberg nhận định “gói kích thích” từ năng lượng giá rẻ có thể giúp sản lượng của khu vực sử dụng đồng euro (euro) tăng thêm 1,5 điểm phần trăm, gần tương đương với mức tăng trưởng trong một năm.
Theo Berenberg, nền kinh tế eurozone sẽ tăng trưởng 0,7% trong năm nay, cải thiện đáng kể so với mức giảm 1,3% theo dự báo hồi tháng 10 năm ngoái. Mỹ cũng sẽ được hưởng lợi nhờ năng lượng rẻ hơn nhưng mức độ thấp hơn.
Niềm tin người tiêu dùng phục hồi
Trong những tháng gần đây, niềm tin của người tiêu dùng cũng đã phục hồi mạnh mẽ ở cả hai bờ Đại Tây Dương một phần là nhờ giá cả năng lượng dịu lại. Điều đó có nghĩa là các hộ gia đình sẽ chi tiêu nhiều hơn số tiền họ tiết kiệm được trong thời kỳ đại dịch, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hơn nữa.
Tại Ý, quốc gia phụ thuộc nhiều vào khí đốt nhập khẩu, doanh số bán lẻ trong tháng 1 tăng 1,7% so với tháng 12. Đó là một trong những mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 5 -2020 khi các nền kinh tế đang tái mở cửa sau đợt phong tỏa do đại dịch. Tại Đức, sản xuất trong các lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng trong tháng 1 tăng trưởng 6,8% sau với tháng 12 sau khi khi giảm 20% hồi năm ngoái.
“Chính cơn bùng nổ giá khí đốt và những lo ngại về tình trạng thiếu khí trong mùa hè và mùa đông năm ngoái khiến khu vực eurone rơi tình trạng tăng trưởng trì tệ. Giờ đây, cú sốc này đang đảo ngược”, Holger Schmieding, nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng Berenberg cho biết, nói.
Không giống như châu Âu, nơi giá năng lượng cao hơn khiến tiền của người dân chảy sang những nước bán dầu và khí đốt cho khu vực này, Mỹ là nhà xuất khẩu năng lượng ròng. Do đó, giá năng lượng cao sẽ phân phối tiền từ các hộ gia đình Mỹ sang các nhà sản xuất năng lượng trong nước và cổ đông của họ.
Sau khi lên mức cao kỷ lục, giá xăng ở Mỹ giảm trong nửa cuối năm ngoái. Điều này giúp bù đắp nhiều hơn tác động của lãi suất tăng cao trong cùng kỳ bằng cách cải thiện thu nhập khả dụng của các hộ gia đình.
Các ngân hàng trung ương lớn đang tìm cách đánh xem có thể tăng lãi suất thêm bao nhiêu nữa. Giá năng lượng giảm tác động đến lạm phát theo hai chiều. Trước hết, điều này kéo giá cả hàng hóa và dịch vụ đi xuống, giúp giảm chỉ số giá tiêu dùng tổng thể. Nhờ đó, sức ép yêu cầu tăng lương từ các công đoàn cũng sẽ hạ nhiệt, làm giảm nguy cơ vòng xoáy tiền lương-giá cả.
Mặt khác, giá năng lượng thấp hơn đóng vai trò như cắt giảm thuế, thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng, có thể gây thêm áp lực lạm phát giả cả ngoài năng lượng.
“Nếu tốn nhiều tiền chi tiêu cho năng lượng, các hộ gia đình sẽ chi tiêu cho thứ khác”, Catherine Mann, thành viên của Ủy ban Chính sách tiền tệ của Ngân hàng trung ương Anh, nói trong một cuộc thảo luận vào tháng trước.
Theo WSJ