Chủ Nhật, 6/04/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Giá trị M&A toàn cầu đạt kỷ lục mới, hơn 5 ngàn tỉ đô la

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các thương vụ thâu tóm và sáp nhập (M&A) với mức định giá cao ngất ngưỡng đã đẩy giá trị M&A toàn cầu lên mức cao nhất trong lịch sử, hơn 5 nghìn tỉ đô la trong năm 2021.

Sôi động M&A sau giai đoạn đứt gãy bởi dịch bệnh

Thị trường M&A đạt gần 9 tỉ đô la trong 10 tháng qua

Hồi tháng 5-2021, hãng truyền thông và giải trí Discovery (Mỹ) đồng ý trả 43 tỉ đô la để thâu tóm Công ty truyền thông và giải trí WarnerMedia, đơn vị thành viên của Tập đoàn viễn thông AT&T. Ảnh: Getty

Trong năm nay, tính đến ngày 16-12, tổng giá trị các thương vụ M&A trên toàn cầu đạt 5,63 nghìn tỉ đô la, tăng 63% so với năm ngoái, theo dữ liệu của Dealogic. Con số này dễ dàng phá mức kỷ lục 4,42 nghìn tỉ đô la được xác lập vào năm 2007.

Tổng giá trị các thương vụ M&A ở Mỹ trong năm nay tăng gần gấp đôi so với năm ngoái, lên mức 2,61 nghìn đô la. Con số này tại châu Âu tăng 47%, lên mức 1.260 tỉ đô la, còn tại châu Á - Thái Bình Dương tăng 37% lên mức 1.270 tỉ đô la.

Giải thích cho cơn bùng nổ M&A trên toàn cầu, Chris Roop, đồng Giám đốc bộ phận M&A phụ trách thị trường Bắc Mỹ của Ngân hàng JPMorgan, cho biết: “Bảng cân đối kế toán của các doanh nghiệp cực kỳ lành mạnh, với số dư tiền mặt lên đến 2.000 tỉ đô la tiền mặt chỉ tính riêng ở Mỹ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp được tiệm cận nguồn vốn dồi dào với chi phí vay ở các mức thấp nhất trong lịch sử”.

Công nghệ và chăm sóc sức khỏe, thường chiếm thị phần lớn nhất của thị trường M&A, tiếp tục dẫn đầu trong năm 2021, một phần do nhu cầu bị dồn nén từ năm ngoái khi các  hoạt động M&A giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm do tổn thất tài chính toàn cầu dưới tác động của đại dịch Covid-19.

Trong năm qua, các doanh nghiệp đổ xô huy động vốn từ các đợt chào bán cổ phần hoặc trái phiếu. Trong khi đó, các tập đoàn lớn đã tận dụng thị trường chứng khoán đang bùng nổ để sử dụng cổ phiếu của chính họ làm công cụ thanh toán trong các thương vụ M&A.

Hơn nữa, lợi nhuận doanh nghiệp tăng mạnh mẽ và triển vọng kinh tế tổng thể tươi sáng đã mang lại sự tự tin cho giới lãnh đạo doanh nghiệp để theo đuổi các thương vụ lớn bất chấp những khó khăn tiềm ẩn như áp lực lạm phát.

Tom Miles, đồng Giám đốc bộ phận M&A phụ trách châu Mỹ của Ngân hàng Morgan Stanley, nhận xét: “Thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh mẽ là động lực chính cho các hoạt động M&A. Khi giá cổ phiếu tăng cao, điều đó thường cho thấy triển vọng kinh tế tích cực và niềm tin của các giám đốc điều hành cao".

Raghav Maliah, Phó chủ tịch toàn cầu ở mảng ngân hàng đầu tư của Goldman Sachs, cho biết: "Trong khi hoạt động M&A xuyên biên giới của Trung Quốc chỉ tăng ở mức khiêm tốn, giới doanh nghiệp từ các nước châu Á khác đẩy mạnh mua tài sản trên toàn cầu. Chúng tôi kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp tục, đặc biệt là đối với các thương vụ M&A ở châu Âu và Mỹ”.

Một số thương vụ lớn nhất được thực hiện vào nửa đầu năm nay, gồm thỏa thuận 43 tỉ đô để sáp nhập đơn vị truyền thông và giải trí WarnerMedia thuộc Tập đoàn viễn thông AT&T vào hãng truyền thông và giải trí Discovery và thỏa thuận 34 tỉ đô la để thâu tóm Công ty cung cấp thiết bị y tế Medline của một nhóm quỹ đầu tư. Và các giao dịch M&A không có dấu hiệu chậm lại trong nửa cuối năm.

Hôm 21-11, Quỹ đầu tư KKR ra giá 40 tỉ đô la để thâu tóm nhà khai thác viễn thông lớn nhất của Ý, Telecom Italia. Nếu được thực hiện, đây sẽ là thương vụ mua cổ phần tư nhân lớn nhất từ trước đến nay ở châu Âu và lớn thứ hai trên toàn cầu.

Nguồn vốn rẻ và dồi dào nhờ các mức lãi suất thấp kỷ lục trên toàn cầu đã thúc đẩy các giao dịch cổ phần tư nhân (của những doanh nghiệp chưa niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán), với giá trị tăng hơn gấp đôi so với năm ngoái, lên mức kỷ lục 985,2 tỉ đô la, theo Dealogic.

Luigi de Vecchi, Chủ tịch bộ phận tư vấn thị trường vốn ngân hàng phụ trách châu Âu, Trung Đông và châu Phi của Ngân hàng Citigroup, cho biết: “Giới đầu tư đang triển khai tiền mặt với tốc độ chưa từng có, có nghĩa là trên cơ sở toàn cầu, mức định giá tài sản đã đạt mức cao nhất trong lịch sử. Câu hỏi đặt ra là liệu các mức giá cao ngất ngưỡng này có tiếp tục còn hợp lý trong tương lai hay không”.

Đứng trước áp lực phải hướng hoạt động kinh doanh theo hướng “xanh” hơn, giới giám đốc điều hành của công ty cũng sốt sắng tìm kiếm các mục tiêu thâu tóm có nền tảng kinh doanh thân thiện về khí hậu.

“Cùng với công nghệ và cuộc chuyển đổi kỹ thuật số, tính bền vững luôn tồn tại và là trọng tâm của hầu hết các phòng họp hội đồng quản trị,” Luigi de Vecchi nói.

Làn sóng M&A bùng nổ, giúp các ngân hàng đầu tư ở Phố Wall thu về khoản phí tư vấn hơn 100 tỉ đô la trong năm nay, theo Berthold Fuerst, đồng Giám đốc bộ phận M&A  của ngân hàng Deutsche Bank.

Chi phí vay được dựa báo sẽ tăng lên trong những tháng tới khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cho biết sẽ tăng lãi suất 3 đợt vào năm 2022 để hạ nhiệt lạm phát. Tuy nhiên, các ngân hàng kỳ vọng hoạt động M&A sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ.

Tom Miles, đồng Giám đốc bộ phận M&A phụ trách châu Mỹ của Ngân hàng Morgan Stanley, nói: “Tôi không nghĩ chỉ riêng chuyển động tăng lãi suất sẽ khiến thị trường M&A chệch hướng”.

Theo Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới