Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Giá thép liên tục tăng, đe doạ hoạt động xây dựng

Thiên Hà

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Sau khi có xu hướng giảm giá trong đầu quí 4-2021 thì từ 27-12-2021 giá thép xây dựng liên tục được điều chỉnh tăng 7 lần, làm dấy lên lo ngại ảnh hưởng đến hoạt động xây dựng trên cả nước.

Giá thép xây dựng trong nước đang có những diễn biến tăng giá liên tục kể từ cuối năm 2021 đến nay. Ngay trong tháng 3 này, các nhà máy đã liên tục tăng giá bán thép với mức tăng thêm tới 1.310 đồng/kg.

Trong 7 đợt điều chỉnh tăng giá liên tục với đợt mới nhất là ngày 10-3, giá thép xây dựng của Pomina, Miền Nam, Việt Nhật, Tung Ho, Việt Mỹ, Hòa Phát tăng thêm từ 1.910 - 2.260 đồng/kg tùy nhà máy.

Sau khi tăng giá, giá thép Việt Nhật hiện đang bán tại nhà máy với mức giá thép cuộn CB240 là 18.320 đồng/kg và thép D10 CB300 là 18.420 đồng/kg, thép Hòa Phát ở mức giá đắt hơn thép Việt Nhật với mức giá bán thép cuộn CB240 là 18.330 đồng/kg và thép D10 CB300 là 18.430 đồng/kg. Tuy nhiên mức giá này chưa bao gồm thuế và chi phí vận chuyển. Giá thép đến công trường sẽ tăng thêm nhiều hơn trước do chi phí vận tải tăng vì giá xăng, dầu tăng.

Chỉ tính riêng giá thép tại nhà máy đã tăng từ 11,56 - 13,97% tùy loại khiến giá xây dựng nhà ở trong thời gian tới sẽ tăng đáng kể. Cụ thể, chi phí mua thép xây dựng chiếm khoảng 28% chi phí xây dựng một căn hộ chung cư và khoảng 35% chi phí xây dựng 1 căn nhà liền kề. Như vậy với mức tăng 11,56 - 13,97% của giá thép từ đầu năm thì chi phí xây dựng một căn hộ chung cư tăng thêm 3,23 - 3,91% và chi phí xây dựng một căn nhà liền kề tăng 4,04 - 4,89%.

Do chi phí tăng, giá bán của căn hộ chung cư và giá bán nhà liền kề sẽ tăng ảnh hưởng trực tiếp đến người có nhu cầu mua nhà trong thời gian tới. Ví dụ, do ảnh hưởng bởi giá thép một căn hộ chung cư có giá bán 2 tỉ đồng có thể tăng thêm 78,2 triệu đồng; Trong khi đó căn nhà liền kề có giá bán 10 tỉ đồng có thể tăng lên 10,489 tỉ đồng, tức tăng 489 triệu đồng.

Theo đại diện siêu thị Thép Giá Sỉ thì giá thép xây dựng trong thời gian tới nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng. Tuy nhiên, mức tăng cụ thể còn tùy vào tốc độ tiêu thụ hàng của thị trường, và giá nguyên liệu đầu vào của ngành.

Tuy nhiên không chỉ có giá thép tăng, giá các vật liệu xây dựng khác cũng đang có xu hướng tăng mạnh trong thời gian qua do chi phí vận chuyển tăng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến thị trường bất động sản gia giá xây dựng tăng cao sẽ khiến các nhà đầu tư tăng giá bán trong thời gian tới, đặc biệt ở phân khúc nhà ở xã hội.

Theo nhiều chủ thầu xây dựng, giá vật liệu đầu vào cao sẽ khiến họ phải tăng giá xây dựng công trình mới thêm khoảng 1 triệu đồng/m2. Giá xây thô được các công ty xây dựng báo giá hiện ở mức 4-5 triệu đồng/m2, còn báo giá xây nhà hoàn thiện lên 7-8 triệu đồng/m2.

Ảnh hưởng đến các dự án trọng điểm quốc gia

Hệ quả của đà tăng giá các mặt hàng vật liệu thiết yếu là đẩy giá công trình xây dựng lên mặt bằng mới. Việc giá thép tăng mạnh trong những tháng đầu năm và tiếp đà tăng giá trong quí 4 đã gây ra rất nhiều khó khăn cho các chủ đầu tư. Không ít chủ đầu tư đã không thể tiếp tục thi công vì tiếp tục làm thì lỗ, thậm chí nhiều chủ đầu tư đành buông xuôi để mặc dự án “đắp chiếu”.

Dự báo của các chuyên gia cho thấy giá vật liệu xây dựng sẽ tiếp tục tăng trong suốt quí 2 và quí 3 năm nay nếu tình hình thế giới vẫn bất ổn và giá các nguyên liệu đầu vào của ngành sản xuất vật liệu xây dựng tiếp tục tăng vì tình hình bất ổn. Đặc biệt, giá xăng dầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới giá vận chuyển vật liệu xây dựng đến công trường. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thi công của các công trình trọng điểm quốc gia, trong bối cảnh Chính phủ tăng đầu tư công nhằm khôi phục kinh tế sau dịch Covid-19.

Ngày 11-8-2021 Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) đã phải có văn bản kiến nghị lên Văn phòng Chính phủ để có giải pháp tháo gỡ trước tình trạng giá thép xây dựng tăng đột biến.

Theo Chủ tịch VACC Nguyễn Quốc Hiệp, thời điểm này, không chỉ các nhà thầu xây dựng đau đầu với bài toán vật liệu xây dựng tăng giá, mà các chủ đầu tư lớn cũng đang lo sốt vó khi đơn giá xây lắp bị đội lên cao so với dự toán ban đầu, ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư.
Thực tế, cho đến thời điểm này, biến động giá vật liệu xây dựng đã thực sự trở thành “cơn ác mộng” đối với các nhà thầu xây dựng, nhất là các nhà thầu thi công các dự án hạ tầng giao thông lớn.

Đơn cử như với Liên danh Phương Thành - Cienco4 – đơn vị đang thi công gói thầu XL2, Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Dầu Giây - Phan Thiết. Tại thời điểm Gói thầu XL2 tổ chức đấu thầu (tháng 10-2020), giá thép tròn do Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận công bố là 12.000 đồng/kg, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Chỉ sau khoảng một tháng, giá thép đã bắt đầu tăng cao trong quí 1-2021, tăng đột biến trong các tháng 6, 7, 8 và có dấu hiệu hạ nhiệt trong quí 4-2021 nhưng lại tiếp tục đà tăng từ cuối năm 2021 đến nay. Theo các nhà thầu, với việc giá vật liệu xây dựng, đặc biệt là giá thép tiếp tục tăng như hiện nay các doanh nghiệp này sẽ lỗ hàng chục, hàng trăm tỉ đồng mỗi dự án.

Theo Phó cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông vận tải) Lê Quyết Tiến, giá một số loại vật liệu xây dựng chủ yếu có xu hướng tăng cao là thực tế diễn ra khoảng một năm nay và đã gây nhiều khó khăn cho các nhà thầu thi công xây dựng, đặc biệt đối với các gói thầu lớn.

Bộ Giao thông vận tải đang triển khai khoảng 40 dự án đầu tư công. Trong đó, các hợp đồng thi công xây dựng chủ yếu áp dụng loại hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh theo phương pháp hệ số giá điều chỉnh. Nghĩa là dùng chỉ số giá của địa phương công bố; các yếu tố chi phí trong công thức điều chỉnh giá gồm: nhân công, máy thi công, nhiên liệu, nhựa đường, thép, cát, đá, xi-măng…

Tuy nhiên, thị trường có biến động lớn, bất thường, trong khi chỉ số giá xây dựng do địa phương công bố không kịp thời hoặc phản ánh chưa sát với biến động giá của dự án, công trình cụ thể, thì việc điều chỉnh giá cho cả hợp đồng cũng khó phản ánh đầy đủ, chính xác mức độ biến động giá đột biến của thị trường.

Giải quyết biến động giá vật liệu xây dựng

Ngay trong tháng 1-2022, Chính phủ đã có những chỉ đạo liên quan đến vấn đề giá vật liệu xây dựng. Trong Công văn 9585/VPCP-CN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về việc triển khai thực hiện Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Tại Công văn trên, Phó thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ động thực hiện các biện pháp để bình ổn thị trường vật liệu xây dựng theo thẩm quyền; kiểm tra, hướng dẫn sở xây dựng tại các địa phương trong việc công bố giá vật tư, vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo quy định.

Phó thủ tướng cũng yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai tiếp thu ý kiến của Bộ Xây dựng, chỉ đạo cơ quan liên quan phối hợp với Bộ Xây dựng trong việc bình ổn thị trường; công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo quy định và phù hợp với biến động của thị trường, bảo đảm quản lý chi phí đầu tư xây dựng các dự án trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Tuy nhiên với tình hình hiện nay, nếu không sớm có giải pháp tháo gỡ kịp thời, linh hoạt, phù hợp, và hiệu quả từ phía các cơ quan chức năng, thì việc giá vật liệu xây dựng tăng cao như hiện nay sẽ không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án mà còn đẩy các nhà thầu xây dựng đối mặt rủi ro, thua lỗ lớn, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nỗ lực phục hồi kinh tế của cả nước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới