Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giá phân đẩy giá gạo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giá phân đẩy giá gạo

(TBKTSG) – Giá lúa gạo tăng nhưng người nông dân không được hưởng nhiều lợi lộc, một phần do giá phân bón – đầu vào của sản xuất lúa – còn tăng nhanh hơn giá gạo.

Phóng viên báo New York Times ghi nhận ở làng Xuân Canh ngoại ô Hà Nội, thế hệ trẻ hiện nay cao lớn hơn cha mẹ rất nhiều do được ăn uống tốt hơn nhờ năng suất và sản lượng lúa tăng vọt. Mà việc tăng năng suất lúa có vai trò của phân hóa học.

Gia tăng sử dụng phân bón trên toàn cầu

Vào cuối thập niên 1980, lần đầu tiên nông dân làng Xuân Canh biết được hàm lượng dinh dưỡng của phân hóa học cao gấp 100 lần các loại phân chuồng, phân xanh mà họ thường dùng để bón ruộng. Từ đó việc sử dụng rộng rãi phân bón hóa học rẻ tiền, cộng với những cải cách hướng tới thị trường, đã giúp nền sản xuất nông nghiệp bùng nổ ở Việt Nam cũng như ở nhiều nơi khác trên thế giới. Năng suất lúa và bắp tăng vọt, bữa ăn phong phú hơn. Ở Việt Nam, sau hai mươi năm đổi mới, năng suất lúa tăng gấp đôi, bắp tăng gấp ba; nông dân có điều kiện phát triển chăn nuôi gia súc gia cầm và cải thiện bữa ăn hàng ngày.

Các chuyên gia nông nghiệp nói rằng, nông nghiệp ngày càng phụ thuộc vào phân bón hóa học, không có con đường nào khác. Phân hóa học là thành phần thiết yếu của nông nghiệp hiện đại. Khi dân số tăng, một tầng lớp trung lưu đông đảo hơn có nhu cầu cao về thực phẩm thì sử dụng phân hóa học là chiến lược hiệu quả nhất để nâng cao năng suất và sản lượng cây trồng.

Khi phân bón tăng giá

Giờ đây, ở nhiều nước, những thành quả đó đang bị đe dọa do phân bón bị khan hiếm cục bộ và giá cả leo thang. Trong năm qua, giá một số loại phân bón đã tăng gấp ba, khiến cho nông dân không thể mua đủ lượng phân cần dùng và đó là một trong các nguyên nhân đẩy giá lương thực lên.

Phân bón, thức ăn của cây trồng, là một hỗn hợp các chất dinh dưỡng được bón vào đất để nuôi cây. Ba chất quan trọng nhất là đạm (nitrogen – N), lân (phosphorus – P) và kali (potassium – K). Lân và kali có trong các mỏ tự nhiên, còn đạm mà cây trồng có thể hấp thụ được thì phải điều chế. Tình trạng thiếu đạm làm cho năng suất cây trồng không tăng được trong nhiều thế kỷ. Phải đến đầu thế kỷ 20 người ta mới tìm ra quy trình điều chế nitrogen từ khí đốt thiên nhiên, tạo ra phân đạm.

Việc sử dụng rộng rãi phân hóa học giúp cải thiện năng suất, đa dạng hóa chủng loại cây trồng. Từ năm 1900 đến năm 2000, sản xuất lương thực toàn cầu tăng 600%, và theo các nhà khoa học đó là cơ sở quan trọng nhất ngăn cản thảm họa “nhân mãn” khi cùng thời gian này dân số thế giới đã tăng từ 1,7 tỉ người lên 6,7 tỉ người. Giáo sư Vaclav Smil, Đại học Manitoba, tính ra rằng, nếu không có phân hóa học, khoảng 40% dân số thế giới sẽ không có cái gì để ăn cả.

Việc sử dụng rộng rãi phân hóa học, bên cạnh những cái lợi nói trên còn có những tác hại không thể coi thường. Bởi vì cây trồng không hấp thụ hết được lượng phân đạm bón trong đất, phần phân đạm dư thừa sẽ ngấm vào mạch nước ngầm hoặc theo sông suối chảy ra biển, là nguy cơ gây ô nhiễm trầm trọng nhất. Hàm lượng đạm trong nước cao sẽ tạo điều kiện sinh sôi các loài tảo độc, sau đó tảo sẽ hấp thụ hết dưỡng khí (oxy) trong nước và tạo thành những vùng chết (dead zone), nơi các cửa sông gặp biển, nơi mà các loài thủy sinh vật không thể sống được. Sự gia tăng các vùng chết này được coi là “hàn thử biểu” đo lường độ ô nhiễm nguồn nước trên thế giới và các chuyên gia đã thống kê được hơn 400 vùng như vậy, từ bờ biển Trung Quốc đến bờ biển Bắc Mỹ (xem bản đồ).

Ngay cả ở Mỹ, do giá phân bón tăng nhanh, nông dân ở bang Iowa – bang trồng nhiều bắp nhất nước Mỹ – phải quay lại với phương pháp thâm canh cổ lỗ: dùng phân heo để bón ruộng. Ở Ấn Độ, phân bón và trợ giá phân bón cho nông dân trở thành đề tài tranh luận nóng bỏng trên chính trường. Còn ở châu Phi, những kế hoạch xóa đói giảm nghèo thông qua việc tăng năng suất cây trồng có nguy cơ bị phá sản do giá phân hóa học tăng nhanh.

Theo Hiệp hội Công nghiệp Phân bón quốc tế, mức tiêu thụ phân hóa học trên toàn cầu từ năm 1996 đến nay tăng khoảng 31%, lên khoảng 160 triệu tấn vào năm ngoái (xem bản đồ).

Việt Nam là nước mà lượng phân bón sử dụng tăng nhiều nhất ở châu Á với 75%, chỉ ít hơn Brazil (81%) nhưng cao hơn nhiều so với Trung Quốc (38%) hoặc Thái Lan (11%). Sự gia tăng nhu cầu tiêu thụ đẩy giá phân bón lên. Tại Mỹ, từ đầu đến cuối năm ngoái giá phân lân (phosphate) đã tăng từ 393 đô la Mỹ/tấn lên 1.102 đô la Mỹ/tấn; giá phân đạm (urea) tăng từ 273 đô la lên 505 đô la.

Ở nhiều nước, chi phí do phân bón tăng giá có thể được bù đắp nhờ giá nông sản tăng tương ứng nhưng ở các nước mà phân bón được chính phủ trợ giá để nông dân có thể mua được, đây là một cuộc khủng hoảng. Chính phủ Ấn Độ chẳng hạn, dự tính năm nay sẽ phải chi ngân sách khoảng 22 tỉ đô la để bù giá phân hóa học, con số này năm 2005 chỉ là 4 tỉ đô la.

Thực ra hiện tượng mất cân đối cung-cầu về phân hóa học đã xuất hiện từ 5 năm trước và ngày càng nghiêm trọng. Nhu cầu lương thực và nhiên liệu sinh học tăng không ngừng buộc nông dân phải sản xuất ngày càng nhiều hơn, và do đó nhu cầu phân bón tăng đến mức các mỏ và các nhà máy không cung ứng nổi.

Các công ty phân bón tin rằng, tình trạng khan hiếm rồi sẽ được giải quyết và họ đã có kế hoạch xây dựng hàng chục nhà máy mới. Nhưng về lâu về dài, điều đó sẽ sinh ra những vấn đề mới: thế giới sẽ càng phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch để sản xuất phân hóa học và việc sử dụng ngày càng nhiều phân bón hóa học sẽ càng làm ô nhiễm trầm trọng hơn sông hồ trên trái đất.

Không có cách nào khác

Khó khăn còn ở chỗ gần như không có nguồn nguyên liệu nào có thể thay thế phân hóa học trong nông nghiệp. Jayson Willimack, chủ trang trại trồng bắp ở bang Iowa, Mỹ, đã thử xây hai trại nuôi heo, mỗi trại nuôi 2.400 con heo, để lấy phân bón cho 400 mẫu bắp, tương đương 10% diện tích canh tác của ông. Bằng cách này, ông tiết kiệm được mỗi năm 50.000 đô la Mỹ tiền mua phân hóa học, nhưng vấn đề là ở chỗ lượng đạm trong phân heo quá thấp, ảnh hưởng không tốt đến năng suất và sản lượng bắp. Phương án dùng phân súc vật thay cho phân hóa học đã tỏ ra không có hiệu quả.

Đầu tháng 4 vừa rồi, một ủy ban của Liên hiệp quốc khuyến nghị nông dân khắp thế giới nên thay đổi phương thức canh tác, giảm sử dụng phân hóa học mà hướng tới các phương pháp ít gây hại hơn, như luân canh các vụ rau màu trên ruộng lúa, ruộng bắp. Tuy nhiên, những người trong ngành cho rằng, sự thay đổi này có thể có ích nhưng không đáp ứng nổi sự gia tăng nhanh chóng nhu cầu lương thực của con người.

“Nuôi sống 6,6 tỉ con người là vấn đề căn bản. Không có phân hóa học thì không làm gì được”, Giáo sư Norman Borlaug, nhà khoa học Mỹ được giải Nobel Hòa bình năm 1970, nhờ những đóng góp vào việc phát triển nông nghiệp năng suất cao ở các nước đang phát triển, tuyên bố.

 

HUỲNH HOA (Theo New York Times)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới