(KTSG Online) - Khu vực miền Bắc đang trở thành nơi thu hút đầu tư bất động sản công nghiệp. Về giá cả, giá đất công nghiệp ở mức trung bình khoảng 138 đô la/m2, thấp hơn 20% so với miền Nam.
- Ngành công nghiệp bán dẫn ‘đặt cược’ vào công nghệ AI
- TPHCM thành lập Hội đồng thẩm định bảng giá đất
TTXVN đưa tin, báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư cho thấy, trong những năm gần đây, ngành sản xuất và chế biến chiếm hơn 70% tổng số đầu tư nước ngoài (FDI). Điều này vừa mang lại lợi ích kinh tế trực tiếp vừa thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp phụ trợ và dịch vụ liên quan.
Theo bản tin trên, quản lý cấp cao bộ phận bất động sản công nghiệp, Savills Hà Nội cho biết, Việt Nam đang có vị trí thuận lợi cho các hoạt động phát triển sản xuất, đồng thời là điểm đến cho các hoạt động xuất nhập khẩu.
Đặc biệt, khu vực miền Bắc đang trở thành nơi dẫn đầu trong thu hút đầu tư bất động sản công nghiệp. Khảo sát của Savills Việt Nam cho thấy, các tỉnh như Bắc Ninh, Hải Phòng và Thái Nguyên đang thu hút các dự án FDI trong lĩnh vực sản xuất.
Ở phía Nam, Bình Dương là nơi đang thu hút nhiều doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực sản xuất và chế biến.
Tuy nhiên, miền Bắc đang có những lợi thế như giá đất công nghiệp ở mức trung bình khoảng 138 đô la/m2, thấp hơn 20% so với miền Nam. Cụ thể, ở miền Nam, để thuê được khu đất nằm tại vị trí chiến lược ở Bình Dương hay TPHCM, giá đất có thể lên tới 300 đô la/m2. Trong khi đó, ở thị trường phía Bắc, giá trung bình khoảng 180 đô la/m2 cho các khu vực chiến lược như Bắc Ninh. Bên cạnh đó, các tuyến đường cao tốc kết nối khu công nghiệp với Hà Nội và biên giới Trung Quốc càng làm tăng sức hút của miền Bắc đối với nhà đầu tư nước ngoài.
So sánh với một số quốc gia khác trong khu vực, các chuyên gia nhận định, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam đang dần phát triển hơn. Tỷ giá hối đoái giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ vẫn ổn định cùng với các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp đang tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam trước các nước khác như Malaysia và Indonesia.
Đáng chú ý, Việt Nam đã chuyển trọng tâm từ các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng thấp sang các ngành sản xuất có giá trị gia tăng cao; chuyển đổi định hướng từ nền kinh tế nông nghiệp sang tập trung vào xuất khẩu, đặc biệt là lĩnh vực điện tử và chế biến, góp phần nâng cao vị thế một thị trường mới nổi. Các hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút FDI vào Việt Nam.
Tuy nhiên, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam cũng gặp những thách thức như thiếu hụt nguồn lao động có tay nghề cao. Hiện tại, các dự án hạ tầng đang được triển khai chủ yếu tập trung ở một số khu vực, cần có sự mở rộng và phát triển đồng bộ trên toàn quốc…