Thứ hai, 20/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Giá phân bón tăng vọt khắp toàn cầu, gây cú sốc lớn cho nông dân

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Giá phân bón tăng vọt khắp nơi trên toàn cầu do chiến sự ở Ukraine làm gián đoạn nguồn cung từ Nga, nước xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới. Chi phí phân bón đắt đỏ đã khiến nhiều nông dân ở các nước từ Argentina cho đến Indonesia thu hẹp diện tích gieo trồng và các nền kinh tế đang phát triển phải đối mặt với chi phí nhập khẩu lương thực đắt đỏ hơn.

Mỹ tăng cung cấp khí đốt cho EU để giảm sự phụ thuộc vào Nga

Tác động từ xung đột Nga-Ukraine có thể đẩy giá gạo xuất khẩu tăng

Phân bón nhập khẩu ở một nhà kho tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: Zuma Press

Trong suốt 9 năm bán phân bón cho nông dân trồng bắp và lúa ở Tây Phi, Malick Niang chưa bao giờ thấy nguồn cung khan hiếm hay giá cao đến như vậy. Niang cho biết kể từ khi Nga mở cuộc tấn công quân sự ở Ukraine, các hãng vận tải biển đã tránh cập cảng St.Petersburg của Nga để tiếp nhận phân bón. Cùng lúc đó, tác động của các lệnh trừng phạt của phương Tây vào ngành tài chính của Nga khiến xuất khẩu phân bón từ Nga giảm mạnh.

Niang đã liên hệ với người bán ở các nước khác, chẳng hạn như ở Senegal và Maroc, nhưng được thông báo rằng đơn hàng của họ đã kín đến cuối năm. “Có thể chúng tôi sẽ tìm thấy một hoặc hai lựa chọn khác ở Nga nhưng chi phí sẽ rất tốn kém,” ông nói.

Giá phân bón vốn đã ở mức cao trước khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra và giờ đây đã tăng lên các mức cao kỷ lục do nguồn cung từ Nga lao dốc, theo Công ty phân tích thị trường hàng hóa CRU Group. Trong khi đó, giá khí đốt cũng đắt hơn, khiến các nhà máy sản xuất phân bón ở châu Âu phải thu hẹp quy mô sản xuất vì ammonia, một thành phần không thể thiếu của phân bón ammonium nitrate và phân urê được sản xuất từ khí đốt.

Kết quả là giá phân bón hiện nay đắt hơn khoảng 3-4 lần so với năm 2020, gây những hệ lụy sâu rộng đối với thu nhập của nông dân, sản lượng nông nghiệp và giá lương thực.

Tại tỉnh Đông Java của Indonesia, Nurhadi, một nông dân trồng bắp, chỉ mua được một nửa lượng phân bón dự trữ thông thường của mình. Ông phải sử dụng thêm phân động vật để bón cho cây bắp dù biết rằng cách này không mang lại hiệu quả cao và sẽ dẫn đến năng suất giảm đáng kể. Tại Colombia, nơi 20% lượng phân bón nhập khẩu phụ thuộc vào Nga, Ana Elvira Sanabria, một nông dân trồng khoai tây, đã chuyển sang chăn nuôi gia súc và trồng một loại cây ăn trái địa phương có tên gọi uchuva (tầm bóp Nam Mỹ), cần ít phân bón hơn.

Ông nói: “Vào thời điểm này của năm ngoái, phần lớn chúng tôi đã xuống vụ giao trồng. Nhưng năm nay, phần lớn đất đai đang bị bỏ hoang”.

Những khó khăn của nông dân xuất hiện từ trước cuộc chiến tranh ở Ukraine. Chi phí năng lượng cao hơn vào năm ngoái cùng với việc Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Nga áp các hạn chế xuất khẩu mới đối phân bón đã đẩy giá mặt hàng này tăng cao.

Nông dân Faustin Lohouri Bi Tra ở Bờ Biển Ngà, một quốc gia Tây Phi, cho biết ông đã sốc khi chứng kiến giá phân bón urê tăng gấp 4 lần trong vòng 9 tháng qua. Ông than vãn: “Điều này giống như một phim kinh dị”.

Các chuyên gia nông nghiệp cho biết, những vụ mùa bị thu hẹp sẽ ảnh hưởng nặng nề nhất đến các nước đang phát triển vì họ buộc nhập khẩu một lượng lớn các mặt hàng lương thực chủ lực như lúa mì với giá cao.

Chỉ số giá lương thực toàn cầu trong tháng 2 chạm mức cao nhất kể từ khi Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) bắt đầu thu thập dữ liệu hàng tháng cách đây 3 thập niên.

Tình hình an ninh lương thực toàn cầu có thể trở nên nguy ngập hơn khi giá phân bón duy trì ở mức cao như hiện nay.

Mạng lưới toàn cầu chống khủng hoảng lương thực (GNFC), một liên minh của các tổ chức nhân đạo và phát triển, ước tính rằng vào tháng 9-2021, có 161 triệu người ở 42 quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng nghiêm trọng hoặc buộc phải bán tài sản để mua thực phẩm, tăng 19% so với đầu năm 2021.

“Tôi vô cùng lo ngại rằng cuộc xung đột bạo lực ở Ukraine, vốn đã là một thảm họa cho những người trực tiếp bị dính líu, cũng sẽ là một thảm kịch cho những người nghèo nhất thế giới sống ở các vùng nông thôn”, Gilbert Houngbo, Chủ tịch Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế của Liên Hợp Quốc, cho biết vào tuần trước.

Sự gián đoạn nguồn cung lúa mì từ Ukraine có thể giúp một nước xuất khẩu lương thực lớn trên thế giới, trong số đó có Argentina, được hưởng lợi.

Tuy nhiên, nông dân Gabriel Pellizzon, người trồng lúa mì, bắp và đậu nành trên diện tích khoảng 1.500 héc ta ở tỉnh Córdoba, miền trung của Argentina, cho biết ông có thể sẽ cắt giảm sản lượng khoảng 30% do chi phí phân bón tăng. Omar Bachetta, một nông dân ở tỉnh Santa Fe của Argentina, cho hay ông cũng đang giảm sử dụng phân bón.

Với giá phân urê đang ở mức 1.400 đô la Mỹ/tấn, tăng so với mức 800 đô la vào năm ngoái và 500 đô la vào năm 2020, ông quyết định giảm gieo trồng lúa mì đáng kể trong năm nay.

Theo Wall Street Journal

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới