(KTSG Online) - Indonesia sẽ tăng hàm lượng pha trộn của một loại nhiên liệu sinh học có nguồn gốc từ dầu cọ, với dầu diesel trong năm nay. Quyết định này sẽ siết chặt thêm nguồn cung dầu thực vật toàn cầu vốn đã eo hẹp do sản lượng dầu cọ ở Đông Nam Á và khu vực Mỹ Latin đang suy giảm.
- Indonesia gia hạn miễn thuế xuất khẩu dầu cọ đến hết tháng 10
- Indonesia trở thành nhà sản xuất dầu diesel sinh học lớn nhất thế giới
Chính phủ Indonesia yêu cầu triển khai chương trình dầu diesel sinh học B35 kể từ đầu tháng 2 tới. Dầu B35 sử dụng tỷ lệ pha trộn 35% este metyl axit béo chiết xuất từ dầu cọ, tăng so tỷ lệ 30% trước đây.
Điều này có nghĩa là các nhà sản xuất dầu cọ của Indonesia, nhà cung cấp dầu cọ lớn nhất thế giới, phải hạn chế xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu dầu diesel sinh học B35 ở trong nước.
Những nước nhập khẩu dầu ăn, bao gồm các nước ở Nam Á và châu Phi, những nơi người tiêu dùng nhạy cảm hơn với giá cả, sẽ chịu tác động từ động thái hạn chế nguồn cung dầu cọ của Indonesia. Điều này xảy ra giữa lúc nhu cầu dầu ăn toàn cầu được dự báo tăng trong năm nay khi Trung Quốc từ bỏ chính sách ‘zero Covid’ và Ấn Độ tăng cường nhập khẩu.
Việc Indonesia hạn chế xuất khẩu dầu có thể sẽ áp đặt thêm một thách thức khác đối với các nước nhập khẩu lương thực đang chịu tổn thương do lạm phát tăng cao hồi năm ngoái, đẩy giá các mặt hàng ngũ cốc như là lúa mì, bắp và đậu nạnh lên mức cao nhất trong lịch sử hoặc trong nhiều năm.
Oscar Tjakra, nhà phân tích cấp cao về nghiên cứu kinh doanh nông nghiệp và thực phẩm tại Ngân hàng Rabobank (Hà Lan), nói: “Việc triển khai chương trình dầu diesel sinh học B35 ở Indonesia trong năm 2023 chắc chắn sẽ làm thay đổi bức tranh cung cầu dầu cọ toàn cầu. Tôi dự báo nguồn cung dầu cọ toàn cầu sẽ bị thiếu hụt nhẹ trong năm nay”.
Chương trình dầu diesel sinh học B35 của Indonesia quy định dầu diesel được bán ở nước này từ ngày 1-2 phải chứa 35% este metyl axit béo có nguồn gốc từ dầu cọ. Đây là tỷ lệ pha trộn este metyl axit béo cao nhất thế giới đối với các loại dầu diesel sinh học.
Để so sánh, Malaysia đã thực hiện một phần quy định pha trộn 20% este metyl axit béo vào dầu diesel. Tỷ lệ nhiên liệu sinh học trong dầu diesel và xăng ở các nước nước khác cũng thấp hơn nhiều.
Hiệp hội các nhà sản xuất nhiên liệu sinh học Indonesia (IBPA) cho biết chương trình dầu diesel sinh học B35 sẽ sử dụng 11,44 triệu tấn dầu cọ trong năm nay, tăng từ 9,6 triệu tấn vào năm 2022, khi Indonesia sử dụng dầu diesel sinh học theo tiêu chuẩn B30.
Indonesia, nước sản xuất hơn một nửa sản lượng dầu cọ toàn cầu, cũng thắt chặt hạn ngạch xuất khẩu loại dầu này trong năm nay. Theo đó, các công ty kinh doanh dầu cọ của Indonesia chỉ được bán ra nước ngoài gấp sáu lần khối lượng dầu cọ mà họ bán trong nước, thấp hơn tỷ lệ tám lần trong 4-2022.
Fadhil Hasan, một quan chức của Hiệp hội Dầu cọ Indonesia (GAPKI), nói với Reuters: “Xuất khẩu dầu cọ của Indonesia chắc chắn sẽ giảm do sản lượng giảm và tiêu thụ nội địa tăng”.
Theo ước tính của GAPKI, Indonesia sản xuất 51,3 triệu tấn dầu cọ trong năm 2022 và xuất khẩu 33,7 triệu tấn. Năm 2023, sản lượng dầu cọ của nước này dự kiến đạt 50,82 triệu tấn và xuất khẩu giảm về mức 26,42 triệu tấn.
Trong một diễn biến khác, hôm 12-1, Malaysia, nước sản xuất dầu có lớn thứ hai thế giới, cảnh báo có thể ngừng xuất khẩu dầu cọ sang Liên minh châu Âu (EU) để đáp trả luật mới của EU nhằm bảo vệ rừng bằng cách kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu mặt hàng này.
Hồi đầu tháng 11, EU tán thành một luật mới, cấm các công ty bán vào thị trường chung châu Âu các sản phẩm nông nghiệp như cà phê, cao su, đậu nành, gỗ, thịt bò, dầu cọ… có liên quan đến nạn phá rừng trên toàn cầu. Nếu không tuân thủ các quy định yêu cầu chứng minh các sản phẩm này không phải được sản xuất trên những khu đất hình thành từ việc phá rừng, các công ty liên quan sẽ đối mặt với mức phạt tương đương 4% doanh thu tại một nước thành viên EU.
Tổng Giám đốc Ủy ban Dầu cọ Malaysia Ahmad Parveez Ghulam Kadir cho biết, giá dầu cọ kỳ hạn của Malaysia dự kiến nằm trong khoảng 4.000-4.200 ringgit (920-970 đô la Mỹ)/tấn trong năm 2023.
Mức giá đó thấp hơn mức giá trung bình của dầu cọ cao kỷ lục 4.910 ringgit vào năm 2022 nhưng cao hơn mức giá trung bình 3.260 ringgit / tấn trong giai đoạn 2018-2022.
Hôm 13-1, giá cọ kỳ hạn của Malaysia giao dịch gần mức thấp nhất trong ba tuần quanh mức 3.860 ringgit/tấn.
Các mối đe dọa khác đối với nguồn cung dầu ăn toàn cầu bao gồm tình hình hạn hán tồi tệ nhất của Argentina trong 60 năm, được dự báo sẽ làm giảm sản lượng đậu nành của nước này xuống còn 41 triệu tấn, so với 48 triệu ước tính trước đó.
Nhập khẩu dầu cọ của Ấn Độ trong tháng 12 tăng 94% so với một năm trước đó, lên mức cao kỷ lục. Ấn Độ đẩy mạnh nhập khẩu dầu cọ vì sản phẩm này có mức chiết khấu cao hơn so với các loại dầu thực vật khác.
Sandeep Bajoria, Giám đốc điều hành của Sunvin Group, một công ty môi giới dầu thực vật của Ấn Độ, nói: “Mức chiết khấu của dầu cọ so với các loại dầu ăn chính khác là khoảng 300 đô la/tấn. Chúng tôi dự báo mức chiết khấu này sẽ giảm xuống còn khoảng 200 đô la/tấn vào tháng 3 tới. Nhưng nhu cầu mạnh mẽ của Ấn Độ đối với dầu cọ sẽ tiếp tục vì đây vẫn là loại dầu ăn rẻ nhất”.
Hoạt động nhập khẩu dầu cọ của Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu cọ lớn thứ hai thế giới, dự kiến tăng trong năm nay nhờ các hoạt động kinh doanh trong nước phục hồi sau khi Bắc Kinh từ bỏ chính sách ‘zero Covid’.
Theo Reuters