(KTSG) - Trong lúc nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng xuất khẩu mới do ảnh hưởng của sự suy giảm kinh tế toàn cầu, có không ít doanh nghiệp vẫn đều đặn xuất hàng qua sàn thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới. Họ không chỉ gia tăng đơn hàng ra nước ngoài, bảo đảm sự sản xuất liên tục mà còn mở rộng việc tiếp cận trực tiếp đến người tiêu dùng toàn cầu bằng chính thương hiệu của mình.
- Xuất khẩu thông qua thương mại điện tử đạt 296.000 tỉ đồng vào năm 2027
- Thương mại điện tử và các giải pháp số giúp doanh nghiệp hội nhập quốc tế
Chuyện các doanh nghiệp Việt Nam xuất hàng dưới bóng thương hiệu các nhãn hàng ngoại đã thay đổi nhờ kênh TMĐT xuyên biên giới. Ngày càng nhiều doanh nghiệp bám sát sàn TMĐT lớn để không chỉ gia tăng doanh số bán hàng mà còn tận dụng các công cụ của sàn TMĐT để quảng bá cho doanh nghiệp và tiếp cận trực tiếp với khách hàng toàn cầu. Các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng chọn lối đi bán hàng bằng lượt nhấp chuột để nhanh chóng tham gia thị trường các nước.
Những “quả ngọt” xuất khẩu
An Phát Holdings - nhà sản xuất Việt Nam chuyên về phát triển nguyên vật liệu và sản phẩm phân hủy sinh học - đang từng bước tiếp cận khách hàng toàn cầu thông qua sàn TMĐT Amazon. Phó tổng giám đốc Nguyễn Lê Thăng Long cho hay thương hiệu AnEco của An Phát Holdings đã hiện diện trên sàn Amazon, qua đó đã kết nối được với hàng chục ngàn khách hàng các nước và con số này chưa dừng lại. Điều rất đáng nói là doanh số của AnEco trên Amazon đã tăng trưởng vượt bậc.
Nhãn hiệu quần áo Việt Nam V-SixtyFour của Công ty TNHH Việt Thắng Jeans (VitaJean) ngày càng hiện diện nhiều hơn ở xứ sở hàng thời trang Hàn Quốc nhờ công ty này đẩy mạnh hoạt động kinh doanh TMĐT xuyên biên giới. Tổng giám đốc Phạm Văn Việt của VitaJean cho biết, lượng hàng V-SixtyFour được tiêu thụ tại Hàn Quốc đang tăng nhanh và chiếm gần 6% tổng sản phẩm V-SixtyFour tiêu thụ vào năm ngoái.
Ông Việt nói: “Kinh doanh qua cú nhấp chuột mang lại hiệu quả cao khi vừa tiếp cận được thị trường một cách nhanh chóng, vừa tiết kiệm được nhiều khoản đầu tư và quản lý so với mô hình xuất khẩu truyền thống hoặc tự mở cửa hàng kiểu truyền thống”.
Việc quyết liệt chuyển đổi số và thúc đẩy kinh doanh TMĐT xuyên biên giới từ năm 2021 cũng mang lại cho thương hiệu cà phê Việt Nam của Simexco - Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk - những “quả ngọt”: lượng đơn hàng và giao dịch gia tăng liên tục. Theo ông Lê Đức Huy, Tổng giám đốc Simexco, riêng năm tháng đầu năm nay doanh số bán hàng qua kênh này tăng trên 20% và lượt tìm kiếm sản phẩm của công ty tăng 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty hiện đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cà phê Simexco tại các thị trường nhập khẩu cà phê Simexco, như Mỹ và hoàn thiện quy trình giải quyết đơn hàng, giao hàng, thanh toán tự động và đồng bộ hóa… giúp công ty giảm thiểu nhiều chi phí, tăng hiệu suất hoạt động.
Nhiều doanh nghiệp khác lâu nay chỉ kinh doanh theo mô hình truyền thống như hạt điều Lafooco, mũ bảo hiểm Royal, gia dụng Sunhouse… cũng bắt đầu tham gia kênh TMĐT, xem đây là một lối đi tắt vươn đến khách hàng toàn cầu.
Đơn giản hóa khâu trung gian nhờ công nghệ
Theo Giám đốc khu vực phía Nam của Amazon Global Selling Việt Nam, ông Trần Xuân Thủy, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng hóa lên sàn Amazon để kết nối với hơn 300 triệu khách hàng thế giới mà không phải qua khâu trung gian. Nhờ đó, giá trị hàng hóa Việt Nam xuất qua nền tảng này đã tăng 45% và số nhà bán hàng tăng 80% so cùng kỳ năm ngoái.
Khâu trung gian mà ông Thủy nhắc đến xuất hiện trên con đường mà một doanh nghiệp tự tìm hiểu và tham gia vào một thị trường mới thường gặp: sản phẩm đi từ nhà sản xuất đến nhà xuất khẩu, rồi đến nhà nhập khẩu, tiếp theo là nhà phân phối, sau đó mới đến nhà bán lẻ trước khi đến tay người tiêu dùng. Theo cách thông thường này sẽ mất vài năm. TMĐT xuyên biên giới rút ngắn quãng đường này, để hàng hóa đi từ chủ thương hiệu hay nhà sản xuất qua nền tảng TMĐT và tới người tiêu dùng. Quãng đường được lược bỏ các khâu trung gian sẽ giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí, kiểm soát được thị trường và vòng đời của sản phẩm.
Có ba khía cạnh để doanh nghiệp gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường toàn cầu gồm: hiểu khách hàng quốc tế; đổi mới, đột phá sản phẩm và xây dựng thương hiệu. So với kinh doanh truyền thống, TMĐT có nhiều ưu thế hơn khi giải quyết các khía cạnh nói trên.
Tìm hiểu khách hàng quốc tế để có thể cung cấp cho họ những sản phẩm có các tính năng, thiết kế họ cần, dịch vụ họ muốn là điều doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu nào cũng phải làm để bán được hàng tốt. Theo ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam, các công cụ số hóa từ TMĐT xuyên biên giới cho phép doanh nghiệp hiểu được nhu cầu, hành vi của khách hàng quốc tế, xem được đánh giá, phản hồi, góp ý của khách hàng trên gian hàng của mình. Hiểu được khách hàng, doanh nghiệp có thể cải tiến sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ và cách thức tiếp thị cho thương hiệu của mình. Và vì không qua trung gian nên việc xây dựng và hoàn chỉnh quy trình thay đổi sản phẩm và đáp ứng số lượng hàng mới ra thị trường quốc tế chỉ mất vài tháng thay vì cả năm. “Biết cách kể câu chuyện sản phẩm bằng câu chuyện thương hiệu, doanh nghiệp sẽ có lợi thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu”, ông Gijae Seong nói.
Ưu thế của TMĐT là kết nối xuyên biên giới. Khi thực hiện xuất khẩu qua sàn thương mại này, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) cũng có được cơ hội cạnh tranh thương mại bình đẳng. Theo đại diện Amazon, khảo sát với 300 doanh nghiệp MSME ở Việt Nam cho thấy 86% trong số này cho rằng sẽ không đủ năng lực thực hiện hoạt động xuất khẩu nếu không có TMĐT. Bên cạnh đó, các MSME địa phương cũng đang hướng tới việc mở rộng thị trường đến các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật Bản và nhiều nước châu Âu trong vòng năm năm tới.
Nhiều thách thức
Theo doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, quá trình đăng ký làm đối tác của các sàn TMĐT quốc tế phải trải qua nhiều bước thẩm duyệt của chủ sàn với hàng loạt yêu cầu, như sản phẩm phải bảo đảm đáp ứng những yêu cầu khắt khe về nguồn gốc và tiêu chí chất lượng sản phẩm, chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm quốc tế; bao bì sản phẩm và quy cách đóng gói cũng phải theo tiêu chuẩn của các sàn TMĐT. Lên được sàn rồi, doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục có chiến lược tiếp thị, quảng cáo và quản lý hàng hóa phù hợp… Đó là những thách thức nhưng chưa hết.
Theo người đại diện tập đoàn Sunhouse để đạt hiệu quả cao khi tham gia vào các nền tảng kinh doanh TMĐT quốc tế, khâu nghiên cứu chi tiết thị trường nhập khẩu là rất quan trọng. Sunhouse có hàng trăm sản phẩm, nhưng công ty mất đến năm tháng để nghiên cứu thị trường và chỉ lựa chọn ra bốn sản phẩm phù hợp nhất để đưa lên sàn Amazon mới đạt được kết quả tích cực.
Giám đốc Viet Products Nguyễn Văn Sang cho rằng đi vào thực tế việc xuất khẩu hàng hóa trực tuyến không đơn giản. Ví dụ, với những công ty có mặt hàng xuất khẩu là đồ gỗ cồng kềnh, nặng và chiếm nhiều không gian như của Viet Products thì rất cần cân nhắc về tính hiệu quả. Bởi lẽ không chỉ thực hiện nhiều thủ tục, khâu kiểm duyệt, thẩm định về sản phẩm của chủ sàn thương mại, nhà xuất khẩu còn có trách nhiệm vận chuyển hàng hóa, thuê kho bãi chứa hàng, nhân sự… ở các thị trường mình muốn đến. Chi phí khá tốn kém, trong khi chưa rõ hiệu quả kinh doanh thế nào?
Ở vị trí điều hành Amazon Global Selling Việt Nam, ông Gijae Seong nêu những điểm khó mà mặt hàng nông sản xuất khẩu Việt Nam đang gặp phải. Theo ông Seong, hàng nông sản tươi có nhiều loại kích thước, cồng kềnh lại bị hạn chế về thời gian sử dụng, thời gian vận chuyển khá dài và phải lưu kho chờ người đặt hàng. Vì vậy doanh nghiệp bán hàng sẽ phải tính toán đến các chi phí lưu kho, nghiên cứu điều kiện nhiệt độ ở nơi nhập khẩu để có các biện pháp bảo quản sao cho sản phẩm ngon và an toàn tới tay người tiêu dùng… Trung tâm bán hàng trên Amazon có cung cấp các bộ tài liệu hướng dẫn xuất khẩu cho từng thị trường mà doanh nghiệp bán hàng Việt Nam có thể tham khảo.
Rõ ràng có nhiều cơ hội như An Phát Holdings, VitaJeans hay Simexco, SunHouse đã nắm bắt được nhưng với nhiều doanh nghiệp khác cũng đầy gian nan khi muốn đẩy mạnh xuất khẩu qua kênh trực tuyến. Những con số thực tế về lượt bán hàng hay giao dịch gia tăng không chỉ qua Amazon mà còn đến từ các sàn thương mại quốc tế khác, như Alibaba, JD.com, Shopee Global… cho thấy người tiêu dùng trên thế giới tiếp tục mua hàng Việt Nam với số lượng lớn hoặc mua lẻ.
Bản báo cáo của Công ty Tư vấn Access Partnership Việt Nam nêu rằng giá trị xuất khẩu qua TMĐT của Việt Nam đạt hơn 80.000 tỉ đồng trong năm 2022 và có thể đạt gần 300.000 tỉ đồng ở năm 2027. Lạc quan là vậy nhưng mọi việc không êm ả như dòng nước chảy xuôi, nhất là khi doanh nghiệp Việt Nam - những tân binh trong làng xuất khẩu trực tuyến xuyên biên giới lại gặp những lão làng quốc tế trên cùng thị trường. Cơ hội luôn đính kèm những thách thức, vấn đề là doanh nghiệp có sẵn sàng đón nhận những cơ hội và đầu tư nghiêm túc để đạt hiệu quả không.