Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Gia tăng lo ngại về rủi ro tỷ giá

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Gia tăng lo ngại về rủi ro tỷ giá

Thủy Triều

Lo ngại về rủi ro tỷ giá đang tăng dần. Ảnh: TL.

(TBKTSG Online) – Số liệu về tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng trên cả nước vào tháng 7 đã gieo thêm e ngại về việc tỷ giá có thể bị ảnh hưởng vào thời điểm cuối năm.

>>Rủi ro tỷ giá chực chờ

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố tính đến 20-7, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước giảm 0,25% so với tháng trước, trong đó tiền gửi bằng đồng tăng 0,51%, trong khi tiền gửi bằng ngoại tệ giảm 3,29%. So với cuối năm trước, tổng số dư tiền gửi của khách hàng ước tăng 3,96%.

Trong khi đó, tín dụng đối với nền kinh tế đến 20-7 ước giảm 0,19% so với tháng trước, trong đó tín dụng bằng tiền đồng giảm đến 0,88% trong khi cho vay bằng ngoại tệ tăng 1,96%. So với cuối năm trước, tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 7,57%.

Như vậy, mặc dù đã trải qua 3 tháng kể từ khi NHNN ban hành thông tư siết đối tượng được vay ngoại tệ, xu hướng vay ngoại tệ của các doanh nghiệp vẫn tiếp tục tăng, vì một lý do đơn giản là lãi suất ngoại tệ, chủ yếu đô la Mỹ vào khoảng 7-8%, hiện đang thấp hơn rất nhiều so với lãi suất tiền đồng đang quanh mốc 20%/năm.

Không chỉ để kinh doanh, các doanh nghiệp còn có thể kiếm lời từ chênh lệch lãi suất tiền đồng và đô la Mỹ khi họ tăng cường vay ngoại tệ xong bán lấy tiền đồng gửi vào ngân hàng nhằm hưởng lãi suất cao. Sau đợt phá giá mạnh vào tháng 2, nhiều chuyên gia dự báo rằng tiền đồng sẽ khó có đợt mất giá mạnh nào nữa từ nay đến cuối năm cộng với việc tỷ giá đã ổn định trong vòng 4 tháng qua, các doanh nghiệp cho rằng khó có khả năng tiền đồng sẽ mất giá đến 12-13% trong 4 tháng còn lại. Do vậy, vay ngoại tệ được xem là lựa chọn tốt.

Tuy nhiên, đáng lo ngại là huy động ngoại tệ lại vẫn đang tiếp tục xu hướng sụt giảm trong tháng 7 khi lãi suất huy động đô la Mỹ hiện nay chỉ 2%/năm trong khi lãi suất huy động tiền đồng vẫn bằng hoặc cao hơn mức trần 14%/năm tại nhiều ngân hàng. Xu hướng dịch chuyển nắm giữ tiền đồng sang ngoại tệ đã thể hiện qua số liệu công bố bởi NHNN trong tháng 7, tiền gửi ngoại tệ giảm đến 3,29% trong khi huy động tiền đồng tăng 0,51%.

Các chuyên gia e ngại, một khi các khoản vay ngoại tệ đến ngày đáo hạn, nhu cầu mua ngoại tệ trên thị trường để trả nợ của doanh nghiệp sẽ tăng cao và gây áp lực lên tỷ giá.

Chuyên gia Công ty chứng khoán TPHCM (HSC) cho biết hệ số cho vay trên huy động ngoại tệ nhìn từ bảng cân đối kế toán cho thấy các ngân hàng thiếu đô la do dư nợ cho vay ngoại tệ lớn hơn huy động ngoại tệ. Điều này sẽ góp phần đẩy lãi suất huy động đô la Mỹ lên cao hơn so với trần do NHNN quy định, có thể thấy thông qua lãi suất đô la liên ngân hàng hiện đã tăng lên khoảng 2,35% (đối với kỳ hạn 1 tuần). Với lãi suất bình quân tiền đồng đang giảm thì chênh lệch giữa lãi suất tiền đồng và lãi suất đô la đang thu hẹp.

Trong những tháng gần đây, rõ ràng đã có hiện tượng vay đô la Mỹ để đổi sang tiền đồng nhằm gửi tiết kiệm để hưởng lãi suất cao (so với lãi suất vay ngoại tệ) và hiện tại rủi ro xảy ra hiện tượng ngược lại, theo đó tiền đồng được chuyển mạnh sang đô la đang ngày càng tăng mặc dù khó có thể nói chính xác thời điểm hiện tượng “ngược lại” nói trên sẽ diễn ra. Cùng với những điều này, việc các khoản vay đô la trong 6 tháng đầu năm sắp đáo hạn sẽ góp phần gây áp lực lên tỷ giá, HSC nói.

Cho tới nay, thị trường ngoại hối đã được giữ ổn định và tỷ giá liên ngân hàng cũng như trên thị trường tự do mới chỉ tăng từ 40-50 đồng trong những tuần qua (lần lượt ở vào 20.615-20.620 đồng và 20.630-20.660 đồng). Tuy nhiên, quyết tâm giảm lãi suất huy động và cho vay của NHNN trước khi lạm phát theo năm thực sự dịu xuống tiềm ẩn những rủi ro rõ ràng. Nếu NHNN để lãi suất giảm quá nhanh thì có nguy cơ tỷ giá sẽ bắt đầu tăng trở lại, HSC nhận định.

Giá vàng trong nước tiếp tục tăng mạnh đang gây ra e ngại sẽ tạo cơ hội cho buôn lậu vàng xuất hiện nếu giá trong nước cao hơn thế giới. Và buôn lậu vàng là một trong những nguyên nhân gây áp lực lên tỷ giá vì ngoại tệ trên thị trường tự do sẽ bị mua gom để nhập vàng lậu, làm gia tăng đột biến nhu cầu ngoại tệ. Giá bán đô la niêm yết tại các ngân hàng đã tăng thêm trong cuối tuần qua, như tại Eximbank, mức tăng là 25 đồng đạt 20.650 đồng.

Trong một lần trả lời báo chí gần đây, Phó chủ nhiệm Ủy ban giám sát tài chính quốc gia Lê Xuân Nghĩa cho rằng dự trữ ngoại hối quốc gia đã tăng lên khoảng 4 tỉ đô la Mỹ trong những tháng qua, và NHNN có thể đủ sức can thiệp khi có sự cố trên thị trường ngoại hối. Tuy nhiên, ông Nghĩa cũng thừa nhận rủi ro tỷ giá cuối năm là một trong những rủi ro lớn mà Việt Nam sẽ đối mặt.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới